Tuy nhiên, bên cạnh những trang diêm dúa vuốt ve bản thân, thì lắm lúc những chi tiết trong tự truyện lại ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm người khác. Cuốn tự truyện “Phút 89” của cầu thủ Công Vinh vừa ra mắt, đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Cần phải hiểu vấn đề pháp lý trong tự truyện như thế nào, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn kiêm luật gia Trần Đình Thu - tác giả của hai cuốn sách khá đình đám một thời “5 năm hầu toà của một nhà văn” và “Giải mã nghi án TTKH”.
Đạo diễn kiêm luật gia Trần Đình Thu |
Thưa đạo diễn - luật gia Trần Đình Thu. Gần đây, những người nổi tiếng đua nhau xuất bản tự truyện với màu sắc chủ yếu “đẹp khoe xấu che” và “mình tốt họ xấu”. Theo anh, xu hướng này đáng cổ vũ hay đáng lo ngại?
Xuất bản tự truyện nói chung là điều nên khuyến khích, vì thông qua những tự truyện đó, bạn đọc có thể học được những bài học cuộc đời của tác giả hoặc có những tư liệu sống động quý giá.
Nhưng với điều kiện là người viết phải trung thực, có thể “tốt khoe xấu che” cũng tạm chấp nhận nhưng không được “mình tốt họ xấu”. Nếu “mình tốt họ xấu” thì là một trào lưu quá nguy hiểm.
Tự truyện nhằm nói chuyện bản thân, nhưng nhiều chi tiết nhạy cảm lại liên quan một số đối tượng khác. Có nên nhân danh sự thật để tung ra những điều tiếng không thể kiểm chứng có ảnh hưởng đến danh dự người khác?
Hồi ký hay tự truyện là một thể loại cận văn học, nó cũng phải đảm bảo các yếu tố chân thiện mỹ như văn học, dù yêu cầu thấp hơn. Về mặt nội dung, nó chủ yếu nói chuyện của mình chứ không phải nói chuyện của người. Tác giả chỉ có thể nói chuyện của người khi mà chuyện đó không liên quan đến nhân phẩm danh dự của người. Thí dụ về tình yêu, thì chỉ có quyền nói đến những điều gì mà không ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư cũng như danh dự của đối tượng. Đây không chỉ là yêu cầu với tác giả mà còn là yêu cầu với nhà xuất bản, nơi cấp giấy phép cho việc in hồi ký hay tự truyện ấy.
Trong những trường hợp cụ thể, cái gọi là sự thật chỉ có hai người chứng kiến là tác giả tự truyện và nhân vật còn lại. Nếu muốn làm sáng tỏ điều này thì cần những động thái gì?
Tôi cho rằng những chuyện chỉ có 2 người biết mà ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự của người ta thì không thể cho phép tồn tại trong tự tuyện với bất cứ lý do gì. Nếu muốn làm rõ thì hãy viết đơn yêu cầu gửi đến các cơ quan chức năng để họ làm rõ. Còn tự truyện không phải là nơi để làm chuyện đó.
Khi chi tiết tự truyện mang tính xúc phạm danh dự cá nhân, thì tính pháp lý phải được xác minh như thế nào?
Trước hết, nếu sách in theo giấy phép của nhà xuất bản thì cần phải dừng phát hành, cho thu hồi toàn bộ. Đó là mặt quản lý văn hóa phẩm. Về trách nhiệm, vấn đề xúc phạm danh dự nhân phẩm sẽ bị xử lý hình sự và đền bù thiệt hại. Tác giả và người có thẩm quyền cấp giấy phép đều phải liên đới chịu trách nhiệm.
Người được nhắc đến trong tự truyện, có thể khởi kiện tác giả tự truyện không?
Cần gửi đơn đến cơ quan công an chứ không phải khởi kiện ra tòa. Vì khởi kiện ra tòa chỉ giải quyết vấn đề đền bù thiệt hại, không giải quyết được vấn đề trừng phạt người vi phạm. Cần lưu ý xúc phạm danh dự nhân phẩm là một hành vi tội phạm, không phải là hành vi dân sự.
Nếu người được nhắc được viết tắt tên tuổi, nhưng độc giả vẫn nhận ra họ thì vẫn tiến hành thủ tục khởi kiện chứ?
Viết tắt nhưng “ai cũng biết đó là ai” thì cũng vi phạm, nên cũng cần phải tố cáo để cơ quan công an điều tra xem xét.
Cuốn tự truyện "Phút 89" của Lê Công Vinh |
Để bảo đảm biên độ an toàn pháp lý, theo anh, người viết sự truyện nhất định phải có phương pháp ứng xử như thế nào với những thông tin không ít hằn học mà mình trút xuống trang giấy?
Đơn giản là tâm thế khi viết. Anh viết để giãi bày cuộc đời mình thay vì viết để trả thù.
Trân trọng cảm ơn anh!