| Hotline: 0983.970.780

Không để ngành chăn nuôi bị phá hoại từ bên ngoài

Thứ Ba 17/10/2023 , 14:00 (GMT+7)

Đồng tình với các ý kiến tại Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Chiều 17/10, Bộ NN-PTNT tổ chức ‘Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững’ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian vừa qua vẫn diễn ra phức tạp. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường cung cấp giống gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan ở trong nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm...

Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có loạt bài Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi được khởi đăng từ ngày 12/9/2023, bao gồm cả phóng sự truyền hình và bài điều tra.

Bộ NN-PTNT liên tiếp ban hành 6 văn bản gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội đề nghị vào cuộc, phối hợp để ngăn chặn thực trạng mà báo phản ánh.

Bắt đầu từ đây, lực lượng chức năng của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… đã vào cuộc quyết liệt hơn, qua đó bắt giữ và xử lý nhiều vụ buôn lậu gia cầm, nhất là gia cầm giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo đó, chiều nay (17/10), Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững”. Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Quốc phòng, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính, các tỉnh biên giới, các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi và khoảng 50 cơ quan báo chí.

Hình ảnh tại đầu cầu Bộ NN-PTNT, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Hình ảnh tại đầu cầu Bộ NN-PTNT, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Tất cảTổng thuật

17 giờ 00 phút

Không để ngành chăn nuôi bị phá hoại từ bên ngoài

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài.

Đồng tình với ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài. Thứ trưởng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 26,7% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng 4,5 – 6%, ngành thủy sản 4 - 8%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đang nhập trên 7 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo chỉ hơn 4 tỷ USD.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề tự chủ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một nền công nghiệp thức ăn tập trung vào nguyên liệu. Bên cạnh đó, muốn có giá trị gia tăng cao, sản phẩm ngành chăn nuôi cũng cần có công nghiệp chế biến sâu.

Nói thêm về các yếu tố để ngành chăn nuôi bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc đến mục tiêu giảm phát thải theo cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 và yếu tố đẩy mạnh khoa học công nghệ. Thứ trưởng cũng lưu ý, hoạt động chăn nuôi thua lỗ là vấn đề nghiêm trọng. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực chủ lực trong ngành nông nghiệp nhưng sức chống đỡ yếu ớt, ảnh hướng đến sức cạnh tranh. Nếu tiếp tục tình hình này, Việt Nam sẽ khó thu hút được các doanh nghiệp FDI chăn nuôi đầu tư.

“Một hệ lụy khác từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về phía các địa phương, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần: làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm trước ngành, doanh nghiệp, người dân.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh ”trâu bò lậu, lợn lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển”. Do đó, đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hằng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước. Bộ NN-PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoạt động có hiệu quả.

16 giờ 35 phút

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Công tác phòng chống buôn lậu còn hạn chế

dai ta nguyen van hiep

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng khẳng định quyết tâm chính trị cao của lực lượng làm công tác kiểm soát liên quan đến vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm.

Ông Hiệp cũng khẳng định công tác đấu tranh chống buôn lậu không hề đơn giản do phạm vi kiểm soát, quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp, do vậy cần có cái nhìn đa chiều hơn trong vấn đề này. Chỉ huy lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của bộ đội biên phòng cho biết công tác đấu tranh chống buôn lậu gia cầm, gia súc đã chuyển biến nhiều, hạn chế tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nêu các nguyên nhân của vấn đề này như xuất phát từ yếu tố kinh tế, công tác quản lý ở tất cả các ngành liên quan, phối hợp giữa các ngành chưa thực sự hiệu quả, nhận thức xã hội còn yếu kém với tâm lý chủ quan, coi thường bệnh tật…

Từ đó, ông Hiệp kiến nghị tất các các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, tập trung chống buôn lậu song ngành chăn nuôi và thú y cần có giải pháp căn cơ như xây dựng các trang trại lớn, quy mô công nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để giải quyết tình trạng nhập lậu này. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các ngành và nâng cao vai trò của truyền thông về tác hại của sản phẩm nhập lậu cũng như đấu tranh chống buôn lậu.

