| Hotline: 0983.970.780

Hỏa hoạn gia tăng vì biến đổi khí hậu?

Thứ Hai 08/03/2010 , 10:45 (GMT+7)

Hệ quả do BĐKH gây ra mới đầu diễn ra chậm chạp và cục bộ trên một số khu vực. Sau tăng dần về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, để lại nhiều hậu quả khó lường,...

Vụ cháy dữ dội VQG Hoàng Liên (Sa Pa – Lào Cai) đã được dập tắt, đám cháy kéo dài tới 8 ngày đêm. Phát hỏa lúc 13 giờ ngày 8/2, chấm dứt vào hồi 14 giờ ngày 15/2. Trước đó, mùa khô năm 1971 tại Sa Pa cũng xảy ra cháy lớn, như vậy sau 39 năm Sa Pa lại xảy ra cháy khốc liệt.

Trong khi VQG Hoàng Liên cháy khói lửa ngút trời; thì tại các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn (Lào Cai) cũng có cháy rừng nhưng nhỏ và được dập tắt kịp thời. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng đều do con người bất cẩn trong sử dụng lửa. Chủ yếu là việc đốt nương làm rẫy, đốt tổ ong để lấy mật. Trẻ em mang nguồn lửa vào rừng khi đi chăn thả gia súc gây cháy, có trường hợp phát hỏa do tự nhiên nhưng rất ít. Tuy nhiên cháy trên diện rộng VQG Hoàng Liên, cùng nhiều vụ cháy khác tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ... thời gian qua có đóng góp không nhỏ bởi sự bất thường của thời tiết. 

Mười ngày đầu tháng 2/2010, miền Bắc ghi nhận được một đợt ấm nóng lịch sử, hầu khắp các địa phương không có mưa, hoặc có ngày có mưa nhỏ vài nơi. Lượng mưa không đáng kể, tiết trời ấm nóng kéo dài. Khu vực phía tây Bắc bộ có địa phương nhiệt độ cao nhất vượt ngưỡng 35oC, mức cao nhất trong chuỗi số liệu nhiều năm đã thu thập được.

Sau đó không khí lạnh mạnh tràn về gây thời tiết chuyển từ ấm nóng sang rét lạnh nhanh. Các tỉnh phía đông Bắc bộ rét đậm kéo dài 7 ngày (từ 13-19/2). Phía tây Bắc bộ rét ít hơn 4 ngày (từ 16-19/2). Người dân miền Bắc đã choáng vì lạnh giá bất thường. Có thể khẳng định đây là sự dị thường của thời tiết trong mùa đông năm nay ở miền Bắc; xét trên diện hẹp, từ ngày 28/1-16/2, toàn tỉnh Lào Cai không có một giọt mưa (đây cũng là lần đầu tiên các trạm Khí tượng - Thủy văn Lào Cai ghi nhận được).

Không riêng gì Lào Cai, hầu khắp các tỉnh thuộc khu vực phía tây Bắc bộ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ban ngày nắng chói chang, trời khô hanh. Đặc biệt tại huyện Sa Pa (Lào Cai), huyện Than Uyên (Lai Châu) còn có gió địa phương Ô Quí Hồ, gió Than Uyên thổi mạnh. Tốc độ gió cực đại ở Sa Pa đạt mức 20-25m/s (tương đương cấp 8, cấp 9). Nhiều năm nay Sa Pa mới lại xuất hiện gió Ô Quí Hồ có tốc độ lớn như vậy. Những ngày gió thổi mạnh, có thời điểm nhiệt độ tại Sa Pa quan trắc được còn cao hơn nhiệt độ tại thành phố Lào Cai, trong khi đó Sa Pa cao hơn Lào Cai xấp xỉ 1.500m. Thời tiết quá bất lợi khiến cháy lan rất nhanh ra diện rộng.

Điểm cháy xảy ra nơi núi cao, đèo dốc, địa hình hiểm trở, gió thổi mạnh nên việc dập lửa càng khó khăn. Ngoài ra Sa Pa cũng chịu ảnh hưởng của một đợt rét hại nặng. Nhiệt độ thấp nhất tụt tới 2,2oC; đèo Ô Quí Hồ lại xuất hiện mưa đông kết tạo thành băng giá vào ngày 19/2. Trước đó ngày 18/2, xã Trung Chải (Sa Pa) có mưa đá ném xuống. Như vậy gần như đồng thời hai hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên một diện tích hẹp. Điều đó càng minh chứng biến đổi khí hậu sinh thời tiết ngày càng bất thường hơn.

Sau rét đậm rét hại, thời tiết miền Bắc lại ấm nóng mạnh. Nhiệt độ cao nhất vươn đến 34-36oC, phía tây Bắc bộ cao hơn 36-38oC, nắng nóng cục bộ xuất hiện trên nhiều địa phương. Đây là lần đầu tiên ngành Khí tượng - Thủy văn Việt Nam quan trắc được nắng nóng xuất hiện trong tháng 2. Thêm một sự dị thường của thời tiết trong mùa đông năm nay.

Tiếp đến từ ngày 21/2-6/3, các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực phía tây Bắc bộ hầu như không có mưa, hanh khô nặng kéo dài, độ ẩm giảm thấp. Đây là nguyên nhân gián tiếp kích động các vụ cháy rừng gia tăng tại nhiều địa phương.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không diễn ra trong một sớm, một chiều mà ai cũng có thể nhìn nhận được. Chúng diễn ra một cách âm ỉ, như kiểu mưa dầm thấm sâu, và phải trải qua nhiều năm tháng mới hiện hữu. Hệ quả do BĐKH gây ra mới đầu diễn ra chậm chạp và cục bộ trên một số khu vực. Sau tăng dần về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, để lại nhiều hậu quả khó lường, biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi khí hậu là sinh thời tiết diễn biến ngày càng dị thường hơn. Nhiều khi trái với quy luật vốn có của tự nhiên, thêm vào nữa là cường độ thiên tai cũng khốc liệt hơn.

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây và hiện tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều sự nổi giận của thiên nhiên. Các tai biến thiên nhiên đã gây tổn thất nặng nề về vật chất lẫn tính mạng con người. Khí hậu khắc nghiệt sinh ra những trận đại hồng thủy, hoả hoạn dữ dội, hạn hán, nắng nóng, các đợt lạnh giá bất thường ngoài mong muốn. Bão tố có tốc gió đạt mức đại cuồng phong v.v, dẫn đến các thiệt hại lớn về kinh tế xã hội trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, tài nguyên nước, các hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe và bệnh tật. Phần lớn các tai biến tự nhiên xảy ra đều có sự can thiệp tích cực của con người như việc đô thị hoá nhanh chóng. Sự gia tăng của các loại khí nhà kính do các nhà máy thải ra, việc khai thác rừng đến mức cạn kiệt, việc đốt rừng để làm nương rẫy, khai thác quá mức các loại tài nguyên thiên nhiên...

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT đã cảnh báo, trong vòng 20 năm gần đây, thiên tai ở nước ta năm sau nhiều hơn năm trước. Cường độ và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn. Đây là một thách thức lớn cho các nhà quản lý kinh tế, hoạch định chính sách, đường lối phát triển kinh tế tại địa phương mình quản lý trước sự BĐKH đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất