| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả từ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh

Thứ Sáu 01/11/2024 , 08:36 (GMT+7)

Chuyển đổi đất lúa canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đang giúp các hộ dân tỉnh Ninh Bình nâng cao giá trị sản xuất.

Theo anh Lê Như Quỳnh, nuôi tôm càng xanh trên chân đất lúa hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, đồng thời gia tăng giá trị sản xuất. Ảnh: Trung Quân. 

Theo anh Lê Như Quỳnh, nuôi tôm càng xanh trên chân đất lúa hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, đồng thời gia tăng giá trị sản xuất. Ảnh: Trung Quân. 

Những năm qua, hoạt động chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao hơn được người dân tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh. Điều này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, đồng thời cải thiện thu nhập và đời sống cho nông dân.

Mô hình chuyển đổi nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Lê Như Quỳnh, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan là một điển hình. Năm 2021, sau khi nhận thầu khu vực vùng trũng người dân trong xã canh tác lúa kém hiệu quả, anh cải tạo thành ao nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, với kinh nghiệm non trẻ, thiếu kỹ thuật nên hiệu quả thu được không cao. Năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, anh mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi tôm càng xanh.

Anh Quỳnh chia sẻ, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới trên địa bàn nên ban đầu gia đình có phần lo lắng. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ về con giống, thức ăn và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, anh thu được thắng lợi ngay lứa tôm đầu tiên.

Phát huy kết quả đó, năm 2024, anh mạnh dạn mở rộng quy mô lên 1ha, áp dụng phương thức nuôi theo hướng hữu cơ, tận dụng các nguyên liệu tại chỗ như ngô, gạo, cá tạp… phối trộn, xay nhuyễn làm thức ăn cho tôm thay thế cám công nghiệp. Đồng thời, cải tạo thêm diện tích ao nuôi, đưa cá bống tượng (đối tượng con nuôi mới) về nuôi thử nghiệm.

Theo anh Quỳnh, khi tận dụng chân đất lúa kém hiệu quả nuôi tôm càng xanh, hiệu quả kinh tế thu được đã cao hơn nhiều lần, nay nuôi theo hướng hữu cơ lại càng được nâng lên rõ rệt. Đàn tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít mắc bệnh. Bên cạnh đó, chi phí, công lao động giảm đi đáng kể, lợi nhuận theo đó tăng lên.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình thường xuyên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Trung Quân.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình thường xuyên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Trung Quân.

Cụ thể, với 1ha tôm, trung bình mỗi lứa thu được 2 tấn tôm thương phẩm, với giá bán tôm dao động từ 180.000-250.000 đồng/kg (tương đương khoảng 400 triệu đồng), sau khi trừ đi các chi phí khoảng gần 100 triệu đồng (3 tấn cá tạp; 2 tấn lúa và ngô; giống; điện; công lao động…), sẽ có lãi khoảng 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, để có được thành quả này, trong suốt quá trình nuôi phải quản lý chặt chẽ tất cả các khâu. Ao nuôi được vệ sinh, tiêu độc bằng vôi bột và cân bằng độ PH trước khi cấp nước và thả tôm. Nước cấp vào ao nuôi được xử lý kỹ lưỡng qua ao lắng để hạn chế mầm bệnh. Giữ ổn định mực nước ao nuôi từ 1,5-1,7m, đồng thời đều đặn thay nước 1-2 lần/tháng để rửa trôi xác tôm lột, thức ăn thừa gây ô nhiễm. Con giống mua từ cơ sở có uy tín và bảo vệ nghiêm ngặt trong quá trình ươm, tránh các loại cá tạp, ếch, nhái… ăn, dẫn tới hao hụt.

Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, thời tiết âm u, lượng oxy trong nước giảm, tôm rất dễ bị ngạt và chết hàng loạt vào ban đêm. Do đó, người nuôi phải đảm bảo hệ thống máy quạt nước hoạt động liên tục và thường xuyên theo dõi diễn biến trong ao để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, do nuôi trong ao đất nên thời điểm xuống giống tôm phù hợp nhất là cuối tháng 2 âm lịch và thu hoạch vào cuối tháng 10, đầu tháng11 âm lịch để tránh ảnh hưởng của thời tiết rét đậm. Thêm vào đó, tôm cũng sẽ đạt kích thước phù hợp với nhu cầu của thị trường (10-15 con/kg).

Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ làm thức ăn cho tôm giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ làm thức ăn cho tôm giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, chia sẻ, với mong muốn đưa các đối tượng con nuôi mới vào sản xuất, góp phần làm đa dạng hóa con nuôi vùng nước ngọt, nhất là vùng ruộng trũng chỉ cấy được 1 vụ lúa hoặc cấy lúa không hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình nuôi thử nghiệm trên địa bàn tỉnh, trong đó hỗ trợ 50% chi phí giống, thức ăn nhằm đánh giá hiệu quả. Đến hiện tại, tất cả các mô hình đều thu được những kết quả rất khả quan. Nhiều hộ sau khi chương trình kết thúc vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, truyền đạt kinh nghiệm và nhân rộng cho các hộ xung quanh có nhu cầu.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.