16 giờ 25 phút

Ngành công an kiên quyết xử lý nạn buôn lậu gia súc, gia cầm

thieu tuong bui trong the

Thiếu tướng Bùi Trọng Thế (ảnh), Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm thời gian qua hết sức phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,45 triệu con gia súc gia cầm (giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022). Trong thời gian qua, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã bắt giữ 31 vụ vi phạm liên quan tới kinh doanh và vận chuyển gia cầm nhập lậu, xử phạt hành chính hơn 214 triệu đồng, thu tiêu hủy trên 100.000 con giống gia cầm các loại.

Tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã bắt 3 vụ với trên 50.000 con giống gia cầm các loại, trên 19.000 quả trứng. Tại Long An, Công an Long An đã bắt giữ 2 vụ, khởi tố 4 đối tượng có hành vi buôn lậu trên 50 con lợn, trị giá trên 188 triệu đồng. Tại Tây Ninh bắt 7 đối tượng nhập lậu trên 50 con bò, trị giá trên 300 triệu đồng.

Theo Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, hoạt động buôn lậu, gia súc, gia cầm, con giống trái phép qua biên giới làm tăng nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, sức khỏe người dân...

Nguyên nhân của tình trạng này là do càng về cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao, nguồn cung con giống trong nước hạn chế, giá bán có sự chênh lệch. Khu vực biên giới có địa hình phức tạp dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý. Việc kiểm soát chất lượng con giống tại các chợ đầu mối chưa tốt, ý thức của bộ phận người dân chưa cao...

Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục đối diện với những khó khăn do tình hình thế giới diễn biến khó lường, biến đổi khí hậu, năng lực phục vụ của các cơ sở trong nước chưa đảm bảo... Do đó, các bộ ngành, địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ cho hoạt động chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung trong nước, xây dựng chiến lược chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững.

Bên cạnh đó, ngành công an và các lực lượng liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý hoạt động buôn bán, động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

16 giờ 15 phút

Vấn đề nhập lậu gia cầm chưa được đánh giá đúng tính chất

ong nguyen xuan duong

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, mong sớm có giải pháp, hành động thực sự kiểm soát tình hình, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển lành mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để phát triển chăn nuôi bền vững phụ thuộc vào các yếu tố: Kiểm soát thật tốt dịch bệnh, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt môi trường, tổ chức các chuỗi liên kết chăn nuôi tuần hoàn trong các ngành hàng gia cầm, trứng, sữa.

Theo ông Dương, nếu các bên liên quan và địa phương siết chặt kiểm soát, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngành chăn nuôi sẽ phát triển bền vững. “Sau dịch Covid-19, cơ cấu chăn nuôi trong nước đã có nhiều thay đổi. Đây là quy luật tất yếu, kiểm soát tốt chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại nhỏ lẻ đảm bảo sinh kế của người nông dân là vấn đề cần được các Bộ, ban, ngành quan tâm”, ông Dương nói.

Lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng một trong những vấn đề cốt lõi là kiểm soát nhập lậu. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đánh giá hết và đúng tính chất. “Đây là vấn đề lớn, tác động đến toàn bộ các yếu tố của chăn nuôi bền vững. Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó, hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa”, ông Dương nói.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nói điều ông lo ngại nhất là chúng ta chưa thấy được tầm quan trọng của kiểm soát nhập lậu. Dù biết đây là việc rất khó và phức tạp vì ngay ở khâu nhận thức chưa đầy đủ, nhưng không có cách tiếp cận phù hợp, không có sự phối hợp thường xuyên chặt chẽ giữa các địa phương, Bộ, ngành thì không bảo vệ được ngành chăn nuôi nước nhà.

Song hành với việc nhập khẩu, khâu kiểm soát nội địa cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, công tác kiểm tra biên giới và kiểm soát nội địa phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các Bộ/ngành, Ban chỉ đạo 389 đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng hành động thực chất thì chưa có sự quyết liệt.

“Chưa bao giờ tôi thấy lo cho người chăn nuôi nhỏ lẻ như lúc này, rất mong Bộ NN-PTNT, các Bộ, ban, ngành sớm có giải pháp, hành động thực sự kiểm soát tình hình, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển lành mạnh”, ông Dương kiến nghị.

16 giờ 00 phút

Ngành chăn nuôi chưa bao giờ lao đao như hiện tại

ong nguyen thanh son

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu cũng bị thua lỗ nặng nề như hiện tại.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, 2 năm qua ngành chăn nuôi phải “gồng mình” vượt qua khó khăn do khủng hoảng thị trường, hậu Covid-19, diễn biến địa chính trị. “Trong bối cảnh đó, tình trạng nhập lậu khiến cho thị trường trong nước còn khó khăn hơn. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu cũng bị thua lỗ nặng nề như hiện tại”, ông Sơn nói.

Cuối tháng 4/2023, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm. Sau đó, Bộ đã có công điện chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập lậu gia cầm và sản phẩm chăn nuôi khác. Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông mạnh hơn nữa về phòng chống buôn lậu, trong đó Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị tiên phong. Sau phản ánh của báo, thị trường chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực hơn.

“Qua báo cáo của Cục Thú y, chúng tôi kết luận từ góc nhìn của doanh nghiệp như sau:Tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực giáp biên; Lâu nay đã tồn tại đường dây buôn lậu lớn với các ngành hàng lợn, gia cầm, bò; hậu quả của buôn lậu với ngành gia súc, gia cầm là rất nặng nề như gây ra dịch bệnh, phá vỡ thị trường trong nước”, ông Sơn cho biết.

15 giờ 50 phút

Đa số trâu bò nhập lậu đến từ cư dân biên giới

“Về phía Campuchia, cách biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng khoảng 2 km có một điểm thu gom trâu bò hoạt động mang tính chất như chợ địa phương (thuộc xã Chàm, huyện Kumpong Trabek, tỉnh Prey Veng), là nơi người dân Campuchia trao đổi, mua bán trâu bò với nhau. Mỗi ngày tập trung tại đây khoảng vài chục con, các trường hợp trâu bò nhập lậu trên địa bàn huyện Tân Hưng đa số có nguồn từ chợ này”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết.

Long An có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây Veng, Vương quốc Campuchia với tổng chiều dài 133 km (trong đó có hơn 43 km biên giới đường sông) qua 20 xã của 6 huyện, thị xã.

trau bo

Chợ trâu, bò tại biên giới Campuchia chỉ để bán cho thương lái Việt Nam.

Tại đây có hơn 3.200 hộ chăn nuôi trâu bò với tổng đàn hơn 22.200 con (chiếm 50,5% số hộ chăn nuôi; 73% tổng đàn trâu bò của 6 huyện biên giới); 447 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn gần 8.900 con (chiếm 39% số hộ chăn nuôi và 32% tổng đàn heo của 6 huyện biên giới). Cư dân biên giới thường có hoạt động trao đổi, mua bán động vật qua lại biên giới nhất là trâu, bò với mục đích để nuôi vỗ béo và sau đó bán vào nội địa. Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển trong tỉnh nên khó kiểm soát được việc trao đổi, mua bán, vận chuyển trâu bò giữa các địa phương trong tỉnh.

Trên các huyện biên giới hiện có có 4 cơ sở thu gom heo (trong đó có 1 cơ sở trung chuyển heo của Công ty CP Việt Nam ở huyện Thạnh Hóa) đều đang hoạt động với nguồn heo nhập vào hoàn toàn đều từ các tỉnh khác về. 2 cơ sở có đăng ký hoạt động khu cách ly/cơ sở thu gom trâu bò nhưng hiện đã ngừng hoạt động hoàn toàn.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, tình hình hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới của tỉnh có thời điểm vẫn còn xảy ra. Số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ vài con và không thường xuyên. Với phương thức, thủ đoạn hoạt động là các đối tượng là lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, các đoạn sông biên giới hẹp hoặc khu vực biên giới đất liền vắng người qua lại, móc nối với phía Campuchia và thuê mướn cư dân biên giới chia nhỏ gia súc lậu thành từng tốp 3 - 5 con để vận chuyển qua biên giới, sau đó sử dụng xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ, nhằm tránh bị phát hiện, bắt giữ.

15 giờ 30 phút

Lạng Sơn lập các chuyên án chống buôn lậu gia cầm

ong luong trong quynh

Ông Lương Trọng Quỳnh (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, xác định là địa bàn trọng điểm có buôn lậu hàng giả, các cấp các ngành của tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống buôn lậu hàng giả, thu hút doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, xử lý. Từ đầu năm đến ngày 16/10/2023, các lực lượng gồm Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, đã kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nội địa.

Cụ thể, Lạng Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 101.800 con gà vịt giống, 8.532 kg sản phẩm từ gia cầm các loại (1.732 kg chân gà, 270 kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000 kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không).

Thời gian gần đây, qua chỉ đạo nắm tình hình và thông tin phản ánh trên báo chí, tỉnh xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình.

Thủ đoạn hoạt động là lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A về các tỉnh nội địa tiêu thụ. Thủ đoạn của các đối tượng rất manh động, thậm chí còn đâm xe vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Nắm bắt tình hình, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, cấp huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Từ đó, tình hình buôn lậu xuyên biên giới đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu sẽ còn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát dọc biên giới, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan khác, lập các chuyên án, phối hợp lực lượng biên phòng xử lý tốt các trường hợp vi phạm.

15 giờ 00 phút

Năng lực sản xuất giống trong nước có thể cung ứng đủ nhu cầu

ong pham kim dang

Ông Phạm Kim Đăng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, khiến đứt gãy nguồn cung, nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt được sự tăng trưởng ổn định 4,5-6% trong 5 năm qua. Trong chăn nuôi có 3 trụ cột rất quan trọng, gồm con giống, thức ăn và môi trường.

Về con giống, ông Đăng khẳng định, năng lực sản xuất giống trong nước có thể cung ứng đủ nhu cầu. Về thức ăn chăn nuôi, hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Sản lượng thức ăn chăn nuôi hằng năm đạt khoảng 20-21 triệu tấn, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Có thời điểm giá sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng hiện nay đã giảm khá nhiều.

Về chất thải chăn nuôi, theo ông Đăng, các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn đã đầu tư vào vấn đề này, tuy nhiên các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều bất cập. Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhìn chung đàn gia súc và gia cầm phát triển ổn định. Ngoại trừ đàn trâu tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2022, các đàn vật nuôi khác đều tăng số lượng so với cùng thời điểm năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu không có vấn đề gì đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm 2023.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động rất lớn, nhưng giá thực phẩm trên thị trường lại không có nhiều biến động. Do đó có thể thấy sự phân chia lợi nhuận là chưa được đảm bảo.

Ông Đăng nhận định, trong thời gian vừa qua, thể chế ngành chăn nuôi đã được hoàn thiện; đầu tư tăng; cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh; thị trường bắt đầu phục hồi sau Covid-19; tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng; đã có sự chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có sự chuyên môn hóa cao. Có thể khẳng định dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi của chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong ngành chăn nuôi đã có măt tại Việt Nam.

Ông Đăng khẳng định, định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của nước ta trong thời gian tới phải đảm bảo 3 trụ cột chính, gồm lợi nhuận kinh tế, môi trường và xã hội.

14 giờ 40 phút

Ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu: Cần thực hiện thường xuyên, liên tục

anh dam

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Tại diễn đàn, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin: Từ phản ánh của bạn đọc, người chăn nuôi, cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian qua Báo Nông nghiệp Việt Nam đã dành nhiều thời gian, công sức thực hiện các loạt bài điều tra về nhập lậu gia súc, gia cầm.

Điển hình như loạt bài “Trâu bò lậu tràn biên giới” hay loạt bài “Thâm nhập đường dây buôn bò lậu từ Campuchia vào nội địa” tại các tỉnh Tây Nam bộ. Qua đó đã lật tẩy các mánh khóe, thủ đoạn của các đầu nậu nhằm qua mặt lực lượng chức năng, đưa gia súc lớn vào Việt Nam, bất chấp dịch bệnh, đe dọa ngành chăn nuôi trâu, bò trong nước.

