Trung Quốc cũng hưởng ứng
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 28/9 đã thông báo yêu cầu các doanh nghiệp Triều Tiên tại nước này phải đóng cửa trong vòng 120 ngày. Đây được cho là động thái trừng phạt của Trung Quốc căn cứ theo Nghị quyết trừng phạt số 2375 đối với Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ tinh luyện sang Triều Tiên bắt đầu từ ngày 1/10 (Ảnh: AFP) |
Theo đó, các công ty liên doanh, công ty Trung - Triều thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các công ty liên doanh Trung - Triều tại nước ngoài phải đóng cửa trong thời hạn 120 ngày, tính từ ngày Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết cấm vận, tức đến ngày 10/1/2018. Trước đó, Trung Quốc đã áp đặt biện pháp hạn chế gia hạn visa đối với những lao động Triều Tiên tại nước này.
Lệnh cấm vận lần này của Trung Quốc được cho là những động thái ứng phó tiếp nối sau khi Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện biện pháp tẩy chay liên đới. Mỹ đã đe dọa sẽ không để các cơ quan tài chính ở nước thứ ba có giao dịch với Triều Tiên được tiếp cận với mạng lưới tài chính Mỹ. Nước này cũng đã đưa 10 ngân hàng của Triều Tiên vào danh sách cấm vận. Đây là phương án ngăn chặn nguồn tiền vào Triều Tiên thông qua nước thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng vừa mới công bố hôm 23/9 vừa qua, biện pháp cấm vận theo nghị quyết ngày 11/9 của Hội đồng bảo an, trong đó có nội dung hạn chế xuất khẩu sản phẩm từ dầu mỏ cho Triều Tiên, cấm xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may của Triều Tiên.
Bắc Kinh và Washington có thể hợp tác một cách suôn sẻ trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng ở phạm vi nào và cho đến bao giờ?
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang tính toán "một công đôi việc", vừa hù dọa Bình Nhưỡng khi nêu lên khả năng "bỏ rơi" Triều Tiên, vừa làm hài lòng Hoa Kỳ, một tháng trước chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ - Donald Trump, đến Trung Quốc vào tháng 11 tới. Đương nhiên là Tập Cận Bình càng tỏ thái độ cứng rắn với Kim Jong Un chừng nào thì lại càng khiến vị thượng khách của ông là Donald Trump hài lòng chừng nấy. Nhưng có lẽ Trung Quốc đang nhìn xa hơn thế.
Theo hãng thông tấn Al-Jazeera, đầu tư trực tiếp của Triều Tiên vào Trung Quốc chỉ có khoảng 22 triệu USD. Vì vậy, tác hại thực tế từ các động thái mới của Trung Quốc đối với Triều Tiên không đáng kể. Ông Tập Cận Bình thì đang chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 19 để củng cố quyền lực, và trong mọi trường hợp, Bắc Kinh luôn đặt quyền lợi chiến lược của Trung Quốc lên trên hết.
Nga - Triều Tiên: không có quan hệ kinh tế
Hôm 4/10, tại hội nghị toàn thể của Diễn đàn năng lượng quốc tế diễn ra ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án các hành vi làm tổn hại tới nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an, nhưng đồng thời cho rằng không thể giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc bằng cấm vận. Tổng thống Putin cho biết trên thực tế Nga và Triều Tiên không có quan hệ về kinh tế, thương mại. Trong quý I vừa qua, Nga chỉ cung cấp cho miền Bắc 40.000 tấn dầu mỏ, ở mức rất thấp.
Triều Tiên “quẫy” để đáp trả
Trong báo cáo điều tra "S/2017/742", nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Bảo an cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang áp dụng hàng loạt biện pháp “lách” lệnh cấm vận.
Triều Tiên bán than đá và các khoáng sản khác để đổi lấy những hàng hóa nước này cần, bao gồm cả linh kiện tên lửa và đồ xa xỉ. Các giao dịch hàng đổi hàng khó bị theo dõi, tránh nguy cơ dòng tiền bị truy dấu vết và đóng băng. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng doanh nhân Trung Quốc Chi Yupeng đã lợi dụng công ty vật liệu kim loại Dandong Zhicheng để mua các sản phẩm thép và than cốc từ Triều Tiên. Đổi lại Bình Nhưỡng nhận được nhiều linh kiện hạt nhân và tên lửa đạn đạo để hỗ trợ cho chương trình phát triển vũ khí.
Những tàu chở than Triều Tiên khi tới Trung Quốc thường đậu trong cảng một thời gian, rồi chuyển hàng mua ở Trung Quốc sang một tàu khác để chuyển về nước. Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy Triều Tiên đã đổi tên và tái đăng ký một số tàu vận tải, sau đó dùng tài liệu giả để trang bị cho 8 chiếc khác. Trong năm nay, có ít nhất 8 tàu chở hàng của Triều Tiên từng rời cảng Nga, đem theo nhiên liệu quay trở về quê nhà mặc dù đã đăng ký những điểm đến khác với nhà chức trách. Đây là cách mà Triều Tiên sử dụng để lách cấm vận, vì việc thay đổi điểm đến trong khi di chuyển không hề bị cấm.
Chính phủ Mỹ cho rằng có gần 100.000 người Triều Tiên đang làm việc khắp thế giới, tạo ra nguồn thu khoảng 500 triệu USD mỗi năm cho Bình Nhưỡng. Nhóm công ty xây dựng mang tên "Dự án nước ngoài Mansudae" (MOP) phụ trách hàng loạt dự án xây dựng ở nước ngoài với nguồn nhân công từ Triều Tiên. Họ cũng sang tên một số dự án và nguồn nhân lực cho các công ty Trung Quốc để thu về ngoại tệ.
Triều Tiên còn chỉnh sửa trang bị không chịu cấm vận cho mục đích quân sự.
Tên lửa đạn đạo như Pukguksong-1 đã xuất hiện trong các cuộc duyệt binh trên xe tải mang thương hiệu Sinotruk (là một trong những nhà sản xuất xe tải lớn nhất của Trung Quốc. Triều Tiên đã nhập khẩu loại xe tải chở gỗ này từ Trung Quốc. Sinotruk khẳng định hợp đồng mua bán quy định "bên mua bảo đảm xe tải chỉ được dùng cho mục đích dân sự, đáp ứng các điều khoản trong luật pháp Trung Quốc và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an".
Bình Nhưỡng thường lập tài khoản ngân hàng cho các công ty “bình phong” ở nước ngoài để tích trữ ngoại tệ. Glocom, nhà sản xuất thiết bị liên lạc quân sự của Triều Tiên, vận hành nhiều công ty “bình phong” ở Singapore, Malaysia và Hong Kong để thanh toán cho khách hàng và nhà cung cấp thiết bị. Họ còn bị cáo buộc liên tục bán vũ khí và huấn luyện quân sự cho nước ngoài, đặc biệt là tại khu vực châu Phi và Trung Đông. Khách hàng chủ yếu của Triều Tiên gồm Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda và Tanzania. Một số nước khác như Mali và Zimbabwe cũng nằm trong diện nghi vấn. |