| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh bưởi Đoan Hùng

Thứ Hai 30/11/2015 , 07:15 (GMT+7)

Từ những vườn bưởi "điếc", từng sắp bị xóa sổ, vùng bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) đã hồi sinh, nhiều vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Để cứu được vùng bưởi, các cơ quan khoa học, chính quyền đã nỗ lực góp công lớn.

Bắt bệnh

Trước năm 2009, những vườn bưởi cổ thụ còn trĩu quả bỗng nhiên mấy năm liền “tịt đẻ”, chỉ có cành với lá mà chẳng ra quả.

Lúc ấy, ở vùng bưởi Chi Đám (huyện Đoan Hùng)… còn có rất nhiều lò gạch thủ công hoạt động nhả khói mù mịt, người ta thi nhau tố thủ phạm khiến bưởi không đậu quả chính là do khói là gạch.

Về sau, lò gạch thủ công được chính quyền dẹp bỏ, buộc đóng cửa, thế nhưng bưởi thì vẫn không thể ra quả. TS. Vũ Viết Hưng, Trưởng bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu Rau quả) nhớ lại, Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng lúc ấy là ông Lê Thanh Hải, đã phải cầu cứu Viện.

Tất cả cùng vào cuộc điều tra vì sao bưởi Đoan Hùng lại bỗng dung "tịt quả" như vậy. Một đề tài nghiên cứu nguyên nhân, khôi phục vùng bưởi Đoan Hùng sau đó nhanh chóng được Sở KH-CN Phú Thọ đặt hàng cho Viện triển khai.

Theo TS. Vũ Viết Hưng, với kinh nghiệm từ chương trình khôi phục thành công vùng bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), Đại Minh (Yên Bái) đã được triển khai trước đó, Viện Nghiên cứu Rau quả nhanh chóng xác định ra nguyên nhân.

Lý do bưởi Đoan Hùng không đậu quả chẳng có gì xa lạ, mà chính là do hiện tượng “tự bất tương hợp”, một hiện tượng rất đặc biệt của cây bưởi.

Theo đó, các vườn bưởi trồng thuần giống, nếu duy trì trong nhiều năm liền sẽ xảy ra hiện tượng phấn không còn khả năng nằm trên đầu nhụy để tiến hành việc thụ tinh, mà bắt buộc phải có phấn của cây bưởi khác giống mới có thể thụ tinh được.

Vùng bưởi Đoan Hùng có nhiều vườn được trồng từ những năm 1970, với hai giống bưởi chính là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân.

Sở dĩ những năm trước đây, bưởi vẫn cho quả bởi các vườn bưởi Sửu, bưởi Bằng Luân ngẫu nhiên được trồng xen với một số cây bưởi khác giống (thường là một số gốc bưởi chua). Nhờ có một số cây bưởi khác giống này, đã khắc phục được hiện tượng “tự bất tương hợp”.

Tuy nhiên khi cây bưởi có giá trị kinh tế, để cải tạo vườn, người dân đã chặt bỏ hết những cây bưởi chua khác giống, khiến các vườn bưởi chỉ còn thuần giống, vô tình khiến hiện tượng “tự bất tương hợp” xảy ra.

Để khắc phục tình trạng này, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành thí nghiệm với mô hình ban đầu 1,5 ha bưởi tại xã Quế Lâm (huyện Đoan Hùng), với các giải pháp thụ phấn bổ sung bằng phấn hoa của bưởi khác giống.

Chẳng hạn, lấy phấn hoa của các giống bưởi chua, bưởi Sửu thụ tinh cho nhụy của giống bưởi Bằng Luân hoặc ngược lại. Kết quả chỉ sau một năm tiến hành thụ phấn bổ sung, các vườn bưởi đã đậu quả trở lại.

Nhờ kết quả tại các mô hình, người dân nhiều nơi tại Đoan Hùng đã ùn ùn kéo nhau tới học tập. Đến nay, việc thụ phấn bổ sung mỗi mùa bưởi ra hoa đã trở thành một công việc quan trọng bắt buộc của các nhà vườn ở đây.

Đối với các vườn bưởi trồng mới, theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Rau quả, phải trồng xen kẽ các giống bưởi khác giống nhau. Chẳng hạn trong vườn bưởi Sửu trồng xen bưởi Bằng Luân hoặc ngược lại.

Người dân cũng có thể trồng xen các giống bưởi chua, bưởi Diễn (Hà Nội), hay bưởi da xanh vào các vườn bưởi Đoan Hùng.

Thu nhập cao

Trước năm 2010, sau 2-3 năm liền bưởi không ra quả, nhiều hộ dân bỏ bê không thèm chăm sóc, những vườn bưởi cứ thế càng thêm tàn lụi. Ước tính, đã có khoảng gần 400 ha (trong tổng số gần 1.100 ha bưởi toàn huyện) bị người dân đốn bỏ.

May mắn là cùng với sự vào cuộc của Viện Nghiên cứu Rau quả cũng như chương trình hỗ trợ khôi phục vùng bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ, đến nay nhiều diện tích bưởi vốn có nguy cơ xóa sổ trước đây đã kịp thời khôi phục trở lại.

Cùng với sự thành công trong khôi phục vùng bưởi đã có, huyện Đoan Hùng đang triển khai kế hoạch trồng mới, nâng diện tích bưởi toàn huyện ổn định khoảng 1.100 ha tại 16 xã.
Bên cạnh hỗ trợ về giống, phân bón trong chương trình khôi phục cải tạo vùng bưởi, Đoan Hùng đã chỉ đạo hệ thống khuyến nông tăng cường tập huấn, phổ biến kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho bưởi cũng như chăm sóc thâm canh, phòng trừ các bệnh nguy hiểm.

Vườn bưởi giống Bằng Luân hơn 100 gốc của hộ ông Trần Minh Lượng (thôn 3, xã Quế Lâm) những ngày này đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, quả trĩu cành trông thật thích mắt.

Từ chỗ suýt bị ông Lượng đốn bỏ, đến nay nhờ phương pháp thụ phấn bổ sung, mỗi gốc bưởi của ông cho thu hoạch ổn định từ 150 quả/cây trở lên, được các thương lái đặt hàng mua trọn gói ngay từ khi mới ra quả.

Với giá bình quân từ 20.000 – 25.000 đ/quả, ước mỗi năm trừ chi phí phân bón, công thụ phấn…, thu nhập từ vườn bưởi của ông trên 150 triệu đồng.

Ông Lượng nhớ lại, từ năm 2010, do bưởi không có quả nên gia đình ông đã trồng xen chè dưới gốc bưởi và đã suýt chặt bỏ. Nhờ có dự án khôi phục vườn bưởi và phương pháp thụ phấn bổ sung, ngay vụ bưởi 2011 – 2012, tỉ lệ đậu quả bắt đầu có kết quả bất ngờ.

Từ năm 2013, gia đình ông đã chặt bỏ hoàn toàn chè trồng xen để tập trung chăm sóc cho bưởi. Việc thụ phấn bổ sung đến nay hầu hết người dân ở đây đều đã nắm vững.

Đến mùa bưởi ra hoa, dù bận thế nào cũng phải bỏ hết, thuê thêm người thụ phấn cho bưởi. Hiện người dân đã biết tạo tán, phòng trừ các bệnh nên chất lượng, kích cỡ mẫu mã bưởi rất đẹp.

Nếu như giống bưởi Bằng Luân quả nhỏ, giá hiện chỉ khoảng 20 – 25 nghìn đồng/quả thì các vườn bưởi Sửu (tập trung diện tích lớn tại xã Chi Đám) có quả to, hình thức hơi lồi phần cuống tương tự bưởi Năm Roi, được người tiêu dùng rất ưa chuộng nên giá trị cao hơn nhiều.

Hiện thương lái đặt mua tại vườn với mức trung bình từ 50 – 70 nghìn đồng/quả, chủ yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Theo anh Nguyễn Đức Hoạch, thôn Chí 2 (xã Chi Đám), từ chỗ sắp phải chặt bỏ, nhờ thực hiện biện pháp thụ phấn bổ sung, đến nay, vườn bưởi gần 40 gốc của gia đình đã cho quả đều đặn trở lại, trung bình mỗi gốc từ 150 – 200 quả.

Tại xã Chi Đám, nhiều gốc bưởi sai quả có giá trị hàng chục triệu đồng, một số vườn chỉ khoảng 20 gốc đã cho thu nhập 200 triệu đồng.

“Vụ bưởi năm nay, mặc dù không được mùa như mọi năm nhưng với 35 gốc, gia đình tôi đã bán trọn gói cho thương lái với giá gần 100 triệu đồng”, anh Hoạch cho biết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.