Mà một trong những hướng đi quan trọng là tập trung vào chất lượng.
Giá còn thấp trong vài năm tới
Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, thông tin cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, XK hồ tiêu tăng về lượng nhưng lại giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, trong 4 tháng qua, ngành hồ tiêu XK được 86.849 tấn hạt tiêu các loại (tăng 13,8%), đạt giá trị 307,138 triệu USD (giảm 34%).
Chăm sóc tiêu ở Bình Phước. Ảnh: Khương Hồng Thủy |
Giá trị XK hạt tiêu giảm mạnh là do giá XK giảm quá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 1, giá XK bình quân hạt tiêu đen chỉ đạt 3.504 USD/tấn (giảm 2.515 USD/tấn) và hạt tiêu trắng đạt 5.415 USD/tấn (giảm 3.768 USD/tấn). Cán cân cung – cầu vẫn đang nghiêng nhiều về phía cung là nguyên nhân chính khiến cho giá hạt tiêu giảm mạnh trên toàn cầu.
Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong năm 2018, toàn thế giới có khoảng 103.000 tấn hạt tiêu từ năm 2017 chuyển qua. Trong khi đó, do thời tiết không có gì bất lợi đối với sản xuất nên nguồn cung ở các nước XK vẫn ổn định ở xu hướng tăng. Do đó, kể cả khi vụ tiêu ở Việt Nam bị mất mùa, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu dự báo sẽ cao hơn năm 2017 (là năm đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay) khoảng trên 30.000 tấn. Sự tăng trưởng về sản lượng vẫn đang cao hơn so với tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, nhiều dự báo cho rằng giá tiêu vẫn còn ở mức thấp ít nhất là trong vài năm tới.
Đại diện của Cty Nedspice cho rằng chỉ riêng ở Việt Nam, lượng hạt tiêu tồn kho vẫn còn rất lớn trong toàn bộ hệ thống ngành hàng hồ tiêu Việt Nam, từ hộ nông dân, đại lý các cấp, nhà cung ứng, nhà máy tới DN XK... Đây là lượng hạt tiêu còn tồn đọng sau nhiều vụ. Và với lượng tồn này, giả sử Việt Nam không có tiêu thu hoạch mới trong 1 năm, vẫn có thể đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của thế giới.
Cung cao hơn cầu khiến cho tình hình cạnh tranh trên thị trường hồ tiêu thế giới đang ngày càng khốc liệt hơn. Đối thủ đáng lo ngại nhất của hồ tiêu Việt Nam chính là Brazil. Các chủ trang trại của nước này có lợi thế rất lớn là sở hữu diện tích lớn với giá đất nông nghiệp rất rẻ. Nhờ đất đai nhiều và rẻ, nên người trồng tiêu Brazil không cần phải trồng cho cây tiêu phát triển thật cao như ở Việt Nam, mà chỉ cần cao chừng 2m, rất dễ dàng, thuận tiện cho việc thu hái... Những yếu tố đó giúp cho tiêu Brazil đang có giá thành thấp. Bên cạnh đó, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật, quy trình canh tác, nên dư lượng thuốc trừ sâu trên hạt tiêu gần như bằng không. Hay có thể nói hạt tiêu Brazil đã gần với chuẩn organic. Với những lợi thế đó, hạt tiêu Brazil đang có sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường nhờ chất lượng cao, giá bán thấp.
Campuchia cũng đang phát triển mạnh diện tích trồng tiêu và trong tương lai không xa có thể đứng hàng thứ 4 hoặc thứ 5 trong số những nước XK hạt tiêu lớn nhất thế giới.
Phải cạnh tranh bằng chất lượng
Trong bối cảnh cung vượt cầu và sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ những nước trồng tiêu khác, và dù vẫn duy trì vị thế trên thị trường thế giới với tư cách là nước sản xuất và XK hồ tiêu lớn nhất, nhiều DN đang nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng cường liên kết, hợp tác với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu nhằm sản xuất ra những sản phẩm tiêu chất lượng cao, tiêu sạch.
Nedspice là một trong những DN đang tích cực đi theo mô hình này. Đến nay, Cty đã liên kết với khoảng hơn 1.600 hộ nông dân trồng tiêu để sản xuất tiêu bền vững. Đại diện của Nedspice khẳng định, quá trình liên kết với nông dân cho thấy, trình độ canh tác của nông dân Việt Nam rất cao. Và những hộ trồng tiêu thành công, những nông dân giỏi, đều là những người biết tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật, quy trình sản xuất. Đây là cơ sở để Nedspice tin rằng nếu đẩy mạnh liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời cắt giảm mạnh những chi phí trung gian nhằm giảm chi phí sản phẩm hạt tiêu của Cty có thể cạnh tranh được với tiêu Brazil. Mục tiêu của Nedspice khi liên kết với nông dân là tạo ra những sản phẩm tiêu tốt nhất để bán vào những thị trường khó tính nhất, nơi mà người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua những sản phẩm tiêu mà họ hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Bà Trần Phước Hậu (Cty CP TM-DV-XNK Trân Châu), cũng cho rằng khi cung vẫn vượt cầu trên thị trường hồ tiêu thế giới, thì để giữ được thị trường, khách hàng, chất lượng là yếu tố sống còn. Từ năm 2017, Cty Trân Châu cũng đã bắt đầu liên kết với các hộ trồng tiêu nhằm sản xuất ra những sản phẩm tiêu có chất lượng tốt, bền vững.
Theo ông Hoàng Phước Bính, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), do giá hồ tiêu không còn hấp dẫn, cộng với sự cảnh báo từ nhiều thị trường khó tính, mà hạt tiêu Việt Nam đang được cải thiện về chất lượng. Thực tế sản xuất cho thấy nông dân đã giảm nhiều việc sử dụng thuốc BVTV trên tiêu. Khảo sát ở nhiều đại lý vật tư nông nghiệp tại các vùng trồng tiêu trọng điểm, các loại thuốc có hoạt chất Carbendazim đã gần như không còn bán được cho người trồng tiêu.
Trung Quốc đang nổi lên như là một thị trường đầy tiềm năng cho hạt tiêu Việt Nam. Trong quý 1 năm nay, Trung Quốc đã NK tới 7.000 tấn hạt tiêu từ Việt Nam, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu ở Trung Quốc đang tăng mạnh do sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp thực phẩm nước này. Năm 2017, lượng tiêu dùng hạt tiêu ở Trung Quốc lên tới 52.000 tấn so với mức 32.000 tấn của năm 2016. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ năm nay ở Trung Quốc còn tăng cao nữa. Vì vậy, Trung Quốc ngày càng cần NK nhiều hạt tiêu, khi mà sản xuất trong nước đang giảm do đô thị hóa và thời tiết bất lợi (sản lượng tiêu của Trung Quốc năm 2017 chỉ đạt 16.000 tấn). |