| Hotline: 0983.970.780

Sâu xanh bùng phát, ăn trụi lá rừng bồ đề

Chủ Nhật 26/09/2021 , 17:31 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Khoảng 4ha rừng bồ đề của Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn (Tuyên Quang) bị sâu xanh ăn lá tấn công. Do mật độ sâu dày đặc, nhiều diện tích cây đã bị khô, chết.

4ha rừng bồ đề của Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn (Tuyên Quang) bị sâu xanh ăn lá tấn công. Ảnh: Đào Thanh.

4ha rừng bồ đề của Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn (Tuyên Quang) bị sâu xanh ăn lá tấn công. Ảnh: Đào Thanh.

Theo đại diện của Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn, diện tích rừng bồ đề bị sâu xanh ăn lá tấn công mật độ lớn vào giữa tháng 8/2021 tại đơn vị 774 xã Kim Quan (huyện Yên Sơn). Tốc độ sâu ăn rất nhanh, diễn ra chỉ trong từ 3 đến 5 ngày.

Ngay sau nắm được tình hình sâu bệnh, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn đã tiến hành phun thuốc diệt sâu ALFacua 10EC tại cánh rừng có sâu hại và phòng trừ lây lan sang những cánh rừng khác. Sau một thời gian phun và theo dõi, sâu đã chết nhiều và không phát hiện lây lan sang diện tích liền kề. Trên diện tích cây bị sâu ăn lá đã mọc lá non và sinh trưởng bình thường trở lại.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 9/2021, tình trạng sâu xanh ăn lá lại tiếp tục xuất hiện trên các cánh rừng bồ đề lần thứ 2. Đợt này tiếp tục diễn ra tại các cánh rừng thuộc đơn vị 774 và có lan sang một số cánh rừng khác.

Sau khi phát hiện ra, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn đã tổ chức phun thuốc diệt sâu tại các cánh rừng đã bị bệnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt sâu hại tấn công 2 lần quá nặng, nhiều cây bị ăn mất đỉnh sinh trưởng nên không đủ khả năng quang hợp cũng như hút dinh dưỡng nuôi thân nên đã bị chết. Tỷ lệ rừng được cứu chiếm khoảng 60% diện tích bị sâu hại.

Thời tiết mưa ít, cộng với chim, ong rừng tự nhiên bị săn bắt cạn kiệt được nhận định là một trong những nguyên nhân khiến nạn sâu phá hoại rừng ngày càng tăng cao. Ảnh: Đào Thanh.

Thời tiết mưa ít, cộng với chim, ong rừng tự nhiên bị săn bắt cạn kiệt được nhận định là một trong những nguyên nhân khiến nạn sâu phá hoại rừng ngày càng tăng cao. Ảnh: Đào Thanh.

Thống kê mới nhất của Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn, cả 2 đợt rừng bồ đề bị sâu xanh ăn lá tấn công với diện tích khoảng 4ha. Với diện tích này, công ty đã cử cán bộ theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện khống chế sâu bệnh hại.

Với những diện tích cây không còn khả năng sinh trưởng, phát triển, công ty sẽ làm thủ tục thanh lý với những hộ dân đã ký hợp đồng giao khoán với công ty và tiến hành trồng cây mới trong khung thời vụ tốt nhất.

Theo công nhân lâm trường và các hộ liên kết trồng rừng, thì tình trạng sâu xanh ăn lá trên cây bồ đề hầu như năm nào cũng có. Tuy nhiên, mật độ gây hại như năm nay là khá bất thường. Hơn nữa năm nay sâu xuất hiện sớm, mật độ dày đặc, gây hại vào đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển mạnh nhất. Cây không còn lá nên không còn khả năng quang hợp, tỷ lệ cây chết là rất cao.

Sâu tấn công mật độ lớn, ăn hết lá và đỉnh sinh trưởng của cây khiến cây mất khả năng quang hợp, thiếu sức sống dẫn đến héo ngọn, chết. Ảnh: Đào Thanh.

Sâu tấn công mật độ lớn, ăn hết lá và đỉnh sinh trưởng của cây khiến cây mất khả năng quang hợp, thiếu sức sống dẫn đến héo ngọn, chết. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, tại các lô rừng bồ đề của đội sản xuất 774 trên địa bàn xã Kim Quan và đội sản xuất 881 trên địa bàn xã Đạo Viên thuộc Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn đã bị sâu xanh gây hại.

Sau khi phát hiện, phía công ty sử dụng thuốc đặc trị Alphacua để diệt trừ, tỷ lệ cây phục hồi đạt tương đối cao, khoảng 70-80%. Thế nhưng, với một số khoảnh bị sâu gây hại nặng, sâu ăn mất ngọn cây, cây mất đỉnh sinh trưởng sẽ phân cành, nhánh không thể sinh khối. Thậm chí tại những vết sâu cắn trên ngọn cây nếu gặp mưa, vi khuẩn xâm nhiễm gây thối thân dẫn đến chết héo dần.  

Cũng theo ông Tuyên, sâu xanh không phải là đối tượng sinh vật ngoại lai, chúng đã từng xuất hiện trên một số diện tích rừng những năm về trước, song mật độ thấp, mức độ gây hại không nhiều. Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, số ngày mưa, lượng mưa thấp hơn rất nhiều so trung bình hằng năm. Thời tiết như vậy là điều kiện thuận lợi để sâu hại phát sinh sớm, gây hại nặng trên cây rừng.

Ngoài tác động của thời tiết thì việc chim, ong rừng bị đánh bắt cạn kiệt, sâu không còn thiên địch diệt trừ khiến mật độ dày hơn, sức phá hại của sâu rất lớn.

Nhiều diện tích được phát hiện, khống chế kịp thời cây đã hồi xanh, phát triển trở lại. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều diện tích được phát hiện, khống chế kịp thời cây đã hồi xanh, phát triển trở lại. Ảnh: Đào Thanh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cũng đưa ra khuyến cáo các công ty lâm nghiệp trên địa bàn cũng như chủ rừng cần chú ý theo dõi diễn tiến tình hình sâu bệnh hại tại các cánh rừng. Từ đó phát hiện sớm và có giải pháp khắc phục kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất trên những cánh rừng do sâu bệnh hại gây ra.

Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn có 65ha rừng bồ đề được trồng tại các xã Kim Quan, Trung Sơn, Công Đa, Đạo Viện, Phú Thịnh, Thái Bình. Ngoài diện tích rừng bồ đề bị sâu ăn lá tấn công tại xã Kim Quan, xã Đạo Viện, hiện những cánh rừng còn lại chưa thấy hiện tượng bất thường và đều sinh trưởng phát triển tốt.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.