Tại tỉnh Long An, chỉ riêng địa bàn xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, ống kính của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi lại được có những đêm hàng trăm con lợn thịt được vận chuyển bằng sà lan qua kênh Cái Cỏ vào Việt Nam. Thậm chí, có đầu nậu còn cung cấp cả chất cấm salbultamol cho lợn ăn kèm để tạo nạc.

Riêng đối với giống gia cầm (gà, vịt) nhập lậu, từ tháng 8/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cử nhiều nhóm phóng viên chia thành nhiều mũi để thâm nhập, bóc gỡ các đường dây vận chuyển gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Phải thừa nhận rằng, gà, vịt giống lậu đã được đưa vào Việt Nam bằng cả đường bộ thông qua các đường mòn, lối mở ở biên giới phía Bắc và đường biển từ nhiều năm qua. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng nhìn chung tình trạng nhập lậu con giống gia cầm vào nước ta không thuyên giảm, thậm có có thời điểm còn gia tăng. Số lượng vận chuyển mỗi chuyến hàng lên tới cả vạn con.

Sau khi loạt bài điều tra “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi” được khởi đăng từ ngày 12/9/2023, kéo dài nhiều kỳ bao gồm cả phóng sự truyền hình và bài điều tra trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã liên tiếp ban hành 6 văn bản gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 – Bộ Công an) và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội đề nghị vào cuộc, phối hợp để ngăn chặn thực trạng mà báo phản ánh.

Bắt đầu từ đây, lực lượng chức năng của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… đã vào cuộc quyết liệt hơn, qua đó bắt giữ và xử lý hàng loạt vụ buôn lậu gia cầm. Đặc biệt, mới đây Đồn Biên phòng Thị Hoa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) đã ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển 19.500 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, đồng thời điều tra, làm rõ hành vi của một số đối tượng liên quan.

Tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 1/10, Đồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện một người Trung Quốc chở gần 18.000 con gà giống sang vùng biển phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái để đưa sâu vào Việt Nam tiêu thụ.

z4791467276138_df7f285070eb6bc6719449d98ededd18

Lực lượng liên ngành phối hợp bắt giữ giống gia cầm lậu.

Theo ông Đảm, những nỗ lực ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, nhất là giống gia cầm của các địa phương, mà gần đây nhất là tại tỉnh Lạng Sơn đều được các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đồng hành, tuyên truyền, cổ vũ.

Thông qua các sản phẩm báo chí, truyền hình, tiếng nói của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Hội được lan tỏa đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương để cùng chung tay ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu, bảo vệ sản xuất và môi trường kinh doanh lành mạnh trong nước.

Trên cơ sở đó, ông Đảm nêu kiến nghị: Việc ngăn chặn gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các Bộ, ngành, địa phương, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vi phạm mang tính răn đe.

Đối với một số hoạt động trinh sát, đấu tranh, bắt giữ các vụ vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm nhập lậu, các lực lượng chức năng cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để ghi lại tư liệu và chủ động tuyên truyền đảm bảo tính cập nhật và minh bạch thông tin, tránh tình trạng “án đã xử” nhưng người dân không biết. Từ đó, dẫn tới sự nhìn nhận chưa đầy đủ về nỗ lực của các lực lượng chức năng và không tạo ra sự răn đe đối với các đối tượng có ý định nhập lậu gia súc, gia cầm.

14 giờ 30 phút

Hơn 200.000 tấn gia cầm nhập lậu mỗi năm

ong phan quang minh

Báo cáo về tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và công tác chỉ đạo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh động vật, ông Phan Quang Minh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 Công điện chỉ đạo cụ thể như Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; và Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NN-PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền trung và miền nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Để giải quyết tình hình trên, Cục Thú y đề nghị đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Đề nghị Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

Đề nghị Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của Hải quan.

Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.

Nhập chú thích ảnh

Lực lượng chức năng thu giữ giống gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Về phía địa phương, ông Minh kiến nghị tổ chức chỉ đạo thống kê đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc động vật nhập lậu qua biên giới; phối hợp với Cơ quan quản lý thú y địa phương truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển.

Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan lực lượng công an, quản lý thị trường, đồn Biên phòng … tại các địa phương quan tâm hơn nữa, chỉ đạo triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.