| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 20/11/2020 , 08:21 (GMT+7)
Văn Hùng

Văn Hùng

Nhà báo 08:21 - 20/11/2020

Hãy dành hoa của Bí thư và Chủ tịch cho người giáo viên

Nếu được nuôi ăn học, ra trường bố trí việc làm, mức lương cao thì có lẽ các thầy cô giáo sẵn sàng nhường cái chữ “cao quý nhất” cho ngành Công an, Quân đội.

Mỗi lần đọc được những lời kêu gọi mua bán sản phẩm tiêu dùng trên facebook của những thầy giáo, cô giáo; hay trên những chuyến xe ôm, tôi bắt gặp họ là những giáo viên vừa mới vào nghề… mà thấy xót xa!

Với họ, 20/11 không mấy mặn mà, thứ họ mong muốn là có được một công việc ổn định, thu nhập đảm bảo để yên tâm công tác.

Giáo dục có lẽ là nghề đặc thù nhất hiện nay mà theo tôi phải được Nhà nước đầu tư quan tâm đặc biệt nhất mới phải đạo.

Nếu chỉ có mỗi đồng lương thì đa phần giáo viên mới vào nghề không thể đảm bảo được cuộc sống. Còn các giáo viên lâu năm công tác, họ khá chật vật vì còn có gia đình, con cái. Đó là còn được tuyển dụng và bố trí đứng lớp. Còn không ít giáo viên ra trường bơ vơ, chạy đôn chạy đáo, thi tuyển lên xuống khắp nơi, hợp đồng cả chục năm thì cuộc sống với họ là cả một gánh nặng.

Nếu được chọn sự công bằng để được nuôi ăn học, ra trường bố trí công ăn việc làm, mức lương cao thì có lẽ các thầy cô giáo họ sẵn sàng nhường cái chữ “cao quý nhất” ấy cho các ngành Công an, Quân đội.

Mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng nếu không nói ra bất hợp lý ấy sẽ thấy, việc quan tâm và đầu tư của Nhà nước đối với sự nghiệp trồng người là chưa thật sự thỏa đáng.

Nhìn những lẵng hoa to với bầu đoàn tháp tùng đi sau Bí thư, Chủ tịch tỉnh là lãnh đạo các phòng, ban đến tận các Sở GD - ĐT và các trường đại học để chúc mừng nhân ngày 20/11 mấy ngày hôm nay, tôi lại nghĩ đến những thân phận thầy cô giáo ở những vùng biên cương xa xôi và ngay cả những giáo viên nơi thị thành đang vật lộn với đồng lương, bát gạo.

Ở đó, họ khát khao có được một tiếng lòng sẻ chia như cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm những gia đình nghèo khó vào các dịp lễ tết.

Bác Hồ luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động.  Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp lễ tết, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm.

Chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ.

Chuyện nghe kể lại rằng, một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị.

Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác… Gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu..”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?…”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc. Đó là một trong những cái Tết cuối cùng của Bác trong ký ức của đồng chí Vũ Kỳ.

Học tập Bác Hồ và làm theo Người là hành trang để xây dựng cơ đồ nước Việt Nam to đẹp đàng hoàng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Muốn vậy Đảng và Nhà nước, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là tư lệnh ngành Giáo dục cần dành sự quan tâm thỏa đáng cho những người khó khăn nhất, những nhà giáo đang ngày đêm vật lộn với cuộc sống mưu sinh, cõng con chữ đến với từng con trẻ.

Một hành động thiết thực sẽ có sức lan tỏa hơn nhiều chứ không phải ở những lẵng hoa to với bầu đoàn xe cộ hùng hậu đi sau Bí thư, Chủ tịch đến các Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường đại học lớn mà quên đi những ngôi trường hẻo lánh xa xôi. Nơi mà những ngày này cả thầy và trò có khi còn thiếu lương thực, thực phẩm; sách vở, áo quần bị lũ cuốn trôi và cái rét đầu đông đang cứa lên thân thể mỗi người.                                                                      

Bình luận mới nhất