| Hotline: 0983.970.780

Hồ thủy lợi bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Năm 30/09/2021 , 07:43 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Đất đồi bị san gạt để lấp hồ thủy lợi trong suốt một thời gian dài xong đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp xử lý.

Lấp hồ chiếm đất

Hồ Suối Lạnh thuộc xã Thành Công (thị xã Phổ Yên) được xây dựng từ năm 1992, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 1994. Hồ có diện tích lưu vực là 4 km vuông, tưới cho 452 ha lúa, 176 ha cây trồng khác thuộc 2 xã Thành Công và Vạn Phái. Hồ có cao trình đỉnh đập + 32,04 mét. Mực nước dâng bình thường + 30 mét.

Đất đồi bị đào bới để làm đường, san lấp. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Đất đồi bị đào bới để làm đường, san lấp. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Báo cáo của Trạm khai thác thủy lợi Phổ Yên gửi UBND thị xã Phổ Yên (ngày 29/03/2021) ghi rõ: Từ ngày 27/1/2021, Trạm khai thác thủy lợi đã phát hiện hộ gia đình bà  Dương Thùy Dung (xóm Na Lang 2, xã Thành Công) vi phạm hành lang công trình thủy lợi với hình thức tự san gạt đổ đất vào lòng hồ, diện tích vi phạm khoảng 3.000 mét vuông, khối lượng 2.400 mét khối. Bà Dung còn cho tháo dỡ hành lang bảo vệ công trình số 31, chôn 200 cột bê tông rào dây thép gai xuống sát mép nước ở cao trình +28,50 mét đến cao trình +30 mét.

Trạm khai thác thủy lợi Phổ Yên đã nhắc nhở, ngăn chặn nhiều lần song bà Dung vẫn không cho tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả hiện trạng mà tiếp tục tái diễn vi phạm. Bà Dung không hợp tác mà còn ngăn chặn không cho đơn vị quản lý tiếp cận, kiểm tra công trình. Việc vi phạm trên đã làm thay đổi hiện trạng công trình, làm thu hẹp diện tích mắt nước gây ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ, vận hành công trình điều tiết nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất.

Cho chúng tôi xem một tập dày các biên bản kiểm tra và báo cáo gửi gửi cơ quan chức năng, ông Ngô Thượng Hoan (Trạm trưởng Trạm khai thác thủy nông thị xã Phổ Yên) liệt kê: Ngày 12/5, hộ bà Dung tiếp tục san gạt, rải đá hộc men theo bờ hồ với chiều dài 60 mét, rộng 6 mét. Xê dịch 8 cột bê tông cao 2 mét và hàng rào dây thép gai xuống lòng hồ, tiến hành trồng cây lâu năm, toàn bộ đều nằm dưới cao trình đỉnh đập.

Từ ngày 20 - 25/5/2021, hộ bà Dung lại tiếp tục đào móng, đan sắt, đổ bê tông, xây dựng bậc lên xuống lòng hồ ở cao trình 27,5 mét. Từ 26 - 28/07, hộ bà Dung lại tiếp tục vi phạm san gạt ta luy đồi, làm đường dài khoảng 130 mét, rộng 3 mét và đào 6 hố móng kích thước 1,2 mét vuông, dựng 8 cột điện tròn cao 8 mét. Các vi phạm trên vẫn đều nằm dưới cao trình đỉnh đập thuộc khu vực phía tây thượng lưu lòng hồ. Bà Dung còn cho kéo dây điện lưới vắt ngang mặt hồ với chiều dài 750 mét.

Ngày 4/8, hộ bà Dung lại tiếp tục hạ thủy xuồng máy bằng sắt (dài 10 mét, rộng 1,8 mét, cao 0,8 mét) xuống lòng hồ khi chưa được cấp giấy phép hoạt động.

