Tôi bàn với dân mà rơi hai hàng nước mắt
Đó là chị Cao Thị Thủy-Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh Nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Xuất thân từ một hàng xáo nhỏ đong thóc, xát gạo rồi bán lại kiếm lời, sau một thời gian chị đã tự đầu tư mỗi năm một ít để mua máy xát lớn rồi máy sấy, máy bắn màu… đứng lên làm chủ lớn hơn. Với chị, lúa nào cũng xát, hễ có lãi là làm nhưng kể từ năm 2017 đến nay, chủ yếu làm gạo của giống lúa Nhật J02.
“Làm nghề hơn 20 năm nay tôi thấy nhiều bà con nông dân vẫn quá khổ. Lúc còn là hàng xáo nhỏ, tôi đến một gia đình ở thôn Xà Kiều của xã Quảng Phú Cầu, họ có 5-6 người ngồi dán vàng mã cả ngày được có mấy chục ngàn. Bữa cơm dọn ra cả nhà có mỗi bát canh cà chua chan húp. Trong khi đó tại sao ruộng bỏ hoang quá nhiều mà lại không cấy?
Tôi mạnh dạn lập một nhóm hợp tác mời mọi người tham gia vào để nghĩ mình sẽ đứng ra chỉ đạo sản xuất và thu mua thóc cho họ. Họp bàn với mấy trăm người dân ở thôn đang bỏ ruộng, bà con bảo không cho đâu bởi vì sợ sau này bị cướp mất đất. Nghe thấy thế, tôi rơi hai hàng nước mắt và bảo: “Các bác ơi, nhiều người còn khổ lắm! Thôi các bác cứ cho em thầu, em trả 20 kg/sào/năm để cải tạo lại đất”. Mãi về sau họ mới đồng ý nhưng chỉ là thầu theo từng năm một.
Tôi chấp nhận và thầu lại 200 mẫu ruộng hoang của xã Quảng Phú Cầu năm 2017. Có 40 người nộp chứng minh thư, sổ hộ khẩu lại cho tôi để cùng làm chung. Tôi tính sau này thu hoạch bán thóc sẽ chia làm 41 suất, 1 suất cho tôi còn lại cho các bà ấy. Máy móc tôi đầu tư thì trừ dần mỗi năm một ít, mọi người tham gia không phải nộp đồng cả.
Tôi vay ngân hàng 1,5 tỷ để mua 40 máy cấy dạng kéo tay cho mỗi người một cái rồi lại sắm máy bơm, máy sấy. Khổ chưa từng thấy, 40 người làm được một, hai buổi rồi thấy ruộng lắm cỏ quá đã bỏ bằng hết. Họ bảo: “Tôi chỉ làm thuê cho cô, làm ngày nào trả công ngày đấy thôi chứ không có tổ, nhóm gì hết”. Đã trót đầu tư bao nhiêu tiền ra rồi không thể bỏ được nữa nên tôi phải “giày xéo” với 200 mẫu ruộng đó đến nay. Giờ nó đã thành cánh đồng mẫu lớn rồi, cho hiệu quả, mỗi vụ thu 300-400 tấn thóc. Gần đây người ta cũng gọi cho tôi vì có cánh đồng ở xã Liên Bạt cũng bỏ hoang chừng 70 mẫu muốn hợp tác làm”.
Trong quá trình làm, dù ký hợp đồng rồi nhưng chị vẫn bị các tiểu thương khác nhảy vào vùng sản xuất tranh mua. Rồi là chuyện cùng là giống gạo Nhật nhưng bị trà trộn loại này sang loại khác: “ĐS1 nếu nhìn hạt thóc không thể nhận ra được vì giống J02, tôi đã từng dính một lần mua mấy tấn về xát ra thấy gạo có cái “lòng cò” hơi đục ở giữa, khi nấu lên ăn cơm không ngon như J02”.
Vẫn chỉ là hàng xáo nếu không có…
Theo chị Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam đơn vị cung cấp giống J02 thì Ứng Hòa chính là nơi đầu tiên ở phía Bắc đưa lúa Nhật vào sản xuất. Lúc huyện làm thành công thì Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội mới cho vào cơ cấu. Khó khăn của nông dân khi muốn sản xuất lúa hàng hóa là phải có máy sấy: “Chị Thủy là người duy nhất đã dũng cảm dám đầu tư hệ thống sấy, nhận tiêu thụ cho bà con dù lúc ấy chưa nhìn thấy kết quả gì. Trong khi đó đầu tư hệ thống sấy rất rủi ro bởi cần quỹ đất lớn, cần nhiều tiền mà lại chỉ làm mỗi năm được chừng hai tháng là hết vụ”.
Lúc đầu người ta xác định cấy J02 để xuất khẩu nhưng giờ ngay nội tiêu cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu. Ngay như huyện Ứng Hòa thôi mỗi vụ xuân cấy xung quanh cỡ hơn 3.000 ha nhưng càng ngày giá bán thóc lại càng cao, thu mua mỗi ngày một khó bởi đơn giản là chất lượng của gạo Nhật ngon. Thêm vào đó, hầu hết mọi người đều làm theo quy trình chung từ giống, phân bón đến phòng trừ dịch bệnh nên đảm bảo an toàn thực phẩm...
