| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả của trái phiếu Chính phủ rất lớn

Thứ Hai 10/06/2013 , 09:28 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Trái phiếu Chính phủ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, có hiệu quả to lớn..."

Phát biểu làm rõ thêm một số ý kiến của các ĐBQH xung quanh việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Trái phiếu Chính phủ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, có hiệu quả to lớn do đã tạo ra nguồn vốn lớn để đầu tư tập trung, thực hiện nhiều công trình lớn, cấp bách, trong đó có những công trình mà Bộ và các địa phương đã nung nấu từ hàng chục năm trước”.

Từ năm 2003 tới nay Bộ NN-PTNT được giao quản lý thực hiện 98 công trình, gồm 30 công trình thủy lợi cấp bách, 36 dự án cho miền núi, 14 dự án cho Đồng bằng sông Cửu Long và 18 dự án cho Đồng bằng sông Hồng. Tới năm 2012 đã được bố trí gần 22 nghìn tỷ đồng và Bộ đã giải ngân 95%, hoàn thành 50 dự án, bổ sung năng lực tưới 141 nghìn ha và tiêu 42 nghìn ha, cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống của hàng triệu nông dân.


Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội trường Quốc hội

Trong quá trình thực hiện, Bộ NN-PTNT đã luôn chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, cùng với Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Bộ NN-PTNT đã thanh tra 27 dự án, phát hiện vi phạm 89 tỷ đồng, đã giảm trừ thanh toán 79,5 tỷ đồng và nộp vào ngân sách 9,4 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong các dự án Bộ được giao thì tổng mức đầu tư đã tăng thêm 19.400 tỷ đồng so với duyệt ban đầu. Lý do tổng mức đầu tư tăng là vì thay đổi chế độ, chính sách, giá vật tư trong giai đoạn từ 2000-2011 lương đã thay đổi 7 lần, tăng 5,8 lần, nhiều dự án duyệt từ năm 2000. Đầu tư đồng bộ hệ thống, một số dự án lúc đầu mới chỉ phê duyệt công trình đầu mối nay phải bổ sung kênh mương để phát huy hiệu quả.

 Ví dụ công trình Cửa Đạt ở Thanh Hóa năm 2001 duyệt công trình đầu mối là 2.680 tỷ đồng đến năm 2010 điều chỉnh lại là 4.840 tỷ đồng. Công trình đầu mối xong rồi nhưng muốn phát huy được hiệu quả cần bổ sung 2.400 tỷ đồng nữa để làm hệ thống kênh mương thì mới phát huy được.

Một nguyên nhân nữa theo Bộ trưởng Cao Đức Phát là do thay đổi giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn chất lượng. Ví dụ như tại công trình Cửa Đại ở Thừa Thiên- Huế, một hồ có dung tích 700 triệu m3 ở trên thượng lưu của thành phố Huế.

Mặc dù khi khảo sát Bộ đã chỉ đạo các cơ quan làm đúng theo các quy định, nhưng khi thi công do điều kiện địa chất quá phức tạp nên phải thay đổi giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Vì thế nên cũng đã làm tăng vốn đầu tư. Trong 3 nguyên nhân đó, do thay đổi chế độ chính sách làm tăng tổng mức 48%, để đầu tư đồng bộ làm tăng 38% và do thay đổi giải pháp kĩ thuật là 14%.

“Để tái cơ cấu kinh tế thì phải tái cơ cấu đầu tư công, nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vốn vào thực hiện các dự án đang làm mà không mở mới hoặc điều chỉnh vốn sang những dự án phục vụ mục tiêu tái cơ cấu thì đây cũng là vướng mắc hiện nay, chúng tôi đang gặp phải và nhiều địa phương đang gặp phải. Xin kính trình Quốc hội xem xét” – Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị.

Như đa số các kiến nghị của các vị ĐBQH đã phát biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vốn để tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh những công trình đang thi công và có thể để thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn 2012-2015, Bộ được giao 17.140 tỷ đồng. Bộ NN-PTNT thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đã tập trung vốn để hoàn thành 41 dự án, giãn tiến độ đến điểm dừng kĩ thuật hợp lý 11 dự án và dừng hẳn 3 dự án.

Tuy nhiên theo rà soát lại của Bộ NN-PTNT thì thấy rằng để hoàn thành các dự án đã có chủ trương là phải hoàn thành trước năm 2015 cần bổ sung 10.200 tỷ đồng. Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành những dự án đã có trong danh mục Quốc hội duyệt nhưng giải giãn sau năm 2015 cần thêm ít nhất 8.500 tỷ đồng. Trong khi đó rất nhiều địa phương đang có những yêu cầu cấp thiết khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và trong đó có việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công an cảnh báo các chiêu lừa đảo dịp lễ 30/4

TP.HCM Dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè gia tăng các thủ đoạn lừa người dân mua các tour du lịch, máy bay giá rẻ trên mạng để chiếm đoạt tiền.

Bình luận mới nhất