| Hotline: 0983.970.780

Bất thường bò dự án [Bài 2]: Hồ sơ không đảm bảo pháp lý vẫn nghiệm thu

Chủ Nhật 31/03/2024 , 06:08 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Bò dự án có biểu hiện lâm sàng không đúng hợp đồng đã ký, hồ sơ vận chuyển cũng không đảm bảo tính pháp lý nốt nhưng vẫn được nghiệm thu.

Căn cứ vào một bộ hồ sơ không có giá trị pháp lý từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, thay vì  làm lại công tác kiểm dịch từ đầu theo đúng quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh cho 38 con bò của Công ty Tân Thành. Ảnh: Võ Dũng.

Căn cứ vào một bộ hồ sơ không có giá trị pháp lý từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, thay vì  làm lại công tác kiểm dịch từ đầu theo đúng quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh cho 38 con bò của Công ty Tân Thành. Ảnh: Võ Dũng.

Hồ sơ cấp bò dự án lưu tại UBND xã Húc, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và các tỉnh Quảng Bình, Ninh Thuận thể hiện, 38 con bò giống được vận chuyển từ Ninh Thuận ra Quảng Bình rồi vòng về Quảng Trị cấp cho người dân 2 xã Húc và Hướng Lộc. Bộ hồ sơ này không đảm bảo tính pháp lý.

Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, 38 con bò dự án Công ty TNHH Giống Cây trồng vật nuôi Tân Thành (Công ty Tân Thành) cấp cho người dân huyện Hướng Hóa có xuất xứ từ tỉnh Ninh Thuận. Trong ngày 15/3/2024, số bò này được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cấp “Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh” (số 002882/CN-KDĐV-UQ).

Chủ lô hàng xuất đi là ông Phùng Văn Chung, có địa chỉ tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Nơi vận chuyển đến là phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Đàn bò dự án được cấp cho người dân 2 xã Hướng Lộc và Húc khi hồ sơ kiểm dịch không đảm bảo tính pháp lý và công tác kiểm tra, giám sát có nhiều điểm đáng nghi vấn Ảnh: Võ Dũng.

Đàn bò dự án được cấp cho người dân 2 xã Hướng Lộc và Húc khi hồ sơ kiểm dịch không đảm bảo tính pháp lý và công tác kiểm tra, giám sát có nhiều điểm đáng nghi vấn Ảnh: Võ Dũng.

Sau khi được vận chuyển đến tỉnh Quảng Bình (gần 1.000km), ngày 16/3/2024, số bò này được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (số 04578). Chủ lô hàng lúc này là bà Đậu Thị Kim Phượng, trú tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Sau đó, số bò trên tiếp tục được vận chuyển gần 200km nữa, về huyện Hướng Hóa. Tại cửa ngõ của huyện Hướng Hóa, chủ đầu tư và các ban ngành cấp huyện kiểm tra và ký vào biên bản kiểm tra, bàn giao, nghiệm thu. Toàn bộ số bò giống được cấp cho các hộ dân tại 2 xã Hướng Lộc và Húc ngay trong ngày 16/3.

So sánh với hợp đồng đã ký giữa Công ty Tân Thành với UBND xã Húc, việc vận chuyển đàn bò về huyện Hướng Hóa chưa đảm bảo quy trình. Thay vì làm đúng như Điều 4 trong hợp đồng giữa 2 bên: “Kiểm tra con giống tại trang trại” (đối với bò giống đưa từ tỉnh khác về) đoàn kiểm tra lại thực hiện công việc này tại khu vực cửa ngõ của huyện.

Một người công tác lâu năm trong lĩnh vực kiểm dịch động vật cho biết, trong trường hợp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất đi ngoại tỉnh của địa phương không có giá trị pháp lý, công tác kiểm dịch tại địa phương nơi đến của đàn vật nuôi phải làm lại từ đầu. Theo đó, tại địa phương đàn vật nuôi được vận chuyển đến, nếu muốn xuất đi các tỉnh khác công tác kiểm dịch phải làm lại từ đầu.

Bò dự án được cấp trong tình trạng ốm yếu, thiếu sức sống liệu có giúp đồng bào thoát nghèo? Ảnh: Võ Dũng.

Bò dự án được cấp trong tình trạng ốm yếu, thiếu sức sống liệu có giúp đồng bào thoát nghèo? Ảnh: Võ Dũng.

Theo hồ sơ kiểm dịch, cả 38 con bò cấp cho UBND xã Húc và UBND xã Hướng Lộc đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus lở mồm long móng, được gắn thẻ tai. Tuy nhiên, trong hồ sơ kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng không thực hiện đúng theo mẫu Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT do Bộ NN-PTNT ban hành ngày 31/6/2016.

Các nội dung trong giấy chứng nhận tiêm phòng này cũng ghi không đầy đủ theo yêu cầu như: Trọng lượng, màu lông, tuổi, tính biệt, mục đích nuôi (làm giống, lấy sữa, giết thịt,...). Giấy chứng nhận có chữ ký Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ninh Sơn nhưng chỉ đóng dấu “treo”....

Ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng Phòng Thú y - Kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, người trực tiếp ký vào Giấy chứng nhận số 04578 cho rằng, về lý nếu đã có “Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh” do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cấp, toàn bộ số bò trên có thể chuyển thẳng đến huyện Hướng Hóa. Không hiểu vì sao chủ hàng lại vận chuyển về Quảng Bình sau đó lại xin Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh? Điều này vừa tốn công sức lại khiến thể trạng đàn bò yếu đi do vận chuyển quãng đường dài suốt 2 ngày liền.

Đây cũng là lý do khiến chúng tôi băn khoăn về việc, tại sao số bò trên lại được vận chuyển vòng vèo từ Ninh Thận về Quảng Bình sau đó mới chuyển quay trở lại Quảng Trị.

Khi chúng tôi hỏi: “Về nguyên tắc, khi làm thủ tục xuất ra khỏi địa bàn, phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình có kiểm tra xem văn bản số 002882/CN-KDĐV-UQ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cấp là thật hay giả, đơn vị cấp giấy còn thời hạn thực hiện chức năng này nữa hay không” thì ông Kỳ cho biết: “Có, giấy kiểm dịch này còn hiệu lực, hồ sơ đầy đủ”.

Ông Kỳ cũng khẳng định, để cấp giấy chứng nhận cho chủ hàng vận chuyển vào Quảng Trị, đơn vị đã trực tiếp kiểm tra lâm sàng 38 con bò giống.

Người dân phân vân, bò không đủ tiêu chuẩn làm giống; hồ sơ kiểm dịch không đảm bảo tính pháp lý, đơn vị trúng thầu không tuân thủ hợp đồng đã ký vì sao vẫn được vận chuyển vào địa bàn huyện Hướng Hóa? Ảnh: Võ Dũng.

Người dân phân vân, bò không đủ tiêu chuẩn làm giống; hồ sơ kiểm dịch không đảm bảo tính pháp lý, đơn vị trúng thầu không tuân thủ hợp đồng đã ký vì sao vẫn được vận chuyển vào địa bàn huyện Hướng Hóa? Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, “Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh” số 002882/CN-KDĐV-UQ (nếu có) cũng không đủ điều kiện để đàn bò giống 38 con này vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh làm vật nuôi.

Ông Thịnh nhớ lại, có một trường hợp vào mua bò tại huyện Ninh Sơn. Trước nhu cầu của chủ hàng, lúc đầu Phòng xét nghiệm vẫn lấy mẫu và trả lời kết quả. Tuy nhiên, sau đó Phòng Quản lý dịch bệnh của Chi cục đã ngăn lại, không cho làm giấy chứng nhận xuất ra khỏi địa bàn làm giống vật nuôi vì thời hạn thực hiện chức năng được ủy quyền của Trạm đã hết.

“Phòng xét nghiệm của Chi cục lâu nay được Cục Thú y chỉ định xét nghiệm nhưng vừa rồi hết hạn nên đang làm hồ sơ mà chưa được gia hạn. Vì vậy, xem như kết quả xét nghiệm đó chỉ có giá trị nội bộ tham khảo thôi chứ không có tính pháp lý để làm giấy giấy kiểm dịch xuất đi. Tôi cũng đồng ý với đề xuất của Phòng Kiểm dịch không làm giấy kiểm dịch xuất lô bò đó đi làm giống. Rồi sau đó, người ta đi giết mổ hay sao đó tôi không rõ. Giấy xét nghiệm có xuất nhưng giấy kiểm dịch xuất đi là không có, không có kiểm dịch về làm giống”, ông Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, điều ông Thịnh nói trái ngược hoàn toàn với hồ sơ chúng tôi thu thập được. Ông Lê Hồng Kỳ đã cung cấp cho chúng tôi hình ảnh bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 002882/CNKDĐV-UQ đối với 38 con bò, xuất phát từ xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận do kiểm dịch viên Nguyễn Thị Thu Thủy ký ngày 15/3/2024. Về điều này, thiết nghĩ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cần phải sớm làm rõ.

Bò dự án phải được nhốt riêng, chăm sóc và theo dõi cẩn thận tránh lây lan dịch bệnh

Theo Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-TNT, đối với bò có xuất xứ trong nước, khi vận chuyển qua các tỉnh khác để làm giống không nhất thiết phải cách ly nếu xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh, được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo yêu cầu. Tuy nhiên, khi cấp phát cho người dân phải đảm bảo tuyệt đối vật nuôi được nhốt riêng, chăm sóc cẩn thận để tránh tình trạng phát sinh, lây lan dịch bệnh (nếu có).

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất