Việc hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang là đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay |
Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Nhiều bất cập
Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gồm 5 chương 20 điều quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Nghị định ban hành sẽ kế thừa các ưu điểm và khắc phục những tồn tại của Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Tham gia ý kiến vào một số nội dung của dự thảo Nghị định, các ý kiến tập trung vào các nội dung như: hình thức liên kết và hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quyền và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết; chính sách ưu đãi, hỗ trợ; trách nhiệm của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương…
Thực tế hiện nay cho thấy, diện tích cánh đồng lớn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 3,9% so với tổng diện tích cây trồng. Số hộ nông dân, hợp tác xã tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều, chỉ có 0,619 triệu hộ/9,32 triệu hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đối với các hợp tác xã, chỉ có 12% thực hiện tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân trên địa bàn. Tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng trong cánh đồng lớn chỉ đạt bình quân 29,2%. Đặc biệt, tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra, nhất là đối với cây lúa.
Ông Trần Hanh (Giám đốc doanh nghiệp sản xuất chè Macha, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, việc liên kết với các nông hộ nếu như không có cơ sở pháp lý và một hành lang bảo vệ lợi ích chuẩn thì doanh nghiệp rất khó để xây dựng vùng vệ tinh. Vì lẽ đó mà doanh nghiệp của ông Hanh chỉ dám liên kết với chính những người thân, người bà con để tập hợp nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng (Giám đốc HTX Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết, có những mối liên doanh liên kết hình thành nhưng không biết tương lai của mô hình sản xuất sẽ về đâu vì vấn đề quy hoạch. Doanh nghiệp đầu tư xong thì lại bị quy hoạch bổ sung đè lên mô hình sản xuất. Trong khi đó, theo ông Thắng, vẫn chưa có điều luật nào quy định việc bồi thường hiệt hại do hợp đồng thuê đất.
Thay đổi
Từ những đề xuất trên, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc góp đất bền vững, xác định tính pháp lý của việc đầu tư, hợp tác đầu tư phải được coi trọng. Rõ ràng tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, của người dân là tư liệu sản xuất, khi chưa xác nhận được mối liên kết bền vững từ tư liệu thì mọi liên doanh liên kết cần phải xem lại.
Kết luận các nội dung, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chính sách liên kết sản xuất nên thực hiện theo dự án và không nên thực hiện theo hợp đồng. Vì dự án mới ràng buộc được các bên tham gia liên kết. Chỉ thông qua dự án thì việc hỗ trợ mới được thực hiện. Không có dự án thì các bên vẫn thực hiện việc liên kết thông thường. Về quyền và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết sản xuất, theo Thứ trưởng thì thủ tục hợp đồng liên kết chỉ là một vế nhỏ của việc liên kết nên phải soi tỏ việc liên kết trên cơ sở quy hoạch của địa phương, trên nguyên tắc tự nguyện của các thành viên để đảm bảo tính bền vững, chắc chắn.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có 3 chính sách lớn mà gần như chắc chắn Nghị định sẽ được thông qua, đó là việc hỗ trợ giảm 50% tiền sử dụng đất trong việc xây dựng kho xưởng; hỗ trợ 40% kinh phí chuyển đổi, ứng dụng khoa học kĩ thuật mới; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu ban soạn thảo nên rút gọn nội dung Nghị định, tránh rườm rà. Nghị định phải dễ hiểu và áp dụng ngay vào thực tiễn. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý các đơn vị phải hiểu rõ nội dung liên kết bao giờ cũng phải từ đầu tư đến sản xuất rồi tiêu thụ chứ không phải chỉ có sản xuất và tiêu thụ. Đầu tư chính là nguồn gốc để xác định sự tồn tại của mối liên kết, qua đó mới xây dựng được cơ chế để tiến hành hỗ trợ.