| Hotline: 0983.970.780

Hồi ký Võ Nguyên Giáp làm sao phân định quyền tác giả?

Thứ Tư 17/03/2021 , 20:39 (GMT+7)

Hồi ký Võ Nguyên Giáp gồm nhiều cuốn sách có giá trị lịch sử, đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục đến với bạn đọc, vì vướng mắc quyền tác giả.

Bộ hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp đang tạm ngưng phát hành vì rắc rối bản quyền.

Bộ hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp đang tạm ngưng phát hành vì rắc rối bản quyền.

Hồi ký Võ Nguyên Giáp trọn bộ có độ dày 1358 trang, thì phần do nhà văn Hữu Mai thể hiện chiếm 1136 trang. Lâu nay, hễ nhắc đến hồi ký Võ Nguyên Giáp thì công chúng nhớ ngay công ghi chép của nhà văn Hữu Mai.

Để có được hồi ký của vị đại tướng lừng lẫy nhất lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, nhà văn Hữu Mai đã dành 30 năm cặm cụi gặp gỡ, hỏi chuyện trực tiếp và tìm kiếm tư liệu liên quan đến nhân vật huyền thoại. Những cuốn sách tiêu biểu trong hồi ký Võ Nguyên Giáp có thể kể đến “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường đến Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”.

Hồi ký Võ Nguyên Giáp không chỉ phác thảo tương đối đầy đủ cuộc kháng chiến chống Pháp, mà còn hình thành tình bạn đặc biệt giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai. Khi đại tướng còn tại thế, những hồi ký ngoài việc ghi “Hữu Mai thể hiện”, ông Võ Nguyên Giáp còn chia nhuận bút cho ông Hữu Mai theo tỷ lệ 50/50.

Bây giờ, cả đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai đều đã khuất núi. Giữa hai ông không hề có bất kỳ gieo kèo nào về bản quyền bằng giấy trắng mực đen. Mới đây, Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông đã in lại “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” với sự đồng thuận của đại diện gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông Võ Điện Biên. Cảm thấy bản quyền của cha mình đã bị tước đoạt, các con của nhà văn Hữu Mai đã phản ứng, khiến Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông phải tạm ngừng phát hành và đơn phương chấm dứt hợp đồng xuất bản với ông Võ Điện Biên.

Nhà văn Hữu Mai (1926-2007) đã dành 30 năm để thực hiện bộ hồi ký Võ Nguyên Giáp.

Nhà văn Hữu Mai (1926-2007) đã dành 30 năm để thực hiện bộ hồi ký Võ Nguyên Giáp.

Con trai của nhà văn Hữu Mai là ông Trần Hữu Bình (bút danh Bình Ca, tác giả “Quân khu Nam Đồng” và “Đi trốn) cho biết: “Theo luật Sở hữu trí tuệ, cha tôi và đại tướng là đồng tác giả các cuốn hồi ký này. Từ khi hai ông mất, anh Võ Điện Biên- đại diện gia đình đại tướng đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả. Anh Võ Điện Biên không đồng ý ký vào hợp đồng xuất bản nếu trong đó có đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai. Vì vậy các nhà xuất bản không thể in sách khi thiếu chữ ký cho phép của một trong hai đồng tác giả theo luật định”.

Hồi ký Võ Nguyên Giáp thực sự rất khó phân định bản quyền một cách rạch ròi. Bởi lẽ, giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai không chỉ là quan hệ giữa người kể và người ghi, mà còn là quan hệ đồng chí gắn bó. Không có sự thấu hiểu và sự chia sẻ giữa đại diện gia đình hai bên, thì gần như khái niệm “đồng tác giả” không thể giải quyết.

Về mặt định danh, tác giả của hồi ký chính là nhân vật. Tự viết hoặc thuê người viết là thái độ hành xử riêng của nhân vật, với tư cách tác giả chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin do mình đưa ra. Nhân vật đứng tên trên hồi ký, còn tên người thực hiện chỉ ghi với ý nghĩa “lạc khoản”. Thông lệ là vậy, bởi độc giả chỉ định vị hồi ký đúng với nhân vật kể lại đời mình.

Trong vài năm gần đây, hồi ký hay tự truyện được xuất bản rất nhiều, với phần bản quyền được xác lập cụ thể hơn. Hoặc nhân vật trả tiền một lần cho người viết, hoặc nhà xuất bản trả tiền một lần cho nhân vật, còn bản quyền cho các lần in dù nối bản hay tái bản đều thuộc về người viết.

Với hồi ký Võ Nguyên Giáp, không ai có thể khẳng định chắc chắn nhà văn đã viết theo “đơn đặt hàng” của đại tướng, hay đại tướng gợi ý “đồng tác giả với nhà văn. Rắc rối nảy sinh ở đây, bởi lẽ đại tướng có cả đội ngũ thư ký và giúp việc. Liệu những người bên cạnh đại tướng có tham gia vào quá trình biên soạn hồi ký hay không, lại là câu chuyện khác. Ông Võ Điện Biên cho rằng cha mình - đại tướng Võ Nguyên Giáp được phép đứng tên duy nhất trên hồi ký, cũng không quá khó lý giải.  

Nhà văn Trần Hữu Bình - bút danh Bình Ca, con trai của nhà văn Hữu Mai.

Nhà văn Trần Hữu Bình - bút danh Bình Ca, con trai của nhà văn Hữu Mai.

Nếu vì tranh chấp giữa những người thừa kế, mà hồi ký Võ Nguyên Giáp không thể đến với bạn đọc, thì cũng là sự ngậm ngùi đáng tiếc.

Nhà văn Trần Hữu Bình tâm sự: “Vì câu chuyện liên quan đến cha tôi và đại tướng nên gia đình chúng tôi đã cân nhắc và suy nghĩ về vấn đề này rất thận trọng, trong một thời gian dài. Chúng tôi nhận thấy với một nhà văn, điều quan trọng nhất là tác phẩm được đến tay bạn đọc. Hơn nữa, bộ hồi ký của đại tướng có thể coi là bộ sử thi về cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc, là tài liệu cho các thế hệ sau tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của đất nước, nếu không được in ra nữa thì thật đáng tiếc.

Thời gian tới, nếu sự việc tiếp tục lặp lại, liệu chúng tôi có nên coi như không biết (đồng nghĩa với việc chấp nhận loại bỏ quyền tác giả của cha tôi) để bộ hồi ký tiếp tục được tái bản? Nhưng nếu chỉ vì mong muốn những cuốn sách cha viết đến được với bạn đọc mà bắt ông bỏ đi cái quyền duy nhất của người cầm bút là “quyền tác giả” liệu có đúng không? Vì vậy, dù rất thiện chí và mong muốn bộ hồi ký của Đại tướng được tiếp tục in, nhưng gia đình chúng tôi cho rằng nó phải được phát hành theo đúng quy định của pháp luật, và tôn trọng quyền tác giả của nhà văn”.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.