| Hotline: 0983.970.780

Hoàng Hưng tìm mùa hạ còn đâu gặp Phú Quang trong miền ký ức

Thứ Bảy 25/07/2020 , 09:19 (GMT+7)

Nhà thơ Hoàng Hưng đã viết hai bài thơ không đặt tên, để nhạc sĩ Phú Quang phổ thành “Mùa hạ còn đâu” và “Trong miền ký ức”.

Nhà thơ Hoàng Hưng vẫn say mê với thi ca ở tuổi 78.

Nhà thơ Hoàng Hưng vẫn say mê với thi ca ở tuổi 78.

Nhà thơ Hoàng Hưng sinh năm 1942 tại Hưng Yên. Ông là con trai của bác sĩ nổi tiếng Hoàng Thụy Ba (người Việt Nam đầu tiên được đào tạo y khoa tại Pháp). Và ông cũng có một người con gái nổi tiếng là họa sĩ Ly Hoàng Ly.

Tuổi đôi mươi, nhà thơ Hoàng Hưng từng hăng hái lên Tây Bắc tham gia lao động sản xuất. Từ Mường La, ông cảm nhận “Lá non, nắng mới vàng tơ/ Bồn chồn chót bóp giục mùa phát nương/ Kìa hoa gạo đã đỏ đường/ Như ai đốt rẫy, lửa vương lưng trời” và ông viết thư về cho mẫu thân “Rừng rậm hóa quê ta rồi, mẹ ạ/ Có ruộng có làng có trống chèo đêm/ Chỉ thiếu đầu thềm bóng cây nhãn ngả/ Chúng con chờ hạt giống mẹ mang lên”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà thơ Hoàng Hưng làm giáo viên rồi chuyển sang công tác ở báo Giáo Dục & Thời Đại và báo Lao Động. Nghỉ hưu, ông dồn sức cho các dự án dịch thuật, đưa tác phẩm thế giới vào Việt Nam và đưa tác phẩm Việt Nam ra thế giới.

Nhà thơ Hoàng Hưng là người có ý thức đổi mới thi ca rất sớm. Những ngày dạy học ở Hải Phòng, ông đã thể nghiệm lối viết khác những người cùng thế hệ. Sau năm 1975, ông khởi xướng một trường phái sáng tác, gọi là “thơ vụt hiện”. Các tập thơ của ông, “Ngựa biển” (1988) “Người đi tìm mặt” (1994) và “Hành trình (2005) đều gây xôn xao dư luận và tạo nên những khen chê trái chiều.

Riêng tập thơ “Ngựa biển”, bên cạnh những bài thơ được đặt tên cụ thể, thì có 16 bài thơ không đặt tên. Nhà thơ Hoàng Hưng cố tình không đặt tên, hay không thể tìm ra cái tên ưng ý để đặt, là điều không ai rõ. Tuy nhiên, nhạc sĩ Phú Quang đã đồng cảm với 2 trong số 16 bài thơ không đặt tên ấy, để viết thành hai ca khúc “Mùa hạ còn đâu” và “Trong miền ký ức”.

Đã rất quen thuộc với công chúng, hai ca khúc “Mùa hạ còn đâu” và “Trong miền ký ức” được nhiều ca sĩ trình bày suốt ba thập niên qua. Tuy nhiên, so với nguyên tác thi ca, thì ca khúc của Phú Quang có cải biến ít nhiều. Ví dụ, ca khúc “Mùa hạ còn đâu” không có “Chắc biển ngoài kia cũng xám/ Lạnh co những sóng rộng dài”, còn ca khúc “Trong miền ký ức” thì không có “tìm một trái cây lạ, có em trong đó”.

Xin mời bạn đọc thưởng thức hai bài thơ không đặt tên của nhà thơ Hoàng Hưng, nhưng đã làm chất liệu cho hai ca khúc nức danh "Mùa hạ còn đâu" và "Trong miền ký ức" của nhạc sĩ Phú Quang.

                           LÊ THIẾU NHƠN (chọn và giới thiệu)  

Mùa hạ còn đâu

Đường phố hôm nay mùa đông

Sao áo em mùa hạ?

Những sọc áo xanh cuộn sóng

Em mang trên ngực biển đầy

Biển những ngày hè đẹp lắm

Ngày nào tìm biển ta say

Nhưng mùa hạ đã ra đi

Chân trời xa không ngấn nắng

Sao em còn mang áo mỏng

Có còn mùa hạ nữa đâu

Sao em làm lòng ta đau

Nhớ ngọn lửa hè đã tắt

Chắc biển ngoài kia cũng xám

Lạnh co những sóng rộng dài

Ngực em cao làm tức ngực

Hãy chôn dưới lớp áo dài

Đường phố hôm nay mùa đông

Hãy để mùa hè yên nghỉ

Trong miền ký ức

Mất rồi

Mất rồi

Con đường bụi đỏ

Chuyến xe đông người

Nắng dần chạy vào đôi vòm lá thẫm

Mất rồi

Mất rồi

Em ở đâu

Con đường ngong ngóng

Đứa trẻ huơ tay

Anh giữa chợ

Nghe mà không hiểu

Tìm một trái cây lạ

Có em trong đó

Xa xa

Có lẽ một dòng sông

Một đỉnh nhà thờ

Gió

Xa lắm rồi

Cầu mong đừng gặp lại

Anh về bụi đỏ tìm em.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Hơn 1.400 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV

13 đoàn với 1.468 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực IV năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.