Tối 16/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký Công điện số 23 về tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần với những người đã tiêm đủ 2 liều vacxin, các F0 đã khỏi bệnh về từ vùng có nguy cơ cấp 3; 4 và thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
Công điện trên ngay lập tức đã khiến rất nhiều người dân phản ứng, trong đó có cả giới chuyên gia, như tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Các ý kiến đều cho rằng làm thế, là phải chăng UBND thành phố Hà Nội lo rằng việc tiêm vacxin và xét nghiệm không hiệu quả? Biện pháp này đã khiến cho yếu tố "thích ứng an toàn với dịch bệnh" của Nghị quyết số 128 của Chính phủ bị giảm hiệu lực. Nhiều ý kiến khác cho rằng UBND thành phố Hà Nội đã lo lắng về dịch bệnh một cách thái quá. Nếu cứ tiếp tục duy trì biện pháp này, sẽ kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.
Những ý kiến trên đã được UBND thành phố Hà Nội lắng nghe. Và ngay sau 2 ngày, ngày 18/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Công điện số 24, hủy bỏ các biện pháp đã nêu trong Công điện số 23. Nhiều người thở phào!
Ý kiến của người dân phản ánh nguyện vọng của dân. Và đó luôn luôn là những nguyện vọng chính đáng, giúp chính quyền nhìn ra những khiếm khuyết trong chính sách cũng như cách điều hành của mình, để điều chỉnh cho phù hợp, cho trúng với lòng dân, làm cho ý Đảng với lòng dân là một.
Chính vì thế mà có rất nhiều chính sách, trước khi ban hành, đã được công khai bản dự thảo để xin ý kiến nhân dân. Quốc hội có hẳn một Ban Dân nguyện để lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến phản ánh nguyện vọng của nhân dân, và kỳ họp nào của Quốc hội cũng có một buổi trình bày ý kiến của cử tri. Và rất nhiều ý kiến đã được Quốc hội tiếp thu, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, áp dụng.
Việc thu thập những ý kiến phản ánh nguyện vọng của dân không phải bây giờ mới có. Thời phong kiến, chưa có báo chí, chưa có Intenet và chưa có mạng xã hội, nhưng hàng năm cứ đến mùa xuân, nhà vua lại sai các quan thái sử đi vào dân để thu thập những bài ca dao, dân ca về nghiên cứu, bởi đó chính là một kênh thông tin vô cùng quan trọng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân.
Đã hết thời những chính sách duy ý chí được ban ra rồi ép dân thực hiện cho bằng được, bất chấp những quy luật khách quan, khiến xã hội trở thành nghèo đói, nhân dân bị bần cùng. Đã là chính quyền “của dân, do dân, vì dân” thì phải biết nghe dân. Không nghe dân, chính quyền sẽ trở nên cô độc.
Việc UBND thành phố Hà Nội biết lắng nghe dân, kịp thời thay đổi chính sách trong một thời gian rất ngắn, là một việc làm rất đáng trân trọng.
Một chính quyền biết lắng nghe nhân dân luôn luôn là một chính quyền mạnh.