| Hotline: 0983.970.780

Heo 'Vân Pa', kết tinh giữa heo rừng và heo bản, đặc sản nổi tiếng Quảng Trị

Thứ Tư 08/03/2017 , 07:50 (GMT+7)

Thịt heo Vân Pa đang trở thành đặc sản nỗi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Nó là sự lai tạo giữa heo rừng và heo nhà thả rông trong các bản làng người dân tộc thiểu số.

Có một giống heo rất đặc biệt được ra đời giữa giống heo rừng và heo bản thả rông ở miền núi tỉnh Quảng Trị. Người mang đến thành công và tạo ra thương hiệu heo “Vân Pa" là Thạc sĩ Trần Văn Do, nguyên hiệu trưởng Trường Trung học NN-PTNT Quảng Trị.
 

Kết tinh giữa heo rừng và heo bản

Trang trại heo Vân Pa ở km 30, thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông của Nguyễn Văn Lành có hơn 30 con. Lành nuôi heo bằng thức ăn rau và giun, dế, không ăn bột, không thuốc tăng trọng nên thịt rất ngon. Hiện mỗi kg thịt heo Vân Pa có giá hơn 200 ngàn đồng, cao gấp 2,5 lần thịt heo nhà nuôi theo công nghiệp.

11-45-16_vn-p-1
Giống heo nổi tiếng Vân Pa do Thạc sĩ Trần Văn Do tạo ra
 

Thịt heo Vân Pa đang trở thành đặc sản nỗi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Nó là sự lai tạo giữa heo rừng và heo nhà thả rông trong các bản làng người dân tộc thiểu số. Câu chuyện thịt heo Vân Pa gắn liền với tên tuổi của nhà nghiên cứu nông nghiệp - Thạc sĩ Trần Văn Do.

Hơn mười năm trước, tình cờ, một lần lên làm việc ở huyện miền núi Hướng Hóa, Thạc sĩ Do phát hiện ra một giống heo khá lạ. Những con heo được ra đời trên cơ sở giao phối giữa heo rừng và heo nhà thả rông của bà con dân tộc. Thế nhưng, đời sống tự nhiên của nó đang bị thu hẹp lại bởi sự tấn công chủ định của con người phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Thạc sĩ Do lo âu. Nếu không hành động kịp thời để bảo tồn thì giống heo quý báu ấy sẽ nhanh chóng mất tiêu. Đang có một vị trí giảng dạy ổn định tại Trường ĐH Nông lâm Huế, ông quyết định xin về công tác tại trường Trung học NN-PTNT Quảng Trị để có thêm điều kiện nghiên cứu, thâm nhập thực tế.

Công việc đầu tiên là ông lùng sục đến tận các bản làng, bỏ tiền ra mua rất nhiều con heo này về nuôi. Nhưng đồng tiền của nhà khoa học đâu phải sẵn có. Có dạo ông phải quyết định bán chiếc xe Honda đang dùng làm phương tiện đi lại để lấy mười triệu đồng mua heo giống về thí nghiệm. Trời không phụ công người, sau ba năm nghiên cứu, ông Do đã trình làng một giống heo mới. Một đàn heo rừng lai hơn 30 con ra đời ngay trong vườn thí nghiệm của trường.

Gần một năm sau, một con heo cái trong số trên đã sinh được bảy con heo con. Đây là thành công bước đầu trong quá trình bảo tồn giống mà ông Do đằng đẵng theo đuổi. Nhớ lại nhưng ngày đầu vất vả, ông Do chia sẻ trong hạnh phúc: "Khi nhìn thấy những con heo lai đầu tiên ra đời, tôi mừng đến chảy nước mắt. Kết quả bước đầu ấy đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn, phát triển giống heo đặc sản miền núi Quảng Trị".

Mới nhìn, thân hình loại heo này ngắn, bụng hơi to, lưng võng, 4 chân thẳng, có 10 đến 14 vú. Trọng lượng khi trưởng thành từ 30 - 40kg, chiều cao 0,4 - 0,5m, nuôi thịt 8 - 10 tháng tuổi mới đạt 25 - 30kg/con. Khả năng tăng trưởng của nó không cao, chỉ 3 - 4kg/tháng. Chúng được nuôi theo cách thả rông, tự tìm lấy thức ăn, nước uống, chỗ nằm.

Cái hay của giống heo rừng được ông Do lai tạo là sống được trong điều kiện tự nhiên, không cho ăn bột cám, chỉ ăn lá cỏ, củ sắn, giun, dế. Khác với heo nhà, sự chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của giống heo này rất tốt, không đau ốm, dịch bệnh. Đây là tiêu chí cần và quý nhất khi mang giống heo lai này trở lại phổ biến cho bà con miền núi chăn nuôi, phù hợp sự đào thải, khắc nghiệt của tự nhiên.

