Cần cơ chế thực hiện chi trả tín chỉ carbon
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất được đánh giá có vị trí quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo lộ trình đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Thep kết quả rà soát đóng góp giảm phát thải của Việt Nam đến năm 2030 do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra, ngành nông nghiệp có tiềm năng đóng góp không điều kiện về giảm phát thải 12,4 triệu tấn CO2e (đơn vị đo lượng phát thải khí nhà kính). Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nước ta có tiềm năng giảm thêm 38,5 triệu tấn CO2e và đóng góp có điều kiện về giảm phát thải là 50,9 triệu tấn CO2e.
Đến nay, cả nước đã có 254 dự án theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) với tổng lượng khí nhà kính giảm nhẹ từ các dự án này khoảng 140 triệu tấn CO2e.
Lĩnh vực lâm nghiệp lần đầu tiên thực hiện chi trả tín chỉ carbon rừng thông qua Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (Chương trình ERPA). Triển khai từ năm 2014 đến nay, chương trình đã được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ về năng lực, chính sách, kỹ thuật liên quan đến hoạt động đo đạc, tính toán, thẩm định.
Tổng khối lượng giao dịch từ Chương trình ERPA là 51 triệu tấn CO2e, thực hiện ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên - Huế.
Thông qua tính toán đo đạc, theo dõi báo cáo dựa trên dữ liệu điều tra, kiểm kê rừng, ông Nguyễn Chiến Cường (Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam) đưa ra kết quả ước tính lượng giảm phát thải giai đoạn 2018 – 2019 toàn vùng Bắc Trung Bộ là 10,3 triệu tấn CO2e, được WB chi trả với số tiền 41 triệu USD và sẵn sàng đưa lên sàn giao dịch về tín chỉ carbon trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chiến Cường cho biết, do vướng quy định về ban hành sổ tay hướng dẫn phương pháp đo lường tín chỉ carbon và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan nên đến nay vẫn chưa thực hiện được chi trả.
Lĩnh vực chăn nuôi là một trong những lĩnh vực có mức phát thải lớn, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn từ chăn nuôi của nước ta trên 60 triệu tấn. Do đó, việc xử lý chất thải để vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo ra giải pháp xử lý bằng công nghệ, tạo ra tín chỉ carbon được ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận là vấn đề quan trọng.
Một trong những công nghệ phổ biến hiện nay được ngành chăn nuôi trên thế giới cũng như Việt Nam ứng dụng là công nghệ khí sinh học. Ông Chinh tính toán, mỗi công trình khí sinh học tùy kích cỡ khác nhau có thể giảm phát thải từ 4 - 6,4 tấn CO2e.
Từ năm 2003 - 2020, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và Chính phủ Hà Lan, thông qua Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV Việt Nam) triển khai Chương trình Khí sinh học Quốc gia. Mục đích tổng thể của chương trình này là đưa công nghệ khí sinh học áp dụng trong nông thôn để cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến năm 2020, chương trình đã triển khai bán tín chỉ carbon, thu được số tiền trên 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu thể chế về quản lý, thu, chi nguồn vốn thương mại hóa tín chỉ carbon nên số tiền thu được cũng chưa được chia trả cho các bên liên quan.
Ông Chinh đánh giá, thị trường tín chỉ carbon ngày càng phát triển rất cao, năm 2022, thị trường tín chỉ carbon được thương mại hóa trên thị trường đã đạt mốc 84 tỷ USD. Do đó, Việt Nam cần nhanh chân để tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, nếu chậm sẽ mất đi cơ hội lớn.
“Thị trường tín chỉ carbon có nhiều công cụ định giá khác nhau. Việt Nam phải định hình được cơ chế tài chính carbon ngay từ khi thiết kế dự án để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế khi mua tín chỉ carbon, đặc biệt là các tổ chức giám sát và đánh giá. Đồng thời, xây dựng cơ chế pháp lý để đăng ký, phát hành và bán tín chỉ carbon ở thị trường trong và ngoài nước”, ông Chinh đưa ra bài học kinh nghiệm.
