| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 13/06/2020 , 06:01 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:01 - 13/06/2020

Hiến kế rộn ràng, dụng kế ra sao?

Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” do báo Người Lao Động đăng cai, vừa tổng kết trao giải.

Sông Sài Gòn cần được phát huy giá trị phục vụ dân sinh. Ảnh: T.H.

Sông Sài Gòn cần được phát huy giá trị phục vụ dân sinh. Ảnh: T.H.

Nhiều ý tưởng thú vị cũng như nhiều đề xuất đột phá đã được đưa ra với hy vọng xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là đô thị đầu tàu của cả nước và vì cả nước. Thế nhưng, hiến kế rộn ràng mà “lắng nghe” ra sao và dụng kế ra sao, vẫn là điều đáng bận tâm.

Quan niệm “dân là gốc” chưa bao giờ sai. Thậm chí, sự đúc kết “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó ngàn lần dân liệu cũng xong” vẫn luôn luôn đúng.

Sức sống nằm trong dân, mà trí tuệ cũng nằm trong dân. TPHCM mang đặc trưng một đô thị lớn, trong cái nhộn nhịp có cái phức tạp, trong cái hào nhoáng có cái bất cập. Vì vậy, gỡ được những tồn đọng chưa như ý cho TP.HCM, cũng sẽ mở ra nhiều hướng phát triển cho các tỉnh thành khác của Việt Nam.

Trong các “diệu kế” của cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế”, ý tưởng của công dân Phạm Sỹ Nhật có lẽ gây bất ngờ nhất. Đó là thiết kế cầu đi bộ nhiều tầng hình thức BOT, nối trung tâm quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm, với mô tả: “Bên dưới dành cho đi bộ, các tầng bên trên cho thuê để hoàn vốn xây dựng. Nhờ đó, nhà nước chỉ cần cấp phép mà không tốn chi phí để xây dựng cây cầu này.

Toàn bộ số tiền xây dựng - vận hành công trình do nhà đầu tư chi trả, họ sẽ thu lợi nhuận dựa trên việc kinh doanh không gian bên trên cầu để làm nhà hàng, khách sạn, cửa hàng trong thời gian hoàn vốn BOT. Tính toán sơ bộ chi phí xây dựng là 98 triệu USD. 

Hai bên chân cầu có thể làm tầng hầm phục vụ hậu cần cho công trình, mặt trên hầm là công viên bờ sông quận 1 và quận 2. Đây sẽ là công trình thu hút người dân TP đến tham quan, vui chơi bởi những cửa hàng và nhà hàng bên trên cầu có cảnh quan rất đẹp, hứa hẹn sẽ là địa điểm được yêu thích”.

Cầu đi bộ nhiều tầng thì quá lý tưởng, nhưng mơ ước ấy vẫn nằm ở nơi xa lắm, vì những sai phạm trong quá trình quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa biết khi nào mới giải quyết xong hệ lụy.

Sài Gòn trước đây và TP.HCM bây giờ mang đặc thù của vùng sông nước Nam bộ. Hệ thống kênh rạch phong phú ấy, ngoài thành tựu cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì nhiều con kênh đã lần lượt biến mất. Còn bờ sông Sài Gòn thì cũng đang bị khai thác nham nhở, để làm biệt thự cao cấp hoặc để phục vụ nhu cầu giới thượng lưu.

Vì vậy, công dân Nguyễn Quốc Cường hiến kế: “Hành lang bảo vệ sông Sài Gòn phải được xem là đất công, tài sản công, ai chiếm dụng phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Quỹ đất này cần được sử dụng hợp lý, hiệu quả vừa bảo vệ sông và khai thác kinh tế, du lịch, thoát nước, vì lợi ích chung, phục vụ cộng đồng...

