| Hotline: 0983.970.780

Chương trình giảm nghèo ở Hà Tĩnh: Hộ dân phải tái nghèo mới giải ngân được vốn

Thứ Ba 16/07/2024 , 16:35 (GMT+7)

Chung cảnh như nhiều địa phương khác trên cả nước, tại Hà Tĩnh, một số dự án thành phần Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 không giải ngân được đồng nào.

Có một thực tế ở cơ sở là nhiều hộ gia đình được công nhận là hộ nghèo lại rơi vào nhóm hộ là người già neo đơn, hộ có người ốm đau, bệnh tật. Việc xét thuộc diện hộ nghèo ngoài lý theo tiêu chuẩn thì cái tình là để những hoàn cảnh này có được Thẻ BHYT. Song oái ăm thay, về cơ bản những hộ này không có các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế.

Vì thế, các chương trình giảm nghèo bền vững của quốc gia hướng vào nhóm đối tượng này lại thật sự không cần thiết, trong khi nhiều hộ dân khác thực lực kinh tế cũng không mấy sáng sủa song vẫn còn lao động, còn sản xuất rất cần được hỗ trợ vốn để tăng gia sản xuất lại khó đạt được tiêu chuẩn.

Oái ăm hơn ở Hà Tĩnh, có những tiểu dự án giảm nghèo bền vững phải được xét đến tiêu chuẩn, có quay lại hộ nghèo thì may ra mới được giải ngân vốn để được đầu tư. Chính sách như vậy bảo sao xuống dưới tắc tị, không đi vào được cuộc sống. Những chính sách ngất ngưỡng như thế, không những làm khó cho cán bộ cơ sở mà còn tạo nên trở lực cho phát triển xã hội và rõ nhất là làm mất niềm tin trong nhân dân về cái gọi là an sinh xã hội. 

Phải tái nghèo mới giải ngân được nguồn!

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 ra đời với 6 dự án thành phần. Mục tiêu hướng đến là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu… Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại cơ sở có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc giải ngân đình trệ.

Ghi nhận tại TP Hà Tĩnh, từ năm 2022 – 2024, tổng nguồn vốn Chương trình này phân bổ cho thành phố là hơn 11,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 10,7 tỷ; ngân sách tỉnh 753 triệu đồng và ngân sách thành phố hơn 323 triệu đồng.

Dù đã bước sang năm thứ 3 nhưng việc giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững tại TP Hà Tĩnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Mai.

Dù đã bước sang năm thứ 3 nhưng việc giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững tại TP Hà Tĩnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Mai.

Kết quả giải ngân một số dự án thành phần như tiểu dự án 1 – dự án 3 về hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; dự án 2 về đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo… đều không đạt kỳ vọng.

Lãnh đạo phòng Kinh tế, UBND thành phố Hà Tĩnh thông tin, với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do phòng thực hiện, tổng kinh phí năm 2022, 2023 được phân bổ gần 1,2 tỷ đồng nhưng không giải ngân được đồng nào. Nguồn năm 2024, hiện đã phân bổ hơn 449 triệu đồng nhưng tiến độ giải ngân cũng đang “dẫm chân tại chỗ”.

Đối với tiểu dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí phân bổ từ 2022 – 2024 là hơn 4,6 tỷ đồng song đến nay mới giải ngân đạt hơn 2,3 tỷ đồng (năm 2022, 2023) để hỗ trợ xây dưng và phát triển 15 mô hình giảm nghèo.

Lý giải nguyên nhân giải ngân nguồn vốn Chương trình chậm, lãnh đạo phòng Kinh tế và Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố cho rằng, về cơ bản hầu hết do yếu tố khách quan. Ví như, hệ thống văn bản hướng dẫn thực thi và khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chậm được tháo gỡ.

Đặc biệt, cách thức phân bổ nguồn vốn có nhiều bất cập. Theo đó, thời gian qua các sở, ngành lấy ý kiến các địa phương về nhu cầu kinh phí để triển khai thực hiện tuy nhiên, dù các địa phương có đăng ký hay không thì nguồn vốn luôn được phân bổ chung theo kiểu “cào bằng”.

“Năm 2024 chúng tôi chỉ đề xuất phân bổ 1,2 tỷ thực hiện dự án đa dạng hoá sinh kế nhưng tỉnh lại phân bổ gần 2,1 tỷ đồng, trong khi đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ít, nhiều hộ không có đất sản xuất nên khả năng giải ngân hết nguồn vốn được giao là cực kỳ khó”, bà Trịnh Thị Lan, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế phân tích, số hộ nghèo toàn thành phố hiện nay là 377 hộ, hộ cần nghèo 549 hộ (chưa đến 50% mức trung bình toàn tỉnh). Trong đó, trên 50% số hộ nghèo, cận nghèo là hộ nghèo bất khả kháng, không có khả năng lao động và gần như phải trông cậy vào trợ cấp xã hội nên không có năng lực tài chính để đối ứng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Vì vậy, hầu như không có đối tượng đủ điều kiện và dù có hỗ trợ người dân cũng chẳng mặn mà tham gia.

Tiểu dự án đa dạng hoá sinh kế nỗ lực hết sức mới hỗ trợ phát triển được 15 mô hình giảm nghèo. Ảnh: Ngọc Mai.

Tiểu dự án đa dạng hoá sinh kế nỗ lực hết sức mới hỗ trợ phát triển được 15 mô hình giảm nghèo. Ảnh: Ngọc Mai.

“Trong cùng một Chương trình có nhiều tiểu dự án, việc hỗ trợ không được trùng lặp đối tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của thành phố ít nên không thể “bắt dân tái nghèo để nhận hỗ trợ””, ông Hưng nêu khó khăn. Đồng thời cho rằng, với những địa phương tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp, tỉnh cần cân đối, điều chỉnh nguồn vốn phân bổ cho các địa phương có nhu cầu và điều kiện giải ngân khả thi hơn, không nên phân bổ cào bằng, tránh tình trạng “nơi cần không có, nơi có lại không đảm bảo điều kiện giải ngân”.

Một vướng mắc khác, đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu đăng ký đào tạo nghề trên địa bàn thành phố rất ít (khảo sát cuối năm 2023 chỉ có 31 người đăng ký học nghề, mỗi lớp theo quy định từ 30 – 35 học viên) nên không đủ điều kiện tổ chức lớp đào tạo nghề, không thể giải ngân nguồn vốn.

Cần đánh giá lại Chương trình để đảm bảo tính bền vững

Vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo tại Hà Tĩnh đã kéo dài gần 3 năm. Các địa phương cho rằng, Trung ương cần đánh giá lại tổng thể Chương trình, những quy định, định mức của từng tiểu dự án để tháo gỡ kịp thời bất cập để Chương trình thực hiện đảm bảo tính bền vững.

TP Hà Tĩnh kiến nghị tỉnh linh hoạt hơn trong việc bố trí nguồn vốn để đối tượng hưởng lợi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo thuận lợi nhất. Ảnh: Ngọc Mai.

TP Hà Tĩnh kiến nghị tỉnh linh hoạt hơn trong việc bố trí nguồn vốn để đối tượng hưởng lợi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo thuận lợi nhất. Ảnh: Ngọc Mai.

Trong cuộc tiếp xúc với Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh mới đây, TP Hà Tĩnh kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh sớm có hướng dẫn cụ thể, quyết định chính thức về việc sửa đổi Nghị quyết 122 về quy định, trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ để các địa phơng có cơ sở, căn cứ pháp lý triển khai thực hiện.

Linh hoạt hơn trong việc bố trí nguồn vốn thành phần giữa các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương để đảm bảo việc sử dụng, giải ngân nguồn vốn hiệu quả, đúng quy định, đúng đối tượng, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình thuận lợi nhất.

Ngoài ra, cần có ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ tài chính có hướng dẫn cụ thể về nội dung chi, định mức chi cụ thể, các thức thực hiện giải ngân nguồn vốn của tiểu dự án 4.3 về “Hỗ trợ việc làm bền vững”.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!