| Hotline: 0983.970.780

Giảm nghèo nhờ nuôi cá tầm, cá hồi trên núi

Thứ Hai 05/08/2024 , 14:56 (GMT+7)

Với lợi thế khí hậu, nguồn nước, việc nuôi cá nước lạnh đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Sa Pa xóa nghèo, nâng cao thu nhập.

Người dân Ngũ Chỉ Sơn vợt những con cá hồi đủ cân lên bán cho thương lái. Ảnh: H.D.

Người dân Ngũ Chỉ Sơn vợt những con cá hồi đủ cân lên bán cho thương lái. Ảnh: H.D.

Cá nước lạnh tạo việc làm, thu nhập cho bà con 

Xã Ngũ Chỉ Sơn cách thị xã Sa Pa hơn 20km, có khí hậu mát mẻ, độ cao phù hợp cùng nguồn nước sạch để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Việc nuôi cá hồi, cá tầm không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương, mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập. 

Ông Chẻo Dần Tả thôn Can Hồ B trước đây làm ruộng, làm thảo quả song thu nhập không đáng kể nên mạnh dạn chuyển sang nuôi cá nước lạnh.

"Từ 2016, hai anh em tôi đã vay tiền ngân hàng, người thân để nuôi cá hồi, có lãi thì cưa đôi. Song, năm đầu gặp đúng hạn hán nên nuôi là chết, vì cá không đủ ô xy, chết dần chết mòn. May đến vụ 2019, 2021 đã vực dậy được nên dần có lãi", ông Chẻo Dần Tả nói.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, ông Tả cho hay, cá hồi rất mẫn cảm với nhiệt độ và nguồn nước. Sau khi lấy giống về phải theo dõi thời tiết, tắm muối cho cá và phòng bệnh, nhất phải đảm bảo nguồn nước sạch cho cá sinh trưởng, phát triển. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bát, ông chủ động lấy thêm nhiều nguồn nước để nuôi cá. 

Từ nay đến cuối năm, hộ gia đình này dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 2 tấn cá, ước tính thu về hơn 400 triệu đồng.

Ông Chảo Duần Mình cùng thôn Can Hồ B từng có năm thắng lớn nhưng có năm cũng lao đao vì con cá. Sau 10 năm, cá nước lạnh đã giúp gia đình ông có của ăn, của để.

Ước tính với hơn chục bể nuôi cá, sản lượng cá hồi gia đình ông năm nay đạt khoảng 5-6 tấn, thu về hơn 1 tỷ đồng. Ông cũng bắt đầu nuôi cá tầm và nhân giống cá, đồng thời thuê thêm lao động địa phương phụ việc.  

Theo ông Chảo Duần Mình, lợi thế ở Ngũ Chỉ Sơn là nguồn nước sạch, có đủ độ cao, nuôi cá ít dịch bệnh nên chất lượng thịt cá hơn hẳn cá Trung Quốc. Để chủ động chăm sóc cá, cần xây bể áp cao tạo ô xy cho cá; sử dụng 2 nguồn nước, phòng mưa lũ nước bẩn đục thì đổi nguồn hoặc khi hạn hán xảy ra. Khi bán hết cá to thì vệ sinh sạch bể để không còn vi khuẩn, nguồn lây bệnh, sau đó thả cá giống, nuôi lứa mới…

Từ một vài hộ ban đầu đến nay xã Ngũ Chỉ Sơn đã có hàng chục hộ, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư nuôi cá nước lạnh.

Các trại, bể nuôi cá nằm sát suối có nguy cơ cao lũ quét trong mùa mưa lũ. Ảnh: H.D.

Các trại, bể nuôi cá nằm sát suối có nguy cơ cao lũ quét trong mùa mưa lũ. Ảnh: H.D.

Rủi ro mưa lũ, thiên tai cuốn trôi sinh kế

Tháng 9/2023, trận lũ quét xảy ra trên địa bàn xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, Lào Cai) đã cuốn trôi toàn bộ 61 trại nuôi cá hồi và cá tầm với 610 ao nuôi. Ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi 250 tỷ đồng. Cho đến nay, các hộ dân chưa thể khôi phục lại sản xuất. Do đó, sản lượng cá nước lạnh của Sa Pa đến chủ yếu từ xã Ngũ Chỉ Sơn.  

Theo thống kê, trên địa bàn xã này có khoảng 120 trại nuôi cá hồi, cá tầm và cá giống. Trong đó, 12 cơ sở nuôi quy mô lớn, 108 điểm nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Theo ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai), các cơ sở nuôi cá chủ yếu do nhiều hộ dân hùn vốn để làm. Càng ngày càng có nhiều người nuôi, chính vì vậy sản lượng hằng năm tăng dần, năm 2023 đạt 243 tấn, giúp người dân xã này thu về hàng chục tỷ đồng.

Song không ít hộ nuôi tự phát, chuyển đổi đất nương, đất ruộng sang nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi cá không nằm trong quy hoạch làm ảnh hưởng nguồn cung cấp nước; xảy ra tranh chấp nước giữa các hộ; mùa hanh khô các nguồn nước cạn kiệt còn gây ảnh hưởng sinh trưởng của cá và bùng phát dịch bệnh. 

Đặc biệt, khu vực miền núi, mưa lũ, thiên tai có thể xảy ra bất ngờ, cuốn trôi sinh kế của bà con. Để phòng tránh thiệt hại, các hộ nuôi hiện tranh thủ thu hoạch cá đạt hoặc sắp đạt kích cỡ thương phẩm; cập nhật thông tin kịp thời về dự báo thời tiết; chuẩn bị thiết bị xử lý nước, bảo đủ lượng ôxy... hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt.

“Ở vùng cao, rủi ro sạt lở khó có thể tránh khỏi. Chính quyền địa phương ra văn bản chỉ đạo, khuyến cáo người dân di chuyển người ra khỏi vị trí nguy cơ cao khi mưa to, lũ quét. Không chỉ nơi nuôi cá nước lạnh mà ngay những khu dân cư cũng đối mặt rủi ro này nhất là các hộ nuôi thủy sản ven suối, địa hình dốc, ở thung lũng cần đề cao cảnh giác”, ông Lý Quẩy Dảo nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tăng sản lượng và chất lượng cá nước lạnh, UBND xã cùng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Sa Pa mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trong nuôi cá nước lạnh…

Cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân đổi đời, nâng cao đời sống. Ảnh: H.D.

Cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân đổi đời, nâng cao đời sống. Ảnh: H.D.

Lựa chọn giống, nâng cao chất lượng cạnh tranh

Tổng sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023 đạt khoảng 1.000 tấn, tăng gần 400 tấn so với năm 2019. Việc nuôi cá đòi hỏi người nông dân am hiểu kỹ thuật, xử lý nguồn nước… và lựa chọn con giống, nhằm gia tăng sản lượng.

Hiện nay, người dân Sa Pa chủ yếu nuôi 3 giống cá hồi gồm: Giống cá hồi Phần Lan, Tây Ban Nha và Mỹ. Có những trại nuôi nhập khẩu giống cá hồi Ý, Ba Lan và Séc nhưng cho chất lượng kém, nuôi không lớn nên dần bị đào thải. 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh Sa Pa cho hay, các loại cá hồi nói trên đã được đưa về Sa Pa trên 10 năm nên người dân lựa chọn được giống cá phù hợp. Các dòng cá này đều nuôi bằng nước ngọt và đạt các tiêu chí nuôi cá hồi thương phẩm. 

Song, cá hồi nuôi chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường, số lượng lớn vẫn phải nhập khẩu. Trước việc mất cân bằng cung cầu, một số đơn vị nhập cá hồi Trung Quốc về nuôi. Tuy nhiên, do cá không thuần, phân đàn, đột biến nhiều màu sắc nên thị trường không chấp nhận.

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh Sa Pa đã chủ động cung ứng phần nào con giống cá hồi cho thị trường. Còn cá tầm vẫn phụ thuộc nguồn trứng nhập khẩu từ Châu Âu, vì nguồn cung thiếu hụt.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, sức nuôi của người nông dân Sa Pa rất lớn, chưa đáp ứng đủ khối lượng thị trường cần. Song lo ngại, khi nuôi vượt quy hoạch sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước... 

Ngoài ra, để ổn định thị trường cá nước lạnh, bà con phải đăng ký kế hoạch với Hiệp hội cá nước lạnh để điều tiết thị trường, tránh việc giá cá giảm, sản lượng tăng…

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.