| Hotline: 0983.970.780

Hết hồn với công nghệ biến thịt ôi, mỡ bẩn thành giò chả

Thứ Năm 12/02/2015 , 10:02 (GMT+7)

Trong các ngày lễ tết, chả lụa (còn gọi giò chả) là mặt hàng thực phẩm bán khá chạy. Nhưng hiện nay có không ít cơ sở SX giò chả chụp giựt, tranh thủ trong các ngày gần Tết đưa ra thị trường các loại giò chả được chế biến bởi thịt thối, mỡ bẩn.

Đột kích cơ sở SX giò chả "bẩn"

Ngày 10/2, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành quận Thủ Đức, TP.HCM tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giò chả Như Hương (98 Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức,TP.HCM) do bà Trần Thị Hằng Nga làm chủ.

Mặc dù là cơ sở có "thương hiệu" hẳn hoi, làm nghề giò chả từ năm 2012 nhưng chỉ mới được ngành y tế địa phương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP từ tháng 11/2014, tức mới hơn 3 tháng.

Điều đáng nói là ngay mặt tiền của "cơ sở" này trương bảng rao bán một số loại giò chả nhân dịp Tết Ất Mùi khá rẻ như: "Chả bò 160 ngàn/kg, chả gà 155 ngàn đồng, chả thủ 140 ngàn/kg (tai heo + nấm mèo), chả lụa 120 ngàn đồng/kg".

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, giá 1 kg chả bò thấp nhất cũng là 200 ngàn/kg (loại ngon 300 ngàn); chả gà cũng có giá từng ấy, riêng chả lụa có giá từ 160-180 ngàn. Vậy thì cơ sở này đã sử dụng nguyên liệu gì để chế biến thành các sản phẩm giò chả có "giá mềm" nói trên?

Khi đoàn kiểm tra ập vào cơ sở đã phát hiện bên trong chất ngổn ngang giò chả các loại với trọng lượng bao bì tịnh (lá bao bên ngoài) từ 0,5 - 1kg để trên bàn, cối xay vẫn còn dính thịt, còn nấm mèo (dùng làm chất độn trong giò thủ) thì được ngâm trong thùng sơn cũ kỹ.

Đặc biệt, tại khu nguyên liệu được bảo quản lạnh đang có hàng chục sọt nhựa đựng thịt gà, thịt heo, trong đó có một số đã đổi màu, biến chất, đổ nhớt và bốc mùi hôi nồng nặc. Đây chính là nguyên liệu làm "đầu vào" nhằm chế biến các loại giò chả "hương vị" Tết.


Thịt thối đựng trong các bao nilon đã ngả màu tại cơ sở Như Hương

Theo ông Trảo An Hà, Trưởng trạm Thú y quận Thủ Đức, căn cứ vào sổ theo dõi xuất nhập hàng thì trong ngày cơ sở Như Hương nhập bình quân 400 kg thịt gà, xuất ra khoảng 300 kg giò gà. Như vậy, về nguyên tắc chỉ còn lại 100 kg thịt gà hợp pháp nhưng số lượng hàng thực tế ghi nhận tại hiện trường lên đến trên 3 tấn thịt gà, trong đó, bao gồm 2,5 tấn ức gà đã ngả màu.

Ngoài ra đoàn kiểm tra còn ghi nhận có đến 450 kg mỡ heo đông lạnh, 215 kg thịt heo, 111 kg da heo, 21 kg thịt heo cắt lát, cùng 32 cây giò chả thành phẩm loại 0,5 kg/cây và 5 cây giò chả loại 1 kg.

Ngay tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Như Hương còn đang bốc chuyển nguyên liệu lên xe tải để gửi đi kho khác với số lượng 21 túi ni-lông, tương đương 420 kg thịt. Số hàng định chuyển đi nơi khác được Trạm Thú y quận Thủ Đức kết luận "không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật", không những thế cơ sở này còn sử dụng nhãn hiệu của một cơ sở kinh doanh gia cầm có tên viết tắt "AL-LA" có địa chỉ tại quận 12 để lưu thông trên đường.

