| Hotline: 0983.970.780

Học sinh ở 'thủ phủ hồ tiêu' bỏ học hàng loạt!

Thứ Năm 11/04/2019 , 09:15 (GMT+7)

Thời vàng son của cây hồ tiêu, con em ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) được cha mẹ cho đi học tại các trường danh tiếng của tỉnh, thậm chí vào tận TP.HCM theo học.

Khi "cơn lốc" tiêu chết, bể nợ diễn ra khốc liệt, nhiều cậu ấm cô chiêu một thời giờ đành bỏ học đi kiếm việc nuôi thân, phụ giúp gia đình.
 

Khi trẻ em ra đường kiếm cơm

Bắt đầu từ năm 2016, kể từ khi cây tiêu chết dần chết mòn, đến chết sạch, thì cuộc sống của người dân Chư Pưh đúng như lời ông bà ta nói, là "lên voi xuống chó". Đơn cử, gia đình anh Võ Lộc ở thị trấn Nhơn Hòa, anh phải lên rừng tìm sinh kế, chị thì đi xứ khác tìm việc làm, để lại 5 đứa con nheo nhóc. Nhiệm vụ trông các em được giao cho thằng con lớn nhất mới học lớp 8, nhưng vì đói quá, nó cũng bỏ học, bỏ nhà bỏ cửa vào miền Nam.

18-37-08_nh_nguoi_dn_lo_lng_cho_tuong_li_con_em_minh_6
Người dân lo lắng cho tương lai con em mình

Em Kpuih Sinh (SN 2002, trú làng Plei Thơ Ga B), cựu học sinh trường THCS Kpă Klơng kể rằng, trước đây nhà trồng 2.000 trụ tiêu, cuộc sống rất khấm khá, anh chị em đều được đi học. Tuy nhiên, giờ đây vườn tiêu chỉ còn 80 trụ còi cọc, Kpuih Sinh phải bỏ học khi vừa bước vào lớp 8, hai đứa em cũng vậy, đều theo cha mẹ lên nương rẫy. Khi được hỏi, mấy đứa còn bé thế thì lên nương rẫy làm được gì, Kpuih Sinh hồn nhiên: "Tụi em giúp cha mẹ tưới cây, làm cỏ, nhặt củi cũng được mà. Lúc em bỏ học, lớp của em có 7 đứa khác cũng nghỉ theo".

Tại thôn Hòa Lộc (xã Ia Phang), khi cơn lốc tiêu chết kéo qua, gia đình bà Phan Thị Hoa (SN 1961) và gia đình người em gái nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng. Cách đây 2 năm, khi cha mẹ bất lực trong việc tìm kế mưu sinh, hai đứa con trai của hai chị em bà Hoa là Nguyễn Đồng, Huỳnh Truyền (đều học lớp 10A1 trường PTTH Nguyễn Thái Học) bỏ học để dắt nhau vào TP.HCM kiếm việc.

Đồng cho biết, ngày em quyết định nghỉ học, trường em lúc đó có đến 10 đứa nghỉ theo. Thế là, đám nhóc đồng lòng bắt xe Nam tiến, để sau lưng là những người cha, người mẹ nước mắt lưng tròng. Hiện tại, những con sáo nhỏ này đang làm việc tại 1 xưởng may tư nhân ở quận Tân Bình, từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới được nghỉ. Thu nhập sau khi trừ ăn uống, ngủ nghỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng.

18-37-08_nh_su_nghiep_gio_duc_o_thu_phu_ho_tieu_dng_gp_rt_nhieu_kho_khn
Sự nghiệp giáo dục ở thủ phủ hồ tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn
Bà Ngô Thị Lúa (SN 1963) nào phải là loại lười biếng gì cho cam khi mà suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời để các con được học hành tử tế. Ngày mà giá hồ tiêu ở đỉnh cao, vợ chồng bà luôn đặt hi vọng thằng cu út Trần Văn Lộc (SN 1999) sẽ được học hành tại những trường tốt nhất nên đâu có cho nó làm gì.
Tuy nhiên, cách đây 3 năm, nó quyết định bỏ học để Nam tiến với chúng bạn, cái bụng bà dù chẳng muốn nhưng cũng không thể cản ngăn. "Tội nghiệp, nó là thằng công tử bột, hồi nào chỉ biết học hành vui chơi mà giờ cả ngày phải làm toàn việc nặng nhọc kiếm những đồng tiền ít ỏi nuôi gia đình, đau lòng quá chú ơi", bà Lúa nói.

