| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán ô nhiễm nguồn nước ở Đại Từ

Thứ Ba 21/09/2021 , 13:45 (GMT+7)

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp của người dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) trong thời gian dài khiến đất đai, mạch nước ngầm không còn an toàn.

Nhà nhà, người người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Trước đây hầu như người dân ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái nguyên) chỉ sử dụng nước giếng khơi, sau này (khoảng hơn 10 năm trở lại đây) là giếng khoan để ăn uống và dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay vẫn còn nhiều người trên toàn huyện vẫn sử dụng các loại nước giếng nói trên.

Trong khi đó, đa phần người dân ở huyện Đại Từ, nhất là người dân nông thôn từ xa xưa đã sinh sống đan xen giữa nhà ở với vườn đồi và ruộng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp đã kéo dài khoảng 30 năm nay. Nhiều gia đình du là trồng chè, trồng lúa, hoa màu hay các loại cây ăn quả đã quen với việc phun thuốc, cỏ dại mọc là phun, nhiễm bệnh phải phun và cây còi cọc thì cũng phun.

Không khó để thấy được được việc người dân Đại Từ làm dụng BVTV trong sản xuất nông nghiệp, đi thực tế là thấy. Ở các cánh đồng, cạnh các mương thủy lợi dẫn nước là sẽ thấy vỏ của các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ nằm la liệt thành đống. Còn sản xuất chè, việc dùng thuốc BVTV tuy có giảm so với thời gian trước đây do nhận thức của khách hàng sử dụng cao hơn (đòi hỏi chè sạch), nhưng ở một số nơi vẫn còn tình trạng phun thuốc cho cây, nhằm kích thích việc ra búp chè cho tốt, hoặc là phun trừ sâu.

Do việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV diễn ra trong thời gian dài như vậy đã khiến cho chất đất, nguồn nước ngầm không còn an toàn. Nhiều gia đình dùng giếng khơi đã không dám sử dụng nữa do cảm thấy nước quá ô nhiễm. Những nơi chưa có công trình nước sạch, người dân chuyển sang khoan giếng để lấy nước ở độ sâu hơn 10m để dùng, với suy nghĩ là sẽ sạch hơn.

Việc làm dụng thuốc BVTV một thời gian dài trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Đại Từ khiến nguồn nước, chất đất bị nhiễm độc. Ảnh: Thu Huyền.

Việc làm dụng thuốc BVTV một thời gian dài trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Đại Từ khiến nguồn nước, chất đất bị nhiễm độc. Ảnh: Thu Huyền.

Lượng thuốc  bảo vệ thực vật phun ra chỉ được cây hấp phụ một phần, còn một phần giữ lại trong đất, nước và phân giải dần dưới tác động của yếu tố môi trường. Thuốc bị rửa trôi, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các loại sinh vật thủy sinh và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. dù bị chôn lấp qua bao nhiêu năm nhưng các loại hóa chất bảo vệ thực vật vẫn không thể phân hủy hết. Ở nước ta, tỷ lệ người dân dùng nước giếng khá cao, đặc biệt là các vùng nông thôn, vì vậy nguy cơ nước sinh hoạt nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật là rất lớn.

Người dân Đại Từ chưa bỏ thói quen dùng nước giếng

Trong những năm qua từ những chính sách của nhà nước, trên địa bàn huyện Đại Từ đã được đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại các xã để cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân. Do đó tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của huyện tăng qua các năm. Nhận thức của nhân dân về nước sạch, nước hợp vệ sinh, ý thức trong việc sử dụng nước, bảo vệ công trình từng bước được nâng lên, tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đại Từ có 43 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó có 14 công trình cấp nước sinh hoạt do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp quản lý và 2 công trình do mô hình hợp tác xã quản lý được xây dựng bằng ngân sách nhà nước. Đây là những công trình cấp nước có quy mô tương đối lớn, bộ máy quản lý, vận hành có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, có dịch vụ thu tiền nước đúng đơn giá theo quy định. Do vậy các công trình thường xuyên được cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng và hoạt động bền vững, hiệu quả.

Còn lại là các công trình cấp nước quy mô nhỏ, sau khi hoàn thành đã được bàn giao cho xã, xóm quản lý theo hình thức tự quản. Do mức thu phí sử dụng thấp hoặc không thu phí, đã dẫn đấn tình trạng nhiều công trình bị hư hỏng không có nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa kịp thời. Đó là những lý do làm các công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng và hoạt động không có hiệu quả.

Nhiều người dân tại huyện Đại Từ chỉ sử dụng nguồn nước sạch cho việc ăn uống, còn vẫn sử dụng nguồn nước giếng đã nhiễm độc cho việc tắm, giặt, tưới tiêu,.. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều người dân tại huyện Đại Từ chỉ sử dụng nguồn nước sạch cho việc ăn uống, còn vẫn sử dụng nguồn nước giếng đã nhiễm độc cho việc tắm, giặt, tưới tiêu,.. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyền Đại Từ đã có vòi nước sinh hoạt do Nhà nước đầu tư lắp đến tận nhà dân, nhưng nhiều gia đình vì tính tiết kiệm do phải trả tiền phí (khoảng 6.000 đ/m3) nên vẫn không dùng, hoặc dùng rất ít, chỉ dùng cho ăn uống.

Tuy nhiên, việc sử dụng nước đã bị nhiễm độc cho tắm giặt hoặc tưới tiêu cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn cho sức khỏe con người. Tồn dư thuốc BVTV vẫn xâm nhập vào cơ thể . Nhưng nhiều người dân không nhận thức được tác hại vô cùng nghiêm trọng của chất độc tồn dư trong đất và mạch nước ngầm sẽ ảnh hưởng về lâu dài, nhiều đời đến sức khỏe con người, đến nòi giống các thế hệ về sau.

Để nâng cao ý thức của người dân sử dụng nước hợp vệ sinh và bảo vệ sức khỏe của mồi của mỗi người, huyện Đại Từ cũng đã tăng cường về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, nước hợp vệ sinh là hết sức quan trọng. Nơi nào thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, ở đó công tác quản lý, vận hành, sử dụng nước sạch đảm bảo đạt hiệu quả.

Công trình nước sạch xã hội hóa tại xã Phú Xuyên được vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Công trình nước sạch xã hội hóa tại xã Phú Xuyên được vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xã hội hóa nước sạch nông thôn

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN là 20.369/44.955 hộ (chiếm khoảng 45,3%), tổng số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung 11.610/44.955 hộ, tức chỉ đạt 25,8%; số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình 8.759/44.955 hộ (19,5%).

Có thể thấy tỷ lệ người dân Đại Từ, nhất là người dân nông thôn được sử dụng nước sạch nói riêng và nguồn từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung còn rất thấp. Vì vậy, huyện Đại Từ luôn cố gắng dành phần kinh phí từ ngân sách, cũng như đề xuất các cấp trên quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các công trình cấp nước tập trung cho nhân dân.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nước sạch Phú Xuyên đang kiểm tra chất lượng nước tại bể đầu vào. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nước sạch Phú Xuyên đang kiểm tra chất lượng nước tại bể đầu vào. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngoài ra, để mở rộng mạng lưới nước sạch, UBND huyện Đại Từ đã chủ động thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện. Hiện tại địa phương này đang tạo mọi điều kiện tốt nhất cho một doanh nghiệp đầu công trình cấp nước tập trung tại xã Hoàng Nông, công suất đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho người dân 2 xã Hoàng Nông và Tiên Hội.

Huyện Đại Từ cũng vừa có thêm một công trình xã hội hóa cấp nước tập trung vừa hoàn thành đưa vào sử dụng tại xã Phú Xuyên, do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nước sạch Phú Xuyên đầu tư. Đại diện đơn vị này cho biết đã bước đầu lắp đường ống dẫn nước đến nhà dân ở các xóm xung quanh gần nhà máy trước trước, sau đó sẽ mở rộng trên địa bàn xã. Điều này đang giúp cho người dân dần dần tiếp cận với nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh, để thay thế cho nguồn nước bị nhiễm độc tại địa phương do sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.