| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ bò giống giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững

Thứ Năm 03/10/2024 , 09:25 (GMT+7)

HÀ TĨNH Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đang lựa chọn hỗ trợ bò giống để thay thế gà giống nhằm nâng cao tính bền vững của mô hình sinh kế trong chương trình giảm nghèo.

Hỗ trợ giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến cấp cơ sở. Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều vướng mắc, song nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân ở Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo dưới 36 tháng.

Hỗ trợ bò giống là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hưng Phúc.

Hỗ trợ bò giống là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hưng Phúc.

Xã Ích Hậu được đánh giá là một trong những địa phương triển khai tốt nhất Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ở huyện Lộc Hà. Địa phương này lựa chọn bò giống để hỗ trợ nhằm duy trì sinh kế bền vững cho bà con.

Cuối năm 2022, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn Thống Nhất (xã Ích Hậu) được hỗ trợ 6 triệu đồng để mua bò giống sinh sản. Ông Thủy vay thêm 6 triệu đồng để mua một con bê giá 12 triệu đồng. Ông Thủy tích cực chăm sóc, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chăn nuôi - thú y xã. Kết quả, sau hơn một năm, con bê trưởng thành, làm mẹ rồi sinh sản được 1 bê con. Hiện gia đình ông Thủy tiếp tục nhân đàn.

Năm 2023, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững toàn tỉnh đã hỗ trợ 160 mô hình sinh kế. Các địa phương tập trung hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi như bò, gà, dê, ong, cây ăn quả...

Cách nhà ông Thủy không xa là mô hình của hộ ông Lê Văn Huệ và bà Đặng Thị Cuối. Ông Huệ, bà Cuối được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua bê giống sinh sản. Nhờ chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt nên một thời gian sau, gia đình bán được 1 con bê con trị giá 10 triệu đồng và bò mẹ đã sản sinh lứa mới.

“Sau nhiều lần bị tai nạn sức khỏe của tôi giảm sút, thu nhập hàng năm chỉ dựa vào 3 sào ruộng nên rất khó khăn. Năm 2022 nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho gia đình mua bê giống nên bây giờ mới có cơ hội thoát nghèo”, bà Cuối chia sẻ.

Lãnh đạo xã Ích Hậu cho biết, sau khi có quyết định phân bổ nguồn hỗ trợ sinh kế, địa phương đã triển khai thực hiện đúng quy định và luôn sâu sát động viên bà con tích cực làm ăn, chăm sóc tốt vật nuôi, không để thất thoát nguồn giống hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể, cán bộ chuyên môn cũng luôn sát cánh hỗ trợ bà con về kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách phòng bệnh... cho vật nuôi nên các mô hình phát triển tốt.

Nhiều địa phương tận dụng tối đa lợi thế, chuyển từ hỗ trợ giống gà sang hỗ trợ giống bò để giảm thất thoát nguồn giống hỗ trợ. Ảnh: Hưng Phúc.

Nhiều địa phương tận dụng tối đa lợi thế, chuyển từ hỗ trợ giống gà sang hỗ trợ giống bò để giảm thất thoát nguồn giống hỗ trợ. Ảnh: Hưng Phúc.

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà thông tin, việc hỗ trợ mô hình sinh kế theo Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Năm 2022 và 2023, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã hỗ trợ cho 526 hộ dân trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, mô hình nuôi bò 287 hộ, mô hình nuôi gà 239 hộ. Các mô hình sinh kế này đã góp phần giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 – 2025 đạt và vượt kế hoạch”, bà Minh phấn khởi nói.

Đối với huyện Hương Sơn, phát huy lợi thế diện tích đất trồng cỏ rộng lớn, người dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi đại gia súc nên sau khi tiếp nhận nguồn phân bổ từ tỉnh, Hương Sơn đã xây dựng kế hoạch, chuyển nguồn hỗ trợ cho các xã, đồng thời định hướng chọn hỗ trợ bò giống thay vì hỗ trợ gà giống.

“Đầu tư nuôi bò người dân phải đối ứng nhiều hơn nhưng giá trị kinh tế đem lại cao và đảm bảo tính bền vững hơn nuôi gà rất nhiều”, lãnh đạo huyện Hương Sơn đánh giá.

Để phát huy tối đa hiệu quả “cần câu cơm”, năm 2024 huyện Hương Sơn giao chính quyền các xã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng - Chuyển giao KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, áp dụng chuyển đổi số vào công tác phòng chống dịch bệnh… nhằm hạn chế thất thoát nguồn giống hỗ trợ.

Xem thêm
Bình Thuận có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống an toàn dịch bệnh

Tính đến cuối tháng 8/2024, tỉnh Bình Thuận có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Bỏ túi nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng nấm

ĐÀ NẴNG Với 700m2 trồng đủ các loại nấm khác nhau, trung bình mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí, trại nấm của anh Hùng thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng.

Một số giống sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao

Các giống sầu riêng dưới đây đang được thị trường ưa chuộng, có giá trị xuất khẩu cao, nhưng để phát triển sản xuất chỉ trồng bằng cây đầu dòng nhân giống vô tính