Đây còn là nguồn lực cần khai thác bền vững, cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho đô thị… Nên phát triển theo thứ tự ưu tiên bảo đảm chất lượng nguồn nước, cân bằng môi trường tự nhiên, khu vực tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các phúc lợi chung như làm công viên, hoạt động văn hóa, cảnh quan ven sông…

Sau đó, mới tới dự án dành cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Để làm được việc này, phải có động thái quyết liệt. Công trình xây dựng vi phạm đã được xác định, lập biên bản, kết luận và ban hành quyết định cưỡng chế thì phải thực thi ngay.

Bên cạnh đó, ngăn chặn những manh nha vi phạm, không tạo tiền lệ xấu, tránh dư luận không tốt, hoài nghi có sự dung túng. Đồng thời, dừng ngay và không cấp thêm các dự án ven sông hay lấn mặt tiền sông làm của riêng”

Cũng liên quan đến khả năng tận dụng giá trị sông Sài Gòn, công dân Nguyễn Kim Toản kiến nghị: “Ngay bây giờ, TP.HCM phải lập quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống bến thủy trên toàn địa bàn, qua đó hình thành dự án sông nước với tiêu chí tạo ra một hệ thống hạ tầng luồng tuyến bến thủy hiện đại, thân thiện môi trường, đồng thuận với tự nhiên, đồng thuận với lòng dân”.

Hiến kế bao giờ cũng xuất phát từ hai cơ sở, hoặc là giải quyết bức xúc trước mắt, hoặc là chấm phá bức tranh tương lai.

Hiện nay, TP.HCM với dân số tăng nhanh, đang đối diện với không ít hậu quả ô nhiễm môi trường do biến đổi khí hậu, do rác thải, do triều cường, do hiệu ứng nhà kính… TP.HCM đã từng triển khai nhiều dự án tốn kém để chống ngập, nhưng chỉ cần một cơn mưa là “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” khiến dân chúng khổ sở trăm bề.

Công dân Đặng Vũ Trọng trình bày phương án dùng hóa chất để chống ngập: “Giải pháp hóa học mang tính đột phá cao với kinh phí đầu tư và vận hành thấp, dễ thực hiện với thiết bị gọn nhẹ, lắp đặt sử dụng nhanh.

Đặc biệt, chất polymer dùng trong giảm ngập nước có tên Drag Reduction Polymer (gọi tắt DRP) không gây ảnh hưởng đến môi trường nước sẽ được xử lý.

Chỉ cần khảo sát và ghi nhận khu vực tốc độ nước thoát chậm so với thiết kế của cống, từ đó đổ chất DRP vào tạo ra áp suất lớn có khả năng tăng công suất dòng chảy 40%. Từ đó giảm được tình trạng ngập lụt trong khu dân cư.

Nghiên cứu về giảm lực cản dòng chảy bằng chất DRP được phát hiện từ năm 1946, được mở rộng nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như ống dẫn dầu, vận hành giếng dầu, tưới tiêu trong thủy lợi, ứng dụng trong y sinh như dòng máu. 

Chất DRP với độ kéo dài cao trong dung dịch loãng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối. Nó chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy. DRP có thể sử dụng ở đầu nguồn ngập, đầu miệng cống.

Khi nước dâng ở mức báo động thì máy bơm tự động thả lượng DRP vào với lượng vừa đủ làm tăng công suất dòng chảy. Dòng chảy 1m3 nước có thể sử dụng 20g DRP, dòng chảy 10m3 sử dụng 1kg DRP”.

Nước ngập là nỗi ám ảnh của người Sài Gòn sau mỗi cơn mưa. Ảnh: T.H.

Nước ngập là nỗi ám ảnh của người Sài Gòn sau mỗi cơn mưa. Ảnh: T.H.

Còn nhìn về phía trước để dự báo và điều chỉnh, công dân Vân Thanh là bác sĩ nội trú mong muốn có sự đầu tư thỏa đáng cho ngành y tế: “Theo tôi, nhiệm vụ của chính quyền TP.HCM và kể cả trung ương là phải tạo điều kiện thông thoáng giúp các bệnh viện tuyến đầu có cơ chế đặc biệt trong thu chi, nhằm có điều kiện liên kết, phát triển nguồn nhân lực, vật lực...

