| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn, lợi nhuận tăng 30 - 55%

Thứ Năm 09/05/2024 , 08:30 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Tỷ lệ tôm đực trong mô hình trên 95%, kích cỡ tôm thương phẩm đồng đều. Lợi nhuận bình quân đạt hơn 800 triệu đồng/ha, cao hơn 30 - 55% so với cách truyền thống.

Năng suất vượt trội, giảm thiểu dịch bệnh

TP Hải Phòng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và ngọt với diện tích ước đạt hơn 11 nghìn ha, tập trung tại các quận, huyện như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thuỵ, Kiến An… với nhiều loài thủy sản khác nhau.

Hải Phòng có tiềm năng lớn nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có tiềm năng lớn nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Ảnh: Đinh Mười.

Trong đó, tôm càng xanh là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được phát triển mạnh ở Hải Phòng từ năm 1998. Tuy vậy, do trình độ kỹ thuật, quản lý của người nuôi chưa cao và tỷ lệ sống thấp (45 - 50%), cỡ thu hoạch nhỏ nên năng suất thấp (chỉ đạt 1,5 - 2 tấn/ha), hiệu quả không cao, người nuôi chỉ duy trì nuôi ở mức độ cầm chừng, không phát triển rộng.

Từ thực tiễn này, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng đã khảo sát và thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại một hộ nuôi ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng.

Đây là hộ dân có ao nuôi đạt các tiêu chí xây dựng mô hình như tách biệt với khu dân cư, nhà máy, bệnh viện; có hệ thống cấp nước không bị ô nhiễm, đảm bảo tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản và nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản của TP Hải Phòng, được chính quyền địa phương cho phép...

Anh Phạm Văn Nhiêu (chủ mô hình) cho biết, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, môi trường thường xuyên biến động, tôm khó lột xác, dễ xảy ra dịch bệnh, đặc biệt giai đoạn cuối tôm thường bị đóng rong, đen mang, nhiễm khuẩn và chết rải rác. Do đó, người dân thường xuyên phải dùng các biện pháp phòng bệnh và một số hộ phải dùng kháng sinh.

Triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn tại hộ gia đình anh Phạm Văn Nhiêu. Ảnh: Đinh Mười.

Triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn tại hộ gia đình anh Phạm Văn Nhiêu. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi được lựa chọn và triển khai mô hình, gia đình anh Nhiêu không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật mà còn được tập huấn, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Những hạn chế trong nuôi tôm trước đây đã khắc phục, hiệu quả kinh tế được cải thiện.

Qúa trình triển khai, gia đình anh Nhiêu được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cử 2 cán bộ xuống hỗ trợ. Đây là những người có kinh nghiệm trong hoạt động khuyến ngư, có khả năng hướng dẫn cho bà con nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn theo VietGAP.

Hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của mô hình và chủ hộ thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm để có những biện pháp chăm sóc tích cực. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện mô hình.

Kết quả khi thu hoạch cho thấy, tôm có tốc độ sinh trưởng khá cao, tỷ lệ đực trên 95%, kích cỡ tôm thương phẩm đồng đều. Lợi nhuận bình quân đạt hơn 800 triệu đồng/ha, cao hơn từ 30 - 55% so với nuôi theo cách truyền thống trước đây.

Hai cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng trực tiếp xuống cơ sở hỗ trợ gia đinh anh Phạm Văn Nhiêu triển khai mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Hai cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng trực tiếp xuống cơ sở hỗ trợ gia đinh anh Phạm Văn Nhiêu triển khai mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

TS Đặng Thị Thanh - Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng), chủ nhiệm Dự án cho biết: Nuôi tôm càng xanh toàn đực mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nuôi tôm càng xanh bình thường do tôm càng xanh đực lớn nhanh, tôm thương phẩm đạt kích cỡ lớn và đồng đều.

Thông thường với phương pháp nuôi truyền thống, sự có mặt của con cái trong đàn khiến tôm bị tiêu hao năng lượng do hoạt động sinh sản, làm cho sự khác biệt về tăng trưởng giữa con đực và con cái càng lớn hơn.

Với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, sẽ có nhiều ưu điểm hơn, ví dụ ao ương có diện tích nhỏ nên dễ quản lý; con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, rút ngắn thời gian nuôi; giảm sức tải môi trường đáy ao; nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng; giảm thiểu dịch bệnh, giảm chi phí và rủi ro...

“Nuôi tôm càng xanh toàn đực sẽ giúp hạn chế tình trạng phân đàn, sản phẩm thu hoạch có kích cỡ lớn, hạn chế ô nhiễm, giảm nguy cơ dịch bệnh trong quá trình nuôi, tăng sản lượng thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nghề nuôi tôm địa phương theo hướng ổn định, bền vững”, TS Thành chia sẻ.

"Quá trình sinh trưởng của tôm càng xanh, giai đoạn kích cỡ ≤30g/con tôm đực và tôm cái có tốc độ sinh trưởng tương đương nhau, nhưng sau giai đoạn 30g/con do con cái tham gia quá trình ôm trứng sinh sản nên tôm đực có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn. Vì vậy khi sử dụng giống truyền thống nuôi hao hụt nhiều, tỷ lệ sống thấp (45 - 50%), cỡ thu hoạch nhỏ (25 - 30 con/kg), năng suất chỉ đạt 1,5 - 2 tấn/ha", TS Đặng Thị Thanh chia sẻ.

Mở rộng mô hình ra nhiều địa phương

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, quá trình triển khai mô hình cho thấy tốc độ sinh trưởng hàng tháng của tôm khá cao. Do con giống sử dụng là tôm càng xanh toàn đực, tỷ lệ đực trên 95% nên kích cỡ tôm thương phẩm rất đồng đều.

Với các mô hình nuôi theo phương pháp truyền thống, môi trường thường xuyên biến động, tôm khó lột xác, dễ xảy ra dịch bệnh, đặc biệt giai đoạn cuối thường bị đóng rong, đen mang, nhiễm khuẩn và chết rải rác. Các hộ thường xuyên phải dùng các biện pháp phòng bệnh và một số hộ phải dùng kháng sinh.

TS Đặng Thị Thanh chia sẻ về hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn. Ảnh: Đinh Mười.

TS Đặng Thị Thanh chia sẻ về hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn. Ảnh: Đinh Mười.

Vì vậy, việc sử dụng con giống tôm càng xanh toàn đực kết hợp nuôi 2 giai đoạn giúp khắc phục tình trạng phân đàn, tôm có tốc độ sinh trưởng nhanh, nâng cao tỷ lệ sống.

Mặt khác, giúp rút ngắn thời gian nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo hướng đi, cách làm mới thân thiện với môi trường...

TS Đặng Thị Thanh đánh giá, Dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn gắn với tiêu thụ sản phẩm thành công đã mở thêm hướng mới trong nuôi trồng thủy sản cho người dân, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo ổn định sản lượng, năng suất tôm nuôi.

Khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã đưa chỉ tiêu cam kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia Dự án là điều kiện bắt buộc đối với đơn vị cung cấp con giống, vật tư. Doanh nghiệp vừa cung cấp vật tư đầu vào để mở rộng thị trường, vừa giúp người nuôi tiêu thụ sản phẩm với giá cả phù hợp theo thị trường. Cả người dân và doanh nghiệp đều có những lợi ích thiết thực.

Bên cạnh đó, việc ký cam kết giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Cuối vụ nuôi, các hộ dân chuẩn bị thu hoạch sẽ báo với đơn vị thu mua để sắp xếp lịch phù hợp. Việc liên kết như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi, giá cả cũng phụ thuộc thị trường tuy nhiên không bị ép giá.

Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn cho năng suất cao hơn phương pháp nuôi truyền thống từ 30 - 55%. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn cho năng suất cao hơn phương pháp nuôi truyền thống từ 30 - 55%. Ảnh: Đinh Mười.

TS Thanh nhấn mạnh, mô hình đã giúp người nuôi thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng công nghệ mới, sản xuất an toàn theo VietGAP để phát triển bền vững. Người nuôi cũng nhận thức được những lợi ích thiết thực đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm và tăng tỷ lệ sống.

Mô hình cho thấy hiệu quả đạt được cao hơn và khả năng nhân rộng của mô hình rất lớn. Bên cạnh đó, nhờ có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất, tránh tình trạng tư thương ép giá. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nuôi, mở thêm hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản cho người dân.

Trên cơ sở kết quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ tiếp tục chuyển giao và nhân rộng cho các cơ sở nuôi như Công ty Phú Cường, Công ty Sang Ngân, một số hộ nuôi vùng Quyết Tiến, Bạch Đằng, Kiến Thiết, Đoàn Lập… của huyện Tiên Lãng; các xã Tân Dân, Trường Thọ, Tân Viên, Trường Thành… (huyện An Lão); các phường Văn Đẩu, Phù Liễn… (quận Kiến An); các xã Việt Tiến, Trung Lập, Cao Minh… (huyện Vĩnh Bảo). Bên cạnh đó, hiện tại đã có một số công ty, cơ sở nuôi trồng thủy sản tỉnh Thái Bình, tỉnh Ninh Bình đã đề nghị tư vấn, tập huấn chuyển giao công nghệ.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.