Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đứng giữa), tham quan quầy bán RAT tại Big C Quy Nhơn. |
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Dự án RAT Bình Định được thực hiện trong thời gian 5 năm, từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2021, trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn và mở rộng ra các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ.
Đến nay, dự án đã củng cố và hoàn thiện hoạt động SX, sơ chế và tiêu thụ RAT của 2 HTXNN Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn).
Dự án đã hỗ trợ đào tạo về SX, sơ chế; cải tạo nâng cấp nhà sơ chế; hỗ trợ xe vận chuyển; hỗ trợ mở các quầy rau để bán tại các chợ trung tâm trên địa bàn huyện và TP Quy Nhơn. Hoạt động của 2 HTXNN nói trên đã dần đi vào ổn định, sản lượng RAT được tiêu thụ hàng năm tăng từ 20 – 30%.
Bên cạnh đó, dự án đã thành lập nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác SX RAT; phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định cùng các địa phương tiến hành thành lập 14 nhóm cùng sở thích SX RAT, cộng với 6 nhóm cùng sở thích đã thành lập từ dự án sinh kế nông thôn.
Tính đến nay Bình Định đã có 20 nhóm nông dân với số lượng 498 hộ nông dân tham gia. Trong đó, có 13 nhóm do 2 HTXNN Phước Hiệp và Thuận Nghĩa quản lý. Còn lại 7 nhóm hoạt động không do các HTXNN quản lý.
Trong 7 nhóm hoạt động không có HTXNN quản lý có 2 nhóm An Nhơn và Vĩnh Sơn từ tháng 11/2018 đã được Chương trình sinh kế cộng đồng của Tập đoàn Central Group VietNam (Big C) hỗ trợ ký hợp đồng thu mua sản phẩm RAT. Từ tháng 12/2018 đến nay, Big C đã thu mua RAT của các nhóm Vĩnh Sơn và An Nhơn gần 27 tấn.
Thương hiệu RAT “Lá Lành” của DA RAT Bình Định ra mắt tại Big C vào cuối tuần qua. |
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm Newzealand đã đào tạo trên 50 cán bộ của ngành nông nghiệp Bình Định và các huyện để số cán bộ này có đủ năng lực đào tạo cho nông dân.
Số cán bộ nói trên được đào tạo về SX bền vững, quản lý dịch hại trên rau; đào tạo về nông học, hệ thống tưới. Đào tạo về công tác quản lý phòng tránh nhiễm vi sinh từ khâu SX đến sơ chế, lấy mẫu gửi phân tích kiểm nghiệm vi sinh trên rau. Đào tạo về công tác quản lý sơ chế rau tại 2 nhà sơ chế Phước Hiệp và Thuận nghĩa.
Nông dân tham gia SX RAT ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng hóa chất nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV theo hướng an toàn và hiệu quả.
Chị Đinh Thị Lệ Huyền, người đang làm 6 sào RAT tại phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) chia sẻ: “Nhóm của tôi có 22 hộ nông dân tham gia, trồng các loại rau: Khổ qua, dưa leo, đu đủ và đậu bắp. Riêng 6 sào đất của nhà tôi chuyên trồng khổ qua và dưa leo. Từ đầu năm đến nay bình quân 1 tháng tôi thu được 4 tấn rau, sản phẩm được Big C bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường. Ngoài có lợi về mặt kinh tế, an tâm về đầu ra của sản phẩm”.
“Sản lượng RAT được tiêu thụ của 2 HTXNN Thuận Nghĩa và Phước Hiệp và các nhóm An Nhơn, Vĩnh Sơn đã có sự tăng trưởng. Năm 2018 sản lượng RAT của HTX Phước Hiệp, Thuận Nghĩa và 2 nhóm An Nhơn Vĩnh Sơn cung ứng ra thị trường trên 200 tấn, 6 tháng đầu năm 2019 lượng rau cung ứng ra thị trường là 136 tấn. Dự kiến đến năm 2021 sẽ có 2.000 hộ nông dân Bình Định tham gia trồng RAT”, ông Hổ cho biết. |