Tiền lệ xấu

Cọc bê tông và hàng rào dây thép gai được chăng ra tận mép nước Hồ Suối Lạnh.  Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Cọc bê tông và hàng rào dây thép gai được chăng ra tận mép nước Hồ Suối Lạnh.  Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Nhìn từ phía đối diện, công trình xây dựng sừng sững của hộ gia đình bà Dung được bao quanh bởi hệ thống cọc bê tông và hàng rào dây thép gai sát với mép nước hồ Suối Lạnh. Công trình đồ sộ giống như một ngôi chùa lớn. Làm việc với Phòng Tài Nguyên và môi trường thị xã Phổ Yên, chúng tôi được biết, bà Dung từng sống tại TP.HCM. Tháng 2/2020, bà Dung chuyển khẩu về nguyên quán là xóm Na Lang 2, xã Thành Công. Trên cơ sở hợp đồng mua bán đất viết tay từ năm 2002, bà Dung thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tháng 7/2020, bìa đỏ mang tên bà Dung được UBND thị xã Phổ Yên cấp với tổng diện tích 7.995 mét vuông, trong đó, 7.595 mét vuông đất cây lâu năm và 400 mét vuông đất ở nông thôn. Đó chính là cơ sở để bà Dung thực hiện việc san gạt, thay đổi hiện trạng được coi là vi phạm. Thực tế rất lạ là toàn bộ vạt rừng sinh thủy, phía tây hồ Suối Lạnh chỉ có mỗi công trình của gia đình bà Dung ngự trị nhất khoảnh.

Ông Phạm Tuấn Lợi (Phó phòng TN&MT thị xã Phổ Yên) cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, công trình kiên cố của hộ bà Dung có 74 mét vuông nằm trong hành lang bảo vệ công trình. Việc đổ đất, san lấp mặt bằng vào trong phạm vi bảo vệ công trình là 2.750 mét vuông. Trong khi đó, hộ bà Dung còn cho xây dựng ra ngoài phạm vi được cấp bìa đỏ với 89 mét vuông công trình kiên cố và 1.958 mét vuông đổ đất, san lấp mặt bằng. Toàn bộ diện tích vi phạm xây dựng ngoài bìa đỏ đều nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Suối Lạnh.

Thành Công là xã xa nhất của khu vực phía tây thị xã Phổ Yên  giáp với Hà Nội, Vĩnh Phúc. Trước đây, chẳng có ai nghĩ đến việc đầu cơ vào khu vực xa xôi cách trở ấy. Theo nhiều người dân sở tại, bản chất của tất cả những sự xâm hại, vi phạm nói trên được lý giải bởi khu vực hồ Suối Lạnh mới nằm trong quy hoạch Tổ hợp Khu đô thị sinh thái của thị xã Phổ Yên. Chính vì vậy, các vi phạm diễn ra rầm rộ chỉ từ cuối năm 2020 đến nay.

Ông Dương Văn Hạnh (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Phổ Yên) cho biết, cảm quan mà nhận xét thì vạt phía tây thượng lưu lòng hồ Suối Lạnh có thể coi là khu vực rừng phòng hộ. Chính vì vậy, tiểu khu này đã được xác định nằm trong bản đồ quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên, có thể việc sử dụng một diện tích nhỏ được phép với hiện trạng chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp và không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.

Công trình xây dựng đồ sộ của hộ bà Dung giữa vùng hồ đang được hoàn thiện. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Công trình xây dựng đồ sộ của hộ bà Dung giữa vùng hồ đang được hoàn thiện. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Ngoài hộ bà Dung, Trạm khai thác thủy lợi Phổ Yên cũng báo cáo về trường hợp hộ ông Lý Văn Cương tự ý san gạt đất đồi xuống lòng hồ; hộ ông Nguyễn Khắc Thụ làm lều quán trên mái hạ lưu đập chính. Trong khi đó, đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã Phổ Yên cũng xác nhận có tới 12 hộ dân khác đã tự ý xây dựng công trình, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép tại khu vực hồ Suối Lạnh.

Đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên có  hành động quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động xâm hại đã tồn tại trong một thời gian dài.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất