| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình ấm no nhờ chăn nuôi an toàn toàn sinh học: Gà Lạc Thủy trụ vững nhờ liên kết theo chuỗi

Thứ Hai 27/11/2023 , 09:39 (GMT+7)

Chăn nuôi an toàn sinh học liên kết theo chuỗi giúp bà con nông dân nuôi gà Lạc Thủy ổn định nguồn cung và giá bán sản phẩm.

Theo chị Nguyễn Thị Xoa, xóm 7, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), chăn nuôi an toàn sinh học giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít bệnh, không bị hao hụt đầu con, đâu ra thuận lợi. Ảnh: Trung Quân.

Theo chị Nguyễn Thị Xoa, xóm 7, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), chăn nuôi an toàn sinh học giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít bệnh, không bị hao hụt đầu con, đâu ra thuận lợi. Ảnh: Trung Quân.

Trong bối cảnh nhiều hộ chăn nuôi gà lao đao vì giá thức ăn cao, thị trường tiêu thụ, giá bán bấp bênh, các thành viên HTX Dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành (Lạc Thủy, Hòa Bình) cùng 100 hộ vệ tinh vẫn đứng vững nhờ phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi liên kết.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền cho biết, HTX cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua toàn bộ trứng và gà thương phẩm cho tất cả các thành viên và hộ liên kết. Ngược lại, các hộ cam kết chăn nuôi theo đúng quy trình do HTX đưa ra.

Theo ông Tuấn, gà Lạc Thủy với những ưu điểm nổi trội về chất lượng, nhất là từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (năm 2019), nhu cầu của thị trường đối với loại gà này tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ đòi hỏi sản phẩm tạo ra phải đảm bảo chất lượng đồng đều, giá thành hợp lý. Do đó, việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giúp các hộ kiểm soát được toàn bộ đầu vào, giảm chi phí, công lao động, bảo vệ được sức khỏe, nguồn gen và môi trường.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà giúp giảm mùi hôi, bụi, bẩn trong chuồng. Ảnh: Trung Quân.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà giúp giảm mùi hôi, bụi, bẩn trong chuồng. Ảnh: Trung Quân.

Chị Nguyễn Thị Xoa, xóm 7, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) chia sẻ, gia đình chị nuôi 6.000 gà (4.000 gà đẻ và 2.000 gà thịt). Để tạo ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn, trước khi vào lứa gà mới, chị vệ sinh sạch sẽ khu vực sân chơi, hòa vôi bột với nước tưới đều khắp chuồng nuôi để vôi chảy vào tất cả các khe hở mà chổi hay dụng cụ vệ sinh không chạm tới.

Phía bên ngoài chuồng sử dụng vôi bột và phun thuốc khử trùng, sát khuẩn, sau đó để chuồng nuôi nghỉ khoảng 1 tháng. Trong quá trình nuôi, đối với đàn gà con tiến hành phun khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tuần, gà to 1 lần/tháng.  

Đối với gà đẻ trứng, toàn bộ con giống do HTX Tuấn Chuyền cung cấp. Đến giai đoạn đẻ trứng, cán bộ kỹ thuật của HTX sẽ xuống tiến hành chọn gà mẹ, những con nào đạt tiêu chuẩn mới được thu trứng ấp nở, số còn lại sẽ chuyển sang bán trứng thường hoặc bán gà thịt.

“Chăn nuôi an toàn giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít bệnh, không bị hao hụt đầu con, trọng lượng, sản phẩm tạo ra thuận lợi tiêu thụ. Hiện tại, trung bình mỗi ngày gia đình xuất bán ra thị trường 600-700 quả trứng.

Số trứng đảm bảo yêu cầu ấp nở được HTX thu mua với giá từ 5.000-7.000 đồng/quả. Gà thịt bán giá từ 92.000-93.000 đồng/kg. Nhờ đó, gia đình tôi tăng được nguồn thu, từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi”, chị Xoa phấn khởi.

Chị Cao Thị Thư, thôn Bột, xã Phú Thành chăm sóc đàn gà Lạc Thủy theo quy trình hợp tác xã đưa ra. Ảnh: Trung Quân.

Chị Cao Thị Thư, thôn Bột, xã Phú Thành chăm sóc đàn gà Lạc Thủy theo quy trình hợp tác xã đưa ra. Ảnh: Trung Quân.

Chị Cao Thị Thư, thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) nuôi 8.000 gà (3.000 gà đẻ, 5.000 gà thịt) cho rằng, mặc dù con giống được HTX cung cấp đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, khỏe mạnh, đơn vị cung cấp thức ăn luôn có kỹ thuật đồng hành.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đó mà không sát sao, chú ý giữ gìn vệ sinh chuồng trại, kịp thời xử lý mầm bệnh, hiện tượng bất thường chắc chắn sẽ thất bại. Bởi lẽ, gà thả vườn rất dễ mắc các bệnh như tụ huyết trùng, cầu trùng, khô chân, giun sán… không cẩn thận người nuôi rất dễ trắng tay.

“Trung bình một ngày, gia đình tôi chi phí hết khoảng 4 - 4,5 triệu đồng (gà con). Khi gà to có khi lên tới gần 10 triệu đồng, nếu lơ là, chủ quan là ôm nợ vào người ngay. Trong khi đó, từ đầu năm đến giữa năm, hầu hết các hộ nuôi gà đều thua lỗ vì chi phí đầu tư lớn, giá bán bấp bênh. Thời điểm cuối năm nhiều hộ sợ thua lỗ không giám vào đàn nên giá bán gà thịt đang ổn định ở mức cao hơn 90.000 đồng/kg, trứng sản xuất ra đến đâu xuất bán hết đến đó người nuôi càng phải chú tâm bảo vệ đàn gà của mình để gỡ gạc và lấy vốn cho sang năm”, chị Thư đánh giá.

Ông Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Lạc Thủy cho hay, hiện tổng đàn gà của huyện khoảng 1,3 triệu con. Việc phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi giúp các hộ nâng cao chất lượng, ổn định giá và đầu ra sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển thương hiệu "gà Lạc Thủy" bền vững.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.