| Hotline: 0983.970.780

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Thứ Hai 06/05/2024 , 08:54 (GMT+7)

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

Ngành mía đường chịu nhiều sức ép

Ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm qua. Chỉ tính từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường giảm hơn 60%. Giá mía giảm khiến diện tích vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp, từ gần 200 nghìn ha năm 2015 xuống chỉ còn hơn 120 nghìn ha trong niên vụ 2022 - 2023. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL từng là vùng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100 nghìn ha nhưng mấy năm qua đã giảm rất mạnh, hiện chỉ còn khoảng 16 nghìn ha. 

Nhiều vùng mía nguyên liệu ngày càng tụt giảm về diện tích do cây trồng này chịu sức ép cạnh tranh từ các cây trồng khác. Ảnh: NNVN.

Nhiều vùng mía nguyên liệu ngày càng tụt giảm về diện tích do cây trồng này chịu sức ép cạnh tranh từ các cây trồng khác. Ảnh: NNVN.

Giá mía bấp bênh, diện tích mía giảm sâu khiến nông dân đành phải chuyển đổi sang trồng sắn, trồng keo và các loại cây trồng khác. Diện tích mía giảm sâu kéo theo sản lượng mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy đường đóng chân trên địa bàn các tỉnh giảm xuống đáng kể. Nhiều nhà máy đường phải dừng hoạt động hoặc đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, làm ăn thua lỗ. Năm 2011, cả nước có 39 nhà máy đường nhưng đến nay đã giảm chỉ còn 25 nhà máy đang hoạt động.

Trong một vài năm trở lại đây, dù có nhiều yếu tố lạc quan về giá cả, thế nhưng ngành mía đường nội địa vẫn chịu sức ép về chi phí sản xuất, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, cùng với đó là việc cạnh tranh vùng nguyên liệu mía với các cây trồng khác.

Ông Nguyễn Tử Hải, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) cho biết: “Hiện nay, tại ĐBSCL cây mía đang phải cạnh tranh với nhiều cây trồng khác có giá cao như sầu riêng, dứa, cam... Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, giá mía xuống thấp khiến người dân không còn mặn mà với cây trồng này.

Thiếu nguyên liệu khiến các nhà máy đường tại Hậu Giang, Cần Thơ... phải dừng hoạt động hoặc làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, nguyên liệu mía sau khi thu hoạch không có nơi tiêu thụ buộc người dân phải vận chuyển tới các tỉnh bạn để bán, khiến giá vận chuyển tăng cao, lợi nhuận giảm xuống. Mặt khác, nông dân có xu hướng bán mía ép nước để lấy giá cao, khiến các nhà máy rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu".

ĐBSCL là vùng ghi nhận sự tụt giảm diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất trong những năm qua. Ảnh: NNVN.

ĐBSCL là vùng ghi nhận sự tụt giảm diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất trong những năm qua. Ảnh: NNVN.

Ngoài các nguyên nhân như ông Hải chia sẻ, thì diện tích mía nguyên liệu tại nhiều địa phương giảm còn do thiếu lao động tham gia sản xuất; nhiều diện tích mía trồng trên đồi cao không thuận lợi cho cơ giới hóa, chi phí sản xuất cao nên nông dân bỏ mía để trồng cây khác.

Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu 

Tại xã Xuân Phú (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) - nơi từng được xem là vùng mía lớn của huyện Thọ Xuân với diện tích khoảng 500ha và hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, cây mía chủ yếu được trồng trên đất đồi. Sản lượng mía nguyên liệu ở đây cung cấp cho Nhà máy đường Lam Sơn mỗi năm đạt từ 38.000 - 40.000 tấn.

Tuy nhiên gần chục năm trở lại đây, giá mía bấp bênh, nông dân đành phải chuyển đổi sang trồng sắn và trồng keo khiến diện tích mía giảm xuống chỉ còn 27ha (mía lưu gốc và mía trồng mới). Cá biệt có năm diện tích mía giảm chỉ còn 7ha. Đây cũng là tình trạng chung diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước.

Để phát triển bền vững, ngành mía đường cần có các biện pháp phù hợp, đặc biệt là việc củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác ngày càng gia tăng tại các địa phương.

Vùng nguyên liệu mía tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Vùng nguyên liệu mía tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Nói về giải pháp để lấy lại vị thế của cây mía trong thời gian tới, ông Nguyễn Tử Hải cho biết: “Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới là lực đẩy quan trọng để phát triển bền vững ngành mía đường. Trong đó có việc rà soát, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mía lớn thông qua các hình thức hợp tác, liên kết, lấy doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, chọn tạo giống mía có năng suất, chất lượng để giảm chi phí đầu vào. Tiếp tục thực hiện biện pháp phòng vệ đối với mía đường nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất mía đường trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu lại hoạt động chế biến, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản xuất. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Quy hoạch để phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp nói chung, ngành mía đường nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo ông Hải, thời gian qua, Cục Trồng trọt nói riêng, Bộ NN-PTNT nói chung đã tích cực hỗ trợ các địa phương bằng nhiều hình thức để nông dân tái đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích mía nguyên liệu tại các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

“Để phát triển bền vững ngành mía đường, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án phát triển mía đường định hướng tới 2030. Theo đó đến năm 2030 giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn. Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương đưa các giải pháp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, chọn giống, kỹ thuật canh tác... nhằm tăng năng suất, sản lượng mía nguyên liệu”, ông Nguyễn Tử Hải chia sẻ

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.