Họa sĩ Bùi Chát có bằng cử nhân văn chương và cử nhân luật. Anh theo nghề vẽ bằng cách tự đào tạo, tự rèn luyện. Họa sĩ Bùi Chát cầm cọ từ năm 2019 và chủ trương lối sáng tác có tên gọi là hội họa tình huống.
Triển lãm “Gieo dó ngồi ngó” gồm 23 bức tranh mực tàu màu nước trên giấy dó. Họa sĩ Bùi Chát đã ứng dụng một kỹ thuật riêng biệt, cộng với bút pháp linh hoạt, lúc mềm mại uyển chuyển lúc mạnh mẽ dứt khoát, đã tạo ra những bức tranh màu nước có hiệu ứng như sáp dầu.
Tuy vẫn sử dụng phong cách nghệ thuật đặc trưng của mình, nhưng trong loạt tranh “Gieo dó ngồi ngó”, hội họa tình huống đã được biến ảo phù hợp trên chất liệu mới là giấy dó, tạo nên một bề mặt lạ, vừa theo hướng thể nghiệm đương đại vừa gợi nhớ hội họa truyền thống phương Đông.
Về thông điệp của cuộc triển lãm, họa sĩ Bùi Chát chia sẻ: “Gieo dó là một kiểu gieo nghệ thuật, gieo tinh thần của tác giả vào chất liệu mới là giấy dó. Tôi tự ý thức đây chỉ là bước khởi đầu trong một địa hạt mới, nói cách khác là khởi đầu cho một hành trình mới của nghệ thuật”.
Chưa bao giờ họa sĩ Bùi Chát đặt tên cho các bức tranh một cách rõ ràng, cụ thể. Phần lớn các tên tranh đều là “Không đề” và được đánh số theo thứ tự, hoặc tên tranh được đặt theo tên triển lãm và được đánh số. Họa sĩ Bùi Chát cho biết, vì không muốn áp đặt hay định hướng cách hiểu nghệ thuật cho công chúng nên anh không muốn đặt tên cho tác phẩm, ngoài ra với một cái tên cụ thể nào đó sẽ không bao giờ diễn đạt được diễn biến thực sự của các tình huống.
Họa sĩ Phan Trọng Văn, người phụ trách chuyên môn của Maii Artspace nhật xét: Loạt tranh màu nước mà Bùi Chát vẽ trên giấy dó mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và sáng tạo. Việc sử dụng kỹ thuật vẽ khô với những nét thiếu, đứt gãy… không những tạo ra sự thú vị trong từng bức tranh mà còn gợi nhớ đến nghệ thuật thư pháp truyền thống. Những nét vẽ này không chỉ tượng hình những con chữ, những bài thơ haiku trừu tượng, mà còn là cảm xúc tuôn trào như không control được của một người nghệ sĩ vừa là nhà thơ đương đại, vừa là hoạ sĩ, thể hiện qua từng đường nét.
Giấy dó, với kết cấu và bề mặt đặc biệt, tạo điều kiện lý tưởng cho việc thể hiện bằng màu nước với độ thấm nhanh của giấy và loang của màu. Người vẽ cũng có thể tạo ra những hiệu ứng bề mặt giống như sáp dầu hay pastel khi vẽ khô, chỉ lướt nhẹ bề mặt giấy với lượng ngậm màu của cọ lông mềm ít nước, nó mang lại cảm giác thô ráp, đứt gãy… và đầy sức sống. Sự tương phản giữa những nét vẽ khô và những mảng màu nước hòa quyện tạo ra một không gian nghệ thuật phong phú, đa chiều.
Thể nghiệm này không chỉ là một cách để khám phá kỹ thuật mà còn là một hành trình tìm kiếm bản sắc cá nhân trong nghệ thuật. Họa sĩ Bùi Chát đang mở ra một con đường mới, nơi mà những quy tắc truyền thống có thể được phá vỡ để tạo ra những tác phẩm mang tính sáng tạo và cá tính riêng. Điều này không những thể hiện sự dũng cảm trong việc thử nghiệm mà còn cho thấy sự nhạy bén trong việc kết hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau.
“Giấy dó ngồi ngó” của họa sĩ Bùi Chát không chỉ là một triển lãm mỹ thuật mà còn là một cuộc hành trình khám phá bản thân và nghệ thuật, mở ra những khả năng vô hạn cho sự sáng tạo trong tương lai.
Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, loạt tranh của họa sĩ Bùi Chát vẽ bằng màu nước và mực tàu trên giấy dó thủ công của người Dao Đỏ, có lẽ đây là những chất liệu rất thích hợp cho việc thử nghiệm loại tranh trừu tượng và vô hình thể (Informalism). Vẫn lối tiếp cận bằng sự tự phát và trực giác của phong cách Tachism, như nhiều cuộc triển lãm trước đây, tiêu đề lần này cũng như các lần trước không nhằm khơi gợi bất cứ tính chuyên đề nào, chúng là những cách chơi giỡn ngôn ngữ theo tinh thần Dada để tránh bất cứ tính áp đặt nào, tất cả nhằm hướng tới sự trừu tượng toàn diện.
"Gieo dó ngồi ngó" được thể hiện bằng phong thái đầy những cử chỉ mang tính nhịp điệu, có cấu hình đậm đặc đường nét như nghệ thuật thư pháp, làm ta nhớ tới tranh của Mark Tobey. Bằng một năng lượng tự phát hay một nguyên tắc mà trong nghệ thuật thư hoạ gọi là “khí vận sinh động”, có thể xem đây là một loại thư pháp trừu tượng chủ yếu với những nét mực, màu khô cùng nước trên bề mặt và đặc tính thẩm thấu của giấy. Tất cả hoà quyện vào từng cử chỉ mang nhịp điệu, như hiệu ứng của cảm giác kèm (synaesthesia) mà Kandinsky nêu ra, và ta có thể thấy màu sắc đồng thời cùng với âm thanh tương ứng.
"Gieo dó" cũng là nơi trí tưởng tượng gặp gỡ trên bề mặt tấm giấy dó đơn sơ, nhưng cũng là không gian biểu tượng cho thế giới bên trong, và cái không gian bên trong này gần với không gian vô hạn của vũ trụ mà người nghệ sĩ tự tạo ra cho chính mình.