Ngày 28/12, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V và tổng kết công tác nhiệm kì IV (2017-2022), phương hướng hoạt động nhiệm kì V (2022-2027) .
Năm 2022, Hội Nghề cá Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, chức năng trong bối cảnh nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến tiêu thụ thủy hải sản gặp nhiều khó khăn bởi: thiên tai; dịch bệnh Covid -19; rào cản trong công tác tháo gỡ thẻ vàng IUU; tranh chấp thương mại về tôm, cá tra; giá đầu vào và đầu ra biến động liên tục, nhất giá xăng dầu, ngư cụ, con giống, thức ăn, thuốc…
Các yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt, sản xuất của người ngư dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Nhằm giải quyết những khó khăn đối với nuôi trồng thủy sản như dịch bệnh bùng phát, thiếu vốn đầu tư, rào cản về thị trường tiểu thụ sản phẩm nhất là đối với tôm, cá tra - basa, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn trao đổi thảo luận, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người nuôi, đồng thời kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các Bộ ngành liên quan có chính sách, giải pháp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản.
Các cấp Hội Nghề cá Việt Nam đã tích cực tham gia tổ chức hoạt động khai thác và hậu cần dịch vụ nghề cá với nhiều phương thức, mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó chú trọng việc tổ chức đánh cá theo tổ đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như khi gặp sự cố trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong hoạt động tổ chức đánh bắt, Hội tham gia xây dựng và tổ chức trên 4.000 tổ đội sản xuất trên biển với gần 32.000 tàu cá và gần 200.000 ngư dân tham gia, phối hợp tuyên truyền để ngư dân lắp đặt 27.700 thiết bị giám sát tàu cá/30.600 tàu cá khai thác xa bờ.
Kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015 NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014, tham gia hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, làm việc với Liên minh châu Âu về cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản tại Việt Nam (IUU), tham gia đóng góp ý kiến Tổ công tác 689 của Chính phủ nhằm đưa chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, Hội Nghề cá Việt Nam đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động này. Hội Nghề cá Việt Nam và các tổ chức của Hội đã có nhiều cuộc làm việc với các tổ chức quốc tế (IDH, Oxfam, Đài Loan, Nhật, Indonesia, Singapore, Mỹ, EU...) bàn về hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ về thủy sản, sản xuất giống, chế phẩm sinh học, hợp tác an toàn cho ngư dân đánh cá trên biển, bảo vệ môi trường biển. Hội đã chủ động và có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng và phổ biến các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nuôi thuỷ sản bền vững như Global GAP, Viet GAP, HACCP.
Thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những thành tựu của Hội Nghề cá Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Theo Thứ trưởng, trong nhiệm kì vừa qua, Hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mặc dù phải đối mặt với nhiều vấn đề như: chủ quyền biển đảo, IUU, chuyển giao khoa học - công nghệ...
Trong nhiệm kì mới Thứ trưởng mong muốn Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục bám sát, phối hợp với các cơ quan Trung ương, ban ngành nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản. Cán bộ công tác trong Hội Nghề cá Việt Nam cần phải sâu sát, nắm bắt được tâm tư, khó khăn của người ngư dân từ đó đưa kiến nghị lên Hội, trình các cơ quan nhằm cải thiện cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn.