| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An ì ạch triển khai chương trình giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu 29/03/2024 , 07:00 (GMT+7)

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Nghệ An triển khai ì ạch, tiến độ giải ngân chậm, vô hình trung chưa đảm bảo quyền lợi cho người được thụ hưởng.

Giảm nghèo bền vững là Chương trình mục tiêu quốc gia mang ý nghĩa thiết thực, trực tiếp giảm tải áp lực cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Giảm nghèo bền vững là Chương trình mục tiêu quốc gia mang ý nghĩa thiết thực, trực tiếp giảm tải áp lực cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn Nghệ An. Chương trình liên quan đến nhiều đối tượng thụ hưởng đòi hỏi sự vào cuộc sát sao của các Sở, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò chủ trì của Sở LĐ-TB và XH. Đáng tiếc, tình hình chung chưa được như ý.

Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo số 897/BC-UBND của UBND tỉnh Nghệ An (tính đến thời điểm 22/11/2023).

Chi tiết hơn, ngân sách Trung ương được giao năm 2022 đạt trên 404 tỷ đồng, trong đó hơn 305 tỷ là vốn đầu tư phát triển, còn lại là vốn sự nghiệp. Năm 2023 Trung ương tiếp tục bố trí hơn 512 tỷ đồng cho chương trình này, vốn đầu tư giảm xuống (hơn 204 tỷ), vốn sự nghiệp tăng lên (308 tỷ).

Tiến độ thực hiện rất chậm, đặc biệt là kế hoạch năm 2023. Ghi nhận đến ngày 31/10 mới giải ngân được trên 43 tỷ đồng, đạt 8,42%. Đến hết năm con số này nhích lên 40,69%, dù các địa phương trong diện thụ hưởng đã tăng tốc nhưng chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên kết quả thực tế chưa được như kỳ vọng, tiến độ giải ngân tại các huyện miền núi rất thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Tuy nhiên kết quả thực tế chưa được như kỳ vọng, tiến độ giải ngân tại các huyện miền núi rất thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Nhìn vào Dự án 1 về “Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” sẽ thấy rõ thực trạng buồn.

Hơn 193 tỷ đồng đã được phân bổ cho các huyện nghèo (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu), trong đó vốn đầu tư phát triển ưu tiên bố trí cho 35 công trình thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa; vốn sự nghiệp tập trung cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Các nội dung đều mang tính cấp thiết nhưng các địa phương không chủ động nắm bắt, hệ quả chỉ giải ngân được hơn 5,1 tỷ đồng, tương ứng với 2,68%.

Lý giải nguyên nhân, UBND tỉnh cho rằng thời gian lập kế hoạch, dự án quá gấp nên dẫn đến sai sót trong việc lập hồ sơ, buộc UBND các huyện phải tiến hành rà soát, điều chỉnh.

Tương tự là hàng loạt vấn đề nảy sinh khi thực hiện Dự án 2 “Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Kết quả không như ý phần nhiều do các địa phương không kết nối, thu hút được các doanh nghiệp, HTX cùng đồng hành triển khai các chuỗi giá trị. Chưa kể không thành lập được tổ, nhóm cộng đồng đảm bảo theo đúng tiêu chí đặt ra.

Mặt khác, các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa phần là người không có khả năng lao động, người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa… sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vô hình trung tạo thành lực cản lớn trong việc lựa chọn thành phần tham gia dự án.

Chương trình giảm nghèo bền vững tại Nghệ An cần phải đi nhanh hơn, có như thế mới đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đối tượng thụ hưởng. Ảnh: Việt Khánh.

Chương trình giảm nghèo bền vững tại Nghệ An cần phải đi nhanh hơn, có như thế mới đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đối tượng thụ hưởng. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếp đó là Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Sở dĩ dự án không đến được đích phần nhiều do lao động ưu tiên tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh hơn đi học nghề. Khó khăn càng thêm chất chồng khi chương trình tự “bó hẹp” phạm vi, chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hồ nghèo, hộ cận nghèo, vốn không có khả năng lao động hoặc quá độ tuổi lao động. Trong khi xét theo Quyết định số 90/QĐ-TTg thì đối tượng lao động có thu nhập thấp không nằm trong diện này.

Năm 2024 tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp cho Nghệ An thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đạt trên 603 tỷ đồng, địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo từ 4 - 5%. Với việc đang loay hoay tháo gỡ các nút thắt, không dễ để hoàn thành mục tiêu trên.

UBND tỉnh Nghệ An khẳng định quá trình tổ chức, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các địa phương còn lúng túng, kết quả đạt thấp. Về nguyên nhân chủ quan, thấy rằng các nội dung hướng dẫn được quy định tại nhiều văn bản quy phạm khác nhau, trong khi năng lực chuyên môn, hiểu biết của đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn còn hạn chế.

Các dự án, tiểu dự án thành phần phải theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tuy nhiên các văn bản của Trung ương chưa đồng bộ, phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung khiến các địa phương lúng túng.

  

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.