Chị Thủy thông qua hệ thống cán bộ địa phương ở các xã để tổ chức sản xuất lúa rồi đến kỳ thu hoạch thì thông báo trên loa cho ai có nhu cầu bán đến mà đăng ký. Thế nhưng nhiều người dân lại không thích bán cho cán bộ mà chỉ thích bán qua hàng xáo nên lại phải nhờ 20-30 người hàng xáo khác đứng lên để mua thóc.
Về xuất khẩu, chị Thủy gián tiếp thông qua một đơn vị là công ty Tường Lân. Kế hoạch vụ này bán 2.000 tấn lúa tươi cho họ nhưng không thành, được có 1.000 tấn. Chỉ có mua lúa tươi rồi sấy thì khi đem xay xát mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn để bà con tự phơi ngoài đường nhựa, đường bê tông nóng quá dễ bị gãy gạo.
So ra cái giá lúa tươi chị Thủy đang mua 6.500đ/kg còn giá lúa khô người dân đang bán 8.200đ là hoàn toàn tương đương mà lại đỡ công phơi phóng nhưng dân vẫn thích tự phơi khô hơn. Bởi thế mà hai hệ thống sấy gồm một cũ của riêng nhà mình đạt công suất 50 tấn/ngày, một mới chung nhau đầu tư đạt công suất 300 tấn/ngày đã không đủ sản lượng thóc tươi để đáp ứng. Hơn thế, đầu tư quá nhiều vào hệ thống sấy nên giờ chị Thủy rất khó khăn về vốn trong việc tích trữ hàng.
Sản lượng bán xuất khẩu của chị Thủy chỉ là phần nhỏ so với bán nội địa. Lúa khô trong dân xếp vào bồ là nguồn để cho chị Thủy mua xay xát quanh năm nhưng nếu có vốn, thu mua được lúa tươi, tự sấy, bảo quản ở kho rồi chế biến dần sẽ đảm bảo chất lượng và chủ động hơn: “Rủi ro đối với những người làm gạo kiểu nhỏ như tôi hầu như không có mà chỉ là thiếu vốn mà thôi còn nhiều đại gia to nhảy vào làm gạo thì đang bị “chết” bởi họ không quen thị trường nội địa, chỉ chờ đợi, phụ thuộc vào những hợp đồng xuất khẩu lớn.
Trong khi đó chúng tôi có thể bán gạo ở mọi nơi, mọi ngóc ngách, từ đồng bằng lên tới miền núi, từ gần đến xa. Do tôi làm gạo 20 năm nay nên những đại lý gạo ở tỉnh nào hầu như cũng biết đến “Thủy Hà Tây” cả. Tôi cho một kế toán ngày nào cũng chỉ ngồi chăm sóc mấy trăm khách hàng là các đại lý, gọi điện xem họ còn gạo hay không, cần số lượng bao nhiêu rồi điều xe đi để rải. Bán như thế toàn là bao 50 kg trắng, không nhãn mác, giá trung bình 15-16.000đ/kg. Đó là loại “gạo chợ” phù hợp với số đông người tiêu dùng.
Ngoài làm gạo, hiện nay chị Thủy đang tổ chức mạ khay, cấy máy mỗi vụ chừng 2 vạn khay, cấy máy được chừng 50-60 ha nhưng không thể đáp ứng nổi nhu cầu của bà con. Chị ước ao: “Nếu có được số vốn cỡ 20 tỉ tôi khẳng định sẽ làm được cho bà con một cách bài bản, quy mô chứ hiện nay chỉ vay ngân hàng được có 500 triệu thì làm được cái gì? Tôi có ước mơ đầu tiên là muốn có mặt bằng nhà xưởng thật ổn định để thế chấp vay ngân hàng. Sẵn tiền vay đó để đầu tư cho bà con từ giống, mạ khay cấy máy, gặt đến thu mua mới bền vững được chứ hiện nay phụ thuộc hoàn toàn. Ngay mặt bằng này có 5.000m2 trước đây là mô hình trang trại, giờ vẫn còn đang tranh chấp”.
Cái mà những “hàng xáo” như chị Thủy muốn ngoài vốn vay ưu đãi còn là sự vào cuộc của địa phương. Cụ thể là quy hoạch vùng, là sự tuân thủ theo cùng một quy trình sản xuất, là chống bị phá giá khi thu mua. Nếu không làm được những thứ đó thì chị Thủy vẫn mãi chỉ như là một hàng xáo lớn mà thôi.
Vụ này lúa Nhật được mùa, trung bình 2,7 tạ tươi/sào tương đương 2,3 tạ khô/sào, nhiều nhà đạt 3 tạ tươi/sào tương đương 2,5 tạ/sào. Nhưng thế cũng chưa bằng năm 2017, chị Thủy đi cân thóc mà còn giật mình bởi có nhà đạt tới 3,7 tạ tươi/sào.