Đoàn kiểm tra kết luận phần lớn nguyên liệu được chủ cơ sở mua trôi nổi để sản xuất giò chả giá rẻ nhằm thu hút khách hàng dịp Tết. Bà Nga, chủ cơ sở thừa nhận, để sản xuất các loại giò chả, bà dùng nguyên liệu thịt gà, thịt heo và số lượng mỡ heo nói trên đưa vào chế biến sau khi có pha thêm một loại bột màu trắng, bên ngoài không ghi nhãn mác nhưng được dùng để "bảo quản", giúp sản phẩm làm ra dai và giòn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng hàng thành phẩm của cơ sở này được tung ra khá rộng rãi trên địa bàn TP.HCM và các huyện ven ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi và giá bán tùy theo đặt hàng của người mua.


"Nhà phân phối" giò chả "hai không": không nhãn hiệu, không địa chỉ SX.

“Các chất phụ gia tạo giòn, dai trong chế biến giò chả hiện có nhiều loại xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phần lớn nó vẫn là hóa chất tổng hợp không dinh dưỡng chỉ dùng cải thiện cảm quan, cấu trúc, mùi vị, bảo quản sản phẩm nên vẫn có tính độc hại về lâu dài” (TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM)

Trước những vi phạm quả tang, bà Nga đồng ý xin tiêu hủy toàn bộ trên 3 tấn nguyên liệu "bẩn" và thành phẩm nói trên. Đoàn kiểm tra chấp nhận việc tiêu hủy lô hàng tại lò đốt Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân nhưng phải dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí. Ngoài ra, đoàn buộc cơ sở phải đình chỉ hoạt động.

Tràn lan giò chả không rõ nguồn gốc

Có thể nói trên thị trường hiện nay, không chỉ loại giò chả có nhãn hiệu như cơ sở Như Hương chế biến cực bẩn mà còn xuất hiện tràn lan các loại giò chả hai không (không nhãn hiệu, không địa chỉ) nên chất lượng không lấy gì đảm bảo.

"Nhà phân phối" các loại giò chả "hai không" này chính là các "lái" đi trên các xe gắn máy đem bỏ mối tại các cửa hàng bán bánh mì, bánh ướt, các chợ "chồm hỗm"... với giá vô cùng "mềm", chả lụa giá 100 ngàn, chả bò 120 ngàn, chả gà 125 ngàn/kg. Trong khi đó, lẽ ra các loại giò chả khi đưa ra bán trên thị trường bắt buộc phải công bố hợp quy.

Bà Phương, chủ cơ sở giò chả Phú Hương ở quận 1 thường đem các loại giò chả thành phẩm bán ở siêu thị Big C (quận Bình Thạnh) cho biết, nếu giò chả (heo) loại ngon đảm bảo chất lượng phải có giá 180 ngàn/kg; còn chả bò là 300 ngàn; chả gà 290 ngàn/kg.


Hương liệu tạo màu, chất bảo quản trong giò chả nhằm tạo "dai, giòn", để được lâu

 "Nếu SX giò chả “zin” (loại 1, thịt heo nguyên chất) thì trộn hỗn hợp theo công thức 8 lạng nạc, 2 lạng mỡ cùng các chất phụ gia; còn giò chả “lô” thì trộn 5 lạng nạc, 3 lạng mỡ, 2 lạng bột mì cùng các chất phụ gia. Thịt ôi, thịt chết mua giá 40-50 ngàn/kg, mỡ heo "bẩn" là 20 ngàn/kg nên chế biến sản xuất 1 kg giò bán 100 ngàn/kg cũng đã có lãi" - bà Phương khẳng định.

Chưa hết, theo tìm hiểu chúng tôi, đối với các "cơ sở" giò chả mua nguyên liệu từ heo bệnh, mỡ thối với giá cực rẻ mang về pha trộn với bột mì, chất bảo quản, hương liệu theo tỷ lệ 50:50 thì 1 kg giò chả bán ra 100 ngàn vẫn có lãi to!

Anh Giàu, một người chuyên bỏ mối giò chả lâu năm ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã không ngần ngại tiết lộ: Hiện nay, giá thịt heo nạc bình quân 100 ngàn, nhưng ở một số chợ người ta vẫn bán loại giò chả 1 kg có 100-120 ngàn để dùng trong các quán bánh cuốn, bún bò, bún riêu, bún mọc trên các vỉa hè.

Đặc điểm của loại giò chả này là khi ăn vào có cảm giác xực, giòn, dai, vị hơi đăng đắng, bởi nguyên liệu chính không phải là thịt heo nạc mà là mỡ heo, bột mì hoặc bột năng, bột ngọt, muối, đường, hương liệu và hàn the dùng bảo quản.

"Ăn vào những loại giò chả này lâu ngày chỉ có bệnh nan y!" - anh Giàu nói bức xúc.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm