Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong khuôn khổ Dự án khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản được thực hiện tại Bình Định vào đầu năm 2014, phía Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngư dân tỉnh này máy thu câu tự động và máy tạo xung (bộ Shoker) giữ tươi thịt cá ngừ đại dương, để con cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Sau khi cắn câu, trong quá trình ngư dân kéo cá lên boong tàu, con cá ngừ đại dương thường quẫy đạp dữ dội do cá mất ô xy. Để giữ chất lượng cá ngừ, trước khi kéo cá lên boong tàu, lúc can cá còn cách mặt nước từ 10-30m, ngư dân sẽ thả vòng tạo xung điện theo dây câu xuống chụp lên đầu cá.
Sau đó, ngư dân chịu trách nhiệm vận hành thiết bị bấm khởi động bộ Shoker, điện sẽ làm cho con cá bị ngất, nên khi kéo cá lên boong tàu nó không thể cựa quậy bởi đã chết lâm sàng.
Khi cá đã nằm trên boong tàu, tranh thủ lúc con cá còn bị ngất, các thuyền viên tàu cá phải lập tức xả tiết cá. Ở giữa con cá ngừ đại dương có một đường ranh phân biệt phần lưng và phần bụng của cá, vây ngực của cá nằm trên đường ranh ấy và động mạch chủ của cá nằm ở 2 bên vây ngực.
Sau khi dựng vây ngực con cá lên, ngư dân sẽ đâm dao xả tiết vào cắt đứt động mạch chủ của cá. Lưỡi dao được thiết kế khi đâm vào, sẽ tạo được độ sâu cần thiết và cắt đúng 2 động mạch chủ nằm 2 bên mang khiến máu trong con cá sẽ được xả ra đến giọt cuối cùng.
Bên cạnh đó, trước khi cá được đem đi ướp đá, ngư dân phải cắt nhượng vây đuôi của cá, đồng thời cắt 2 bên mang rồi mổ bụng để loại bỏ toàn bộ nội tạng cá để thịt cá được bảo quản tốt khi ướp.
Cũng theo ông Vinh, cách ướp cá là yếu tố then chốt làm nên chất lượng cá ngừ. Khi vùng vẫy, cá ngừ có thân nhiệt cao, từ 38-40 độ C, sau khi được loại bỏ nội tạng, thân nhiệt cá còn từ 26 đến 32 độ C. Do đó, sau khi được rửa sạch bằng nước biển, cá được cho vào thùng ngâm có nhiệt độ từ 16-20 độ C.
Sau 5 phút, cá mới được cho vào hầm ngâm hạ nhiệt có nhiệt độ từ 3-5 độ C ngâm tiếp từ 20-30 phút nữa để cá ngấm lạnh sâu dần, sau đó kéo cá lên, ướp đá vào bụng cá rồi đưa xuống hầm lạnh bảo quản.
Tuy nhiên, những bộ Shoker do Nhật Bản đưa sang áp dụng trên các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định không mấy hiệu quả, bởi thiết bị sử dụng bằng nguồn điện của bình ắc quy nên thường xảy ra tình trạng thiếu điện, chưa kể những bộ Shoker của Nhật rất nặng nề.
Mới đây, Bộ KHCN thực hiện Dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy tạo xung trong xử lý cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản” nhằm hoàn thiện thiết bị này để ngư dân áp dụng rộng rãi cho tàu chuyên câu cá ngừ đại dương tại Bình Định. Đơn vị thực hiện là Công ty CP Cơ điện và Xây lắp Hùng Vương (TP. Quy Nhơn).
Chi cục Thủy sản Bình Định vừa qua đã cử 2 cán bộ kỹ thuật đi theo 2 tàu cá chuyên câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định để hướng dẫn ngư dân cách sử dụng sử dụng thiết bị, đồng thời ghi chép cụ thể quá trình sử dụng thử nghiệm thiết bị này.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định Trần Văn Vinh, trong chuyến biển vừa qua 2 tàu cá sử dụng 4 bộ Shoker mới, mỗi tàu sử dụng 2 bộ, chuyến biển này vừa cập bờ vào ngày 8/8 vừa qua. Bộ Shoker mới dùng hệ vi mạch điện tử, rất gọn nhẹ, lại sử dụng nguồn điện của tàu cá nên không bị thiếu điện như trước đây, khi còn sử dụng nguồn điện bình ắc quy.
Kết quả, tàu cá BĐ 96034 TS đã đánh bắt được 37 con cá ngừ đại dương, trong đó, có 24 con cá lớn và 13 con cá nhỏ. Trong số cá nói trên ngư dân sử dụng bộ Shoker 27 con, 22 con đều ngất do bộ tạo xung điện, 5 còn còn lại không bị ngất dù cũng được sử dụng bộ Shoker.
“Hiện Công ty Cơ điện và Xây lắp Hùng Vương đã lấy mẫu đưa vào Viện Công nghệ chế biến thủy sản của Đại học Nha Trang để phân tích. Kết quả phân tích sẽ cho thấy thịt con cá ngừ đạị dương có sử dụng bộ Shoker trong đánh bắt có chất lượng hơn thịt con cá ngừ đại không sử dụng bộ Shoker hay không”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.