| Hotline: 0983.970.780

Hồ chứa cạn trơ đáy, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Thứ Sáu 08/09/2023 , 13:36 (GMT+7)

Hạn hán khốc liệt khiến mực nước hồ Thiên Tượng (Hà Tĩnh) cạn trơ đáy trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Hồ Thiên Tượng, phường Bắc Hồng là một trong những hồ chứa thủy lợi nằm gọn trên 1 trong 99 dãy núi Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Hồ chứa này vốn được biết đến là nơi quanh năm xanh ngắt, chưa bao giờ cạn nước.

Hồ chứa nước Thiên Tượng từng xanh trong quanh năm thời điểm này cạn trơ đáy. Ảnh: Thanh Nga.

Hồ chứa nước Thiên Tượng từng xanh trong quanh năm thời điểm này cạn trơ đáy. Ảnh: Thanh Nga.

Lưu vực hồ rộng khoảng 100 nghìn m2, chiều dài gần 700 m với dung tích chứa 884 nghìn m3 nước. Theo thiết kế, hồ có nhiệm vụ cung cấp nước sạch phục vụ cho 12.000 hộ dân thị xã Hồng Lĩnh và điều hòa môi trường trong khu vực.

Năm 2023, do nắng hạn kéo dài, hồ Thiên Tượng rơi vào tình trạng hạn hán lịch sử trong vòng hàng chục năm. Theo quan sát, lượng nước còn lại trong hồ màu đỏ au, nổi váng do có nhiều tạp chất ở tầng đáy. Nhìn từ trên cao, nhiều vị trí trong lòng hồ trơ đáy, lô nhô các cồn cát, đất đai nứt nẻ, khô cằn.

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh (thuộc Công ty cổ phần cấp nước Hà Tĩnh) cho biết, do hạn hán kéo dài, trữ lượng nước ở hồ Thiên Tượng chỉ còn khoảng 18.000m3. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo nguồn nước thô cho nhà máy.

Đất đai nứt nẻ, khô khốc. Ảnh: Thanh Nga.

Đất đai nứt nẻ, khô khốc. Ảnh: Thanh Nga.

“Chúng tôi phải dẫn nước thô từ hồ Khe Môn và hồ Khe Dọc về xử lý để có nước sạch cung cấp cho người dân. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khoảng hơn một tuần nay, nước sạch cung cấp cho người dân phải theo khung giờ luân phiên và chỉ đạt 50%. Về giải pháp dài hạn, hiện nay một nhà máy nước đang gấp rút được triển khai ngày đêm tại hồ Đá Bạc, cách vị trí hồ Thiên Tượng khoảng 4km”, ông Hải nói.

Chủ cơ sở kinh doanh ăn sáng tại tổ 10, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh thông tin, nhu cầu dùng nước hằng ngày của gia đình chị rất lớn nhưng khoảng hơn một tuần nay, lượng nước sạch nhà máy cấp nhỏ giọt, luân phiên nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và sinh hoạt.

Người dân có thể đi xe máy trong lòng hồ. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân có thể đi xe máy trong lòng hồ. Ảnh: Thanh Nga.

“Mỗi lần cấp nước chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó lại cắt. Nước cấp chảy rỉ rỉ nên không đẩy lên được bể chứa, chúng tôi phải huy động hết xô, chậu để tích nước nhưng vẫn không đủ phục vụ sinh hoạt”, chị Tâm nói. Đồng thời cho biết, một số hộ dân trong khối phố không có bể chứa nên đã phải đi xin nước để nấu ăn, tắm giặt.

Ngán ngẩm hơn là phản ánh của chị Lý. Theo chị, không chỉ thiếu hụt, nguồn nước sạch cung cấp đến hộ dân còn đóng cặn, vàng đục khiến người dân bất an, lo ngại nước cấp không đảm bảo an toàn.

Một người dân khác đang đi xe máy trong lòng hồ Thiên Tượng cho biết, ông sinh sống ở thị xã Hồng Lĩnh đến nay hơn 50 năm nhưng chưa có năm nào hồ Thiên Tượng kiệt nước như bây giờ. Thời điểm này những năm trước hồ đầy ắp nước nhưng nay người dân đi bộ được trong lòng hồ, thậm chí có những vị trí trở thành nơi chăn thả trâu bò.

Nước sạch tại hộ dân đóng cặn, vàng đục do ảnh hưởng của việc thiếu nước thô khiến cuộc sống người dân thị xã Hồng Lĩnh đảo lộn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Nước sạch tại hộ dân đóng cặn, vàng đục do ảnh hưởng của việc thiếu nước thô khiến cuộc sống người dân thị xã Hồng Lĩnh đảo lộn. Ảnh: Người dân cung cấp.

“Bình thường áp lực nước rất lớn, chỉ cần mở khoá là nước tự chảy lên bể trên tầng 3. Thời gian gần đây do nguồn nước cạn kiệt, nhà máy cắt giảm áp lực khiến nước sinh hoạt rất yếu, phải dùng máy bơm mới đẩy được nước lên”, ông Trần Xuân Hải, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh thông tin thêm.

Được biết, để tiết kiệm nguồn nước thô, Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh đã giảm lưu lượng và công suất sản xuất từ 8.000 m3/ngày đêm xuống còn 6.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, công nhân phải trực 24/24h để điều tiết, vận hành cấp nước luân phiên cho người dân, hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.