| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh công trình nước sạch

Thứ Ba 30/09/2014 , 08:10 (GMT+7)

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh có công trình nước sạch nhưng vẫn phải chịu cảnh “khát nước”. 

Được đầu tư hơn 15 tỷ đồng, 7 công trình nước sạch thuộc nhóm đầu tư đợt 1 đã "sống dậy" sau một thời gian tưởng chừng bị “khai tử”.

Năm 1999, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) được đầu tư xây dựng công trình cấp nước Động Tranh, tưởng sẽ làm thỏa “cơn khát” của người dân, ai ngờ vừa đi vào hoạt động chưa bao lâu thì hệ thống cấp nước bị hư hỏng, nguồn nước mạch bị tắc, công trình không hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Được tỉnh đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng (trong đó vốn chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch - VSMTNT hơn 2,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương). Công trình đã được sửa chữa lại toàn bộ hệ thống xử lý lắng lọc, tuyến ống nước thô, xử lý rác… Thay vì đưa nước về các bể tập trung như trước, hiện nay đồng hồ nước đã được lắp đặt tận hộ dân của 3/6 xóm”.

Năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư 15 tỷ đồng tu sửa 7 công trình cấp nước nông thôn bức thiết nhất. Trong đó, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch - VSMTNT gần 12,3 tỷ đồng, hơn 3 tỷ đồng còn lại là nguồn đối ứng của các địa phương.

Dựa trên chuyến khảo sát của các chuyên gia, các công trình này được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như nhu cầu sử dụng của người dân, nguồn nước cấp ổn định, hạ tầng công trình cơ bản đáp ứng…

Trong 3 năm (2011 - 2014), Hà Tĩnh đã huy động 114.813 triệu đồng nâng cấp sửa chữa và mở rộng 19 công trình cấp nước tập trung nông thôn, 2.450 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình; 119 công trình cấp nước và vệ sinh công cộng tại các trường học, trạm y tế xã… phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ dung nước hợp vệ sinh là 3,37% đạt 90%.

Theo đó, công suất cũng tùy thuộc vào quy mô các công trình. Có thể có quy mô lớn như công trình cấp nước ở các xã Kim Lộc - Can Lộc (công suất thiết kế 450 m3/ngày đêm); xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên (800 m3/ngày đêm); xã Thái Yên - Đức Thọ (500 m3/ngày đêm).

 Hay chỉ mang tính cục bộ như ở công trình cấp nước bản Rào Tre (100 m3/ngày đêm); xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc - Can Lộc (50 m3/ngày đêm)…

Công trình cấp nước xã Bắc Sơn (Thạch Hà) được đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 640 triệu đồng. Sau khi đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình đã phát huy hiệu quả tốt.

Ông Nguyễn Hữu Vinh thôn 2, xã Bắc Sơn cho hay: “Từ khi công trình được sửa chữa, nâng cấp lượng nước rất ổn định, số hộ dân xin đăng ký sử dụng ngày càng tăng, nước trên bể chứa luôn đáp ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng cho cả thôn”.

“Trong quá trình nâng cấp, sửa chữa các công trình này, chúng tôi đã cùng địa phương thành lập tổ giám sát cộng đồng tại vùng hưởng lợi để người dân có thể tham gia dự án. Thậm chí, nhiều công trình chúng tôi đã cho sửa đi sửa lại nhiều lần, bao giờ dân đồng ý mới thôi.

Vẫn còn hàng ngàn người dân ở các địa phương trong tỉnh đang khao khát có công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Vì vậy với chúng tôi "cuộc chiến" giành lấy nguồn nước sạch cho người dân nông thôn chỉ vừa mới bắt đầu”, ông Nguyễn Hồng Quang, GĐ Trung tâm Nước sạch - VSMTNT Hà Tĩnh cho biết.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.