"Hồi mới vào, tụi em từng bị lừa quỵt tiền công, phải trải qua nhiều công việc vô cùng nặng nhọc song giờ thì cũng ổn rồi. Do phải làm việc cả ngày nên tụi em không có thời gian tiêu tiền nên cũng có chút đỉnh gửi về phụ giúp cha mẹ", cậu bé với gương mặt búng ra sữa hồn nhiên kể.
 

Lan rộng hiệu ứng domino

Hơn 5 năm đổ về trước, huyện Chư Pưh này có rất nhiều người giàu và nơi đây cũng tập trung nhiều gia đình hiếu học. Thời đỉnh cao của hồ tiêu, ở đây có rất nhiều gia đình thu nhập tiền tỷ/năm, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền.

Thậm chí, vài hộ gia đình góp tiền làm con đường tiền tỷ để dễ vận chuyển nông sản hay chuyện nhiều xe hơi của phụ huynh tập trung đón con trước cổng trường không có gì là lạ.

Thời đó, người dân thường cho con lên TP Pleiku, qua TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) hay vào TP HCM để học những ngôi trường tên tuổi, có khi các em đi từ năm học lớp 5.

Giờ đây, ở địa phương này có 6 trường hợp cha mẹ vì bể nợ hồ tiêu đã xin cho con em họ được chuyển trường cũng như gửi con về quê để người thân chăm sóc.

Theo ông Nguyễn Viết Thuận, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh, ngay từ năm 2015, khi hồ tiêu bắt đầu chết hàng loạt khiến nhiều gia đình bể nợ, phòng đã chủ động triển khai hỗ trợ học sinh hòng duy trì sĩ số.

Chẳng hạn, các khoản đóng góp hầu như đều miễn giảm, nhà trường còn giúp đỡ các em về sách vở, bút mực. Còn về tinh thần thì cán bộ, giáo viên được cử đến tận các gia đình không may bể nợ để động viên phụ huynh.

"Chúng tôi đi vận động, gặp gỡ giao lưu để những gia đình này không còn mặc cảm, tự ti khi từ đại gia đi xe hơi giờ trắng tay, để họ quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình.

Còn tại trường, chúng tôi quán triệt giáo viên phải lưu ý các trường hợp này, cần phải dìu dắt để các em vượt qua nghịch cảnh, quên đi mặc cảm", ông Thuận nói.

18-37-08_nh_em_nguyen_dong_ke_ve_thng_ngy_co_cuc_muu_sinh_ti_si_gon_2
Em Nguyễn Đồng kể về tháng ngày cơ cực mưu sinh tại TP.HCM

Cũng theo ông Thuận, huyện cũng đã chủ trương mở rộng giáo dục hướng nghiệp để sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở mà không có điều kiện đi học cao hơn, các em vẫn có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề, để có cơ hội mưu sinh. Tại các cuộc họp của huyện, ai cũng góp 1 tiếng nói mong có chính sách khoanh nợ, miễn lãi, để người dân có cơ hội gượng dậy, con em họ yên tâm học hành.

"Tôi rất buồn bởi mới đây thôi, nhiều con em của huyện đã vung cánh tung bay tại nhiều trường học danh tiếng khắp cả nước. Giờ đây, các em vừa học văn hóa, vừa học nghề, kiếm miếng cơm manh áo, thấy xót xa làm sao. Nếu tình hình không thay đổi, tôi rất lo lắng cho giáo dục huyện nhà", ông Thuận bộc bạch.

Còn ông Ngô Xuân Tiến, Hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Thái Học thì xác nhận, có chuyện từ năm 2016 đến nay, nhiều học sinh của trường phải bỏ học giữa chừng để vào Nam mưu sinh, chuyển sang học hệ giáo dục hướng nghiệp, thậm chí nữ sinh phải bỏ học giữa chừng để đi lấy chồng.

Do ở huyện chỉ có 1 trường cấp III nên chuyện này dễ lắm, bởi mỗi năm, trường đều căn cứ vào số học sinh tốt nghiệp cấp II để lập chỉ tiêu xét tuyển lớp 10. Theo đó, năm ngoái, danh sách học sinh lớp 9 là 700 em, trường đã ra chỉ tiêu là tuyển 630 em nhưng kết quả chỉ tuyển được 530 em. Ông Tiến cũng có cảm giác xót xa, xen lẫn lo lắng cho tương lai sự nghiệp giáo dục huyện nhà.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, hiện có hơn 5.547ha hồ tiêu bị chết vì bệnh, dịch với 32.278 hộ. Tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỉ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó có khoảng 2.200 tỉ là nợ xấu. 

Bên cạnh đó, giá tiêu tụt thê thảm khiến nhiều hộ dân vay tiền trồng loại nông sản này không có khả năng trả nợ ngân hàng, đã bỏ quê đi làm ăn xa để trốn nợ.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.