| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại tàu đánh bắt xa bờ

Thứ Tư 01/07/2015 , 10:33 (GMT+7)

Đó là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức tại TP Rạch Giá. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo diễn đàn.

Diễn đàn thu hút 280 đại biểu tham dự, trong đó có gần 200 ngư dân là chủ tàu đến từ các tỉnh, thành phía Nam.

Khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay là rất cần thiết. Vì nghề cá có sự đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, xóa đói giảm nghèo…

Nghề cá của Việt Nam đang đứng thứ 20 thế giới về sản lượng, thứ 4 về xuất khẩu. Thế nhưng, 90% đội tàu đánh bắt được đóng bằng gỗ, thiết kế theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ và lao động thủ công là chính, công nghệ bảo quản lạc hậu nên thất thoát sau thu hoạch còn rất lớn, chất lượng kém.

Vì vậy, cần tạo điều kiện cho ngư dân hiện đại hóa tàu cá để đánh bắt xa bờ, đổi mới công nghệ bảo quản, hướng vào đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao… Nghị định 67 của Chính phủ ra đời nhằm giúp ngư dân có điều kiện tốt để thực hiện điều này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Mai Anh Nhịn cũng đánh giá cao vai trò kinh tế biển với sự phát triển của địa phương. Kiên Giang có ngư trường rộng lớn 63.000 km2, hơn 200 km bờ biển, nhiều đảo rất thuận lợi cho phát triển nghề cá, trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 500.000 tấn.

Tuy nhiên, ngư dân khai thác hiện nay vẫn theo phương thức nhỏ lẻ, hậu cần nghề cá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Vì vậy, cả trước mắt cũng như lâu dài, ngư dân và Nhà nước cần phải tập trung mọi nguồn lực để hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để địa phương trở thành trung tâm nghề cá lớn của khu vực Tây Nam bộ như Chính phủ đã quy hoạch”, ông Nhịn phát biểu.

Tại diễn đàn, ngư dân đã được các nhà khoa học, nhà quản lý trình bày, giới thiệu về các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ để hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ, các mô hình khai thác, bảo quản mang lại hiệu quả cao. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã trình bày các chích sách mới của Nhà nước đang hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong ngành khai thác hải sản xa bờ.

Ngư dân cũng yêu cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ thực hiện các mô hình làm hầm bảo quản cá trên tàu, các thiết bị điện tử đi biển để ngư dân tiếp cận, học kinh nghiệm và tự đầu tư thực hiện khi thấy có hiệu quả.

Trong bài tham luận, TS Dương Minh Chuẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của nghề cá Việt Nam hiện nay như: Tàu nhỏ, lao động thủ công, cơ giới hóa rất thấp, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của ngư dân kém, an toàn tính mạng, tài sản chưa được coi trọng do ngại đầu tư, thời gian đi biển dài ngày nhưng thu nhập thấp, quản lý Nhà nước về nghề biển còn bất cập. Năng suất khai thác không ổn định, chuyến no, chuyến đói do khai thác theo kinh nghiệm đầy may rủi, tàu nọ ăn theo tàu kia, phá đám lẫn nhau…

TS Nguyễn Xuân Niệm, PGĐ Sở KH-CN Kiên Giang cho rằng, việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào tàu cá sẽ mang lại những lợi ích rất lớn cho ngư dân. Chẳng hạn như Kiên Giang đang triển khai đề tài hiện đại hóa nghề khai thác cá cơm Phú Quốc một cách bền vững, đã nâng cao thu nhập cho ngư dân và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà thùng chế biến nước mắm, một sản phẩm đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý…

Tại diễn đàn, ngư dân đã trao đổi, đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách hỗ trợ nhằm hiện đại hóa tàu cá cần các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp. Trong đó, tâm điểm là việc tiếp cận các chính sách gặp rất nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ.

Chẳng hạn như Nghị định 67 hiện nay, dù đã qua gần một năm triển khai nhưng rất ít ngư dân tiếp cận được nguồn vốn. Tại Kiên Giang, trong số 38 ngư dân đăng ký đủ điều kiện (đóng mới 30 tàu, nâng cấp 8 tàu) thì đến nay mới chỉ có duy nhất 1 ngư dân được giải quyết vay vốn.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.