Thạc sĩ Trần Văn Do cho biết giống heo này được đặt tên là heo Vân Pa. Tên gọi ấy gợi nhớ đến vật nuôi không thể thiếu được trong mỗi gia đình của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền núi Quảng Trị. Đây là một thương hiệu về giống lợn nổi tiếng được Viện Chăn nuôi đánh giá rất cao và thuộc 1 trong 21 nguồn gen quý của Việt Nam cần bảo tồn, phát triển.
 

Thịt ngon, giá gấp 2,5 lần heo nhà

Thịt heo Vân Pa rất ngon. Đây là nguồn thịt sạch, không có dư lượng thuốc tăng trọng như heo nuôi công nghiệp. Do vậy, nhu cầu người tiêu thụ mạnh.Thạc sĩ Trần Văn Do cho biết, cũng vì do áp lực của lương thực, thực phẩm mà giống heo Vân Pa có thời kỳ được xếp có nguy cơ rơi vào tuyệt chủng. Điều đó đe dọa nghiêm trọng đến việc phát triển bền vững và khả năng bảo tồn đa dạng sinh học, lãng phí nguồn gen quý hiếm. Từ năm 2005, giống heo Vân Pa ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, còn lại chưa đến 200 heo nái sinh sản.

11-45-16_vn-p-2
Thạc sĩ Trần Văn Do

 

Đứng trước tình hình ấy, được sự hỗ trợ của Chương trình bảo tồn gen quốc gia, Thạc sĩ Trần Văn Do cùng cộng sự đã tiến hành bảo tồn chuyển vị 50 heo nái tại trường Trung học NN-PTNT Quảng Trị và bảo tồn định vị tại 2 xã Đakrông và A Bung với số hơn 100 heo nái.

Đến năm 2010, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học - Công nghệ, Thạc sĩ Trần Văn Do vận động các cấp chính quyền và người dân tham gia phát triển giống heo Vân Pa trên toàn tỉnh Quảng Trị. Nên ngoài 50 nái hạt nhân, 124 nái sinh sản và 3 mô hình nuôi heo thịt 1.200 con, thì còn có nhiều trang trại đã nuôi từ 30 - 100 con. Hàng trăm hộ dân tham gia nuôi từ 10 - 20 con/hộ và hàng ngàn gia đình nuôi từ 3 - 5 con/hộ.

Kết quả khảo sát của Trường Trung học NN-PTNT Quảng Trị cho thấy tỷ lệ tăng đàn từ 2010 - 2015 bình quân mỗi năm tăng từ 10,5 - 10,7%/năm. Đàn heo thịt ở cuối năm trong thời gian 5 năm đều không có sự biến động nhiều, nhưng số lượng bán ra hàng năm tăng khoảng 13,21%. Điều đó cho thấy chăn nuôi heo Vân Pa đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Phác thảo bức tranh bảo tồn và phát triển heo đặc sản Vân Pa, Thạc sĩ Trần Văn Do cho biết từ chỗ có nguy cơ bị tuyệt chủng nay đã trở thành heo hàng hóa với giá gấp 2,5 lần heo nuôi công nghiệp. Giống heo Vân Pa không những phát triển ở Quảng Trị mà còn phát triển ra ở Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế và nhiều địa phương khác.

+ Thạc sĩ Trần Văn Do: “Quy luật chọn lọc tự nhiên ngày càng khắc nghiệt, thị hiếu con người muốn dùng thực phẩm sạch, ngon, ngày càng cao. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh công tác phát triển thì giống heo Vân Pa lại rơi vào vòng nguy hiểm. Do đó việc điều tra đánh giá tiềm năng phát triển nguồn gen heo Vân Pa để tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng là việc làm hết sức cần thiết vào lúc này”.

+ Ông Võ Văn Hưng, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị: “Bên cạnh việc xây dựng đàn heo hạt nhân mang đầy đủ phẩm chất tiên tiến của giống Vân Pa nhằm bảo vệ nguồn gen thuần chủng, cần xây dựng đàn heo nái sinh sản đủ số lượng để phát triển nguồn gen, đàn heo thịt với số lượng nhất định để tạo nên sản phẩm hàng hóa. Cùng với quá trình đó là xây dựng được các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng sẽ là việc làm hết sức cấp thiết không những bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm heo Vân Pa mà còn tạo được sản phẩm hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân chăn nuôi”.

 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.