Xây dựng hệ thống đo lường, tiếp cận thị trường carbon
Mới đây, tại hội thảo về thị trường carbon ngành nông nghiệp do các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức tại TP Cần Thơ, cụm từ “tín chỉ carbon” đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan quản lý trong nước cũng như các bên tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo.
Chia sẻ với báo chí, TS Katherine Nelson, nhà khoa học về biến đổi khí hậu và chuyên gia về thị trường carbon thuộc IRRI Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu, đặt mục tiêu giảm 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030. Trong đó, phần lớn khí mê tan phát thải từ nông nghiệp, cụ thể là sản xuất lúa gạo.
Tuy nhiên, hiện khung pháp lý về thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo vẫn đang được xây dựng để có một chính sách vận hành hoàn chỉnh, kể cả việc xây dựng một quy trình, xác định các tiêu chuẩn, công cụ báo cáo, đo lường và xác định các ưu tiên tiếp cận thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo.
So sánh giữa các lĩnh vực trong nông nghiệp, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của lúa gạo (36%) cao hơn nhiều so với chăn nuôi (9%) và trồng trọt (3%). Hơn nữa, việc đầu tư vào giảm phát thải trong canh tác lúa thấp hơn so với tiềm năng nhận được. Điều này sẽ mang đến những cơ hội lớn cho người trồng lúa thu hút các nguồn tài trợ, đón xu hướng tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo.
Tại vùng ĐBSCL, các dự án, chương trình thúc đẩy sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính đã và đang được triển khai. Thế nhưng vẫn chưa có nhiều biện pháp tối ưu để đo đạc lượng phát thải khí nhà kính trong thực tế sản xuất lúa gạo.
Đồng quan điểm, ông Tống Xuân Chinh cũng kỳ vọng, thời gian tới sẽ có khung pháp lý định hình cơ chế tài chính carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thuận lợi trong quá trình thương mại hóa tín chỉ carbon. Để đảm bảo cơ hội này, ông Chinh nhận định, Việt Nam phải áp dụng khoa học công nghệ để giảm phát thải, hình thành thị trường carbon. Và công nghệ ngập - khô xen kẽ (AWD), giảm lượng nước tưới trên ruộng lúa là phương pháp tiết kiệm được chi phí cho nông dân lên tới 150 USD/ha mà không làm giảm năng suất.
Từ năm 2016, Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV Việt Nam) đã triển khai các dự án huy động sự tham gia của tư nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, thúc đẩy thực hiện giải pháp canh tác bền vững, giảm phát thải tại tỉnh Thái Bình. Trong giai đoạn 2023 – 2027, SNV Việt Nam tiếp tục mở rộng triển khai ở 3 địa phương vùng ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang thông qua Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
Mục tiêu của Dự án là cải thiện sinh kế, hỗ trợ nông dân trồng lúa chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp, hướng tới cải thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất và phát triển thương hiệu gạo carbon thấp.
Dự kiến, Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL sẽ dành ngân sách 15 triệu đô la Úc để tiếp cận 10 - 20 đối tượng xuất khẩu lúa gạo chính, 50 – 60 hợp tác xã và 300.000 nông dân sản xuất quy mô nhỏ trên quy mô 200.000ha lúa.
Kết quả Dự án hướng tới là xây dựng được 10 - 20 chuỗi giá trị gạo. Riêng với phương pháp canh tác giảm phát thải, sẽ đảm bảo giảm 30 - 40% lượng hạt giống, 20 - 30% phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, 20 - 40% lượng nước sử dụng, kéo theo giảm 10 - 15% chi phí đầu vào. Đặc biệt là giảm trên 10% khí nhà kính, tương đương khoảng 200.000 tấn CO2e.