Liên quan đến vụ nghi ngờ ngộ độc pate chay tại Bình Dương, đến nay đã ghi nhận 6 trường hợp, trong đó 4 trường hợp nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10, TP.HCM), 1 trường hợp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP.HCM) và 1 trường hợp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (người nhà xin về và đã tử vong).
Bệnh nhân C.N.H, nữ, sinh năm 1968, ngụ tại phường An Thạnh, thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim 1 lần). Hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh nhân C.N.M, nữ, 42 tuổi, trong tình trạng mệt mỏi, nuốt khó. Sau đó, nữ bệnh nhân được chuyển khoa Nội Thần kinh với chẩn đoán theo dõi viêm thân não, phân biệt với ngộ độc. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân bị ngưng tim đột ngột, suy hô hấp. Tuy nhiên, tim đập lại sau khi được hồi sức tích cực. Bệnh nhân sau đó được người nhà xin về và đã tử vong.
Bệnh nhân Đ.Đ.L.U, nữ, sinh năm 1979, ngụ tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hiện tiếp xúc hiểu, sức cơ tứ chi có cải thiện từ 2/5 -> 3/5, vẫn còn sụp mi, gọi hé mắt. Điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh nhân T.T.N.Đ, nữ, sinh năm 1978, ngụ phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hiện bệnh nhân tiếp xúc được, gọi hé mắt, sức cơ tứ chi 3/5. Điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh nhân T.N.K.N nữ, sinh năm 1999, ngụ phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (cháu của bệnh nhân T.T.NĐ). Hiện gọi mở mắt chậm, sức cơ tứ chi 3/5, sụp mi. Điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh nhi P.N.T.T (con gái của bệnh nhân C.N.M), sinh năm 2005, suy hô hấp và được thở máy, đồng tử dãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5, chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay. Điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hai trường hợp là bệnh nhân C.N.H (điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115) và bệnh nhân P.N.T.T (điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2) sau khi được truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) (do các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chuyển vào tối 25/3 - PV) đã có cải thiện.
Cụ thể, bệnh nhân C.N.H sau khi truyền 1 lọ huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent thì 3 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ từ 1/5 đã tăng lên 2/5 và có biểu hiện nghe hiểu.
Bệnh nhân P.N.T.T được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT (2/3 lọ) lúc 19g30 ngày 25/3, đến 22g30 (sau 3 giờ truyền BAT) bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến 1g30 sáng 26/3, khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Theo Sở Y tế TP.HCM, biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy, đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn patê có độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Như vậy, hiện Việt Nam đã không còn thuốc giải độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Đây là một trong những điều mà các bác sĩ lo ngại trước tình trạng sức khỏe nguy kịch của các bệnh nhân.
Hiện Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục hồi sức và theo dõi sát tình trạng của các bệnh nhân.
Trước đó, các trường hợp trên đều ăn đồ chay (bún riêu chay, chả chay, pate chay) tại Miếu Chiêu Liêu, tỉnh Bình Dương. Trong đó, có pate bị phồng nắp và có vị chua, sau đó xuất hiện các triệu chứng tương tự nhau như khó nói, yếu cơ, khó thở và diễn biến suy hô hấp nhanh.