Ðặc biệt, TP.HCM cần quan tâm, góp sức phát huy thế mạnh của từng chuyên khoa, từng bệnh viện chứ không đầu tư dàn trải.

Thực tế, TP.HCM có rất nhiều bệnh viện công lẫn tư có cơ sở khang trang nhưng “na ná” nhau về quy mô, chất lượng, hiếm có bệnh viện chuyên sâu cho một lĩnh vực thế mạnh nào. 

Muốn trở thành trung tâm y tế tầm cỡ khu vực, nhất thiết TP.HCM phải đầu tư từ con người tới cơ sở vật chất, phối hợp nhịp nhàng giữa hai hệ thống công - tư.

Mạnh dạn xã hội hóa, đưa người ra nước ngoài học tập, cũng như tiếp nhận đội ngũ bác sĩ giỏi từ các nước (tại sao bóng đá có cầu thủ đánh thuê mà bác sĩ thì không!?). 

Ðặc biệt, phải chấp nhận "phá rào" về chi phí điều trị nhằm tạo sự vững chãi cho đội ngũ bác sĩ, bệnh viện, hướng tới thu hút nguồn bệnh nhân từ các nước trong khu vực”.

Trên thực tế, cơ địa người Việt Nam vốn nhỏ bé lại ngụp lặn với môi trường ô nhiễm khiến căn bệnh nào cũng dễ dàng biến chứng rắc rối. Vì vậy, tay nghề của bác sĩ Việt Nam không tệ.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất của đội ngũ bác sĩ Việt Nam không phải máy móc thiết bị mà là y đức. Nếu bác sĩ chỉ muốn kiếm tiền thật nhanh và kiếm tiền thật nhiều, thì bệnh nhân không khác gì cái máy ATM.

Động lực phát triển chủ đạo vẫn là con người. Cho nên công dân Huỳnh Trung Minh rất có lý khi hiến kế phải đầu tư nâng cao ý thức cộng đồng: “TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên ý thức văn hóa của công dân cũng cần được đầu tư, tuyên truyền thông qua những chiến dịch, cách làm bài bản, thực tế.

Vì sao Đà Nẵng được xem là TP đáng sống nhất, không có ăn xin, bãi biển không có rác? Vì sao ở Thụy Sĩ đi xe buýt công cộng đều tự động, hành khách tự trả tiền tại cột bán vé và không có nhân viên thu vé?

Ở Nhật, một đứa bé 2 tuổi khi đi học mẫu giáo thỉnh thoảng được hoạt động ngoại khóa bằng cách mang túi ni lông ra khu vực lân cận hoặc công viên để nhặt rác, không có rác thì nhặt… lá cây, để tập ý thức. 

Ý thức được hình thành từ những việc nhỏ nhất và TP.HCM có thể đầu tư - không quá tốn kinh phí so với các chương trình khác - cho những chiến dịch, kế hoạch, giải pháp về ý thức. Ý thức để cùng nhau phát triển trong một TP.HCM không rác, không kẹt xe... Nghe có vẻ không liên quan nhưng kỳ thật, ảnh hưởng đến sự phát triển của một TP.HCM văn minh, hiện đại”. 

Để người dân mở miệng hiến kế một cách vô tư và sòng phẳng, có thể xem như một dấu hiệu tích cực. Thế nhưng những nhà quản lý và những người có trách nhiệm chỉ “lắng nghe” rồi quên lãng thì lãng phí quá. Có dám mạnh dạn áp dụng những “diệu kế” hay không, lại là câu chuyện khác.

Nếu vẫn ngại va chạm, nếu vẫn sợ thay đổi, và thậm chí ngó dọc ngó ngang vì lợi ích nhóm thì quan hệ hiến kế và dụng kế không khác gì “xuất đối dị, đối đối nan” (ra vế đối thì dễ, mà tìm được vế đối lại thì khó muôn trùng).