Nằm cách trung tâm tỉnh Yên Bái 80 km về phía Tây, thung lũng Mường Lò được biết đến là một trong bốn cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng là vùng “gạo trắng, nước trong”, địa bàn cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo riêng có. Hiện nay, nhiều hộ dân đã và đang dọn dẹp, tân trang nhà ở để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ bản sắc văn hóa.
Du lịch cộng đồng nở rộ
Khi phong trào làm du lịch cộng đồng ở khắp nơi nở rộ, chị Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) đã bàn với gia đình dùng chính căn nhà của mình để kinh doanh.
Được cả gia đình ủng hộ, chị Loan đi tham quan, học tập một số mô hình làm homestay ở Sơn La về áp dụng. Năm 2015, chị sửa sang, trang trí 2 ngôi nhà sàn để đón khách du lịch. Để homestay gần gũi với thiên nhiên, chị Loan tận dụng đá cuội đắp tường rào và lối đi trong sân, vườn. Không gian trong nhà sàn được trang trí bằng vải hoa văn thổ cẩm tạo cảm giác ấm cúng, mộc mạc. Xung quanh nhà được trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan thoáng mát; giữa ao nhỏ xây dựng một chiếc chòi lá để du khách có thể ăn uống, thư giãn.
Chị Loan chia sẻ, năm đầu mới mở, lượng khách đến rất thưa thớt vì chưa nhiều người biết. Sau đó, nhờ chú trọng việc giới thiệu trên mạng xã hội facebook, zalo và ngành chức năng của thị xã hỗ trợ quảng bá nên lượng khách đến ngày càng đông hơn.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở du lịch cộng đồng của chị Loan đón hơn 3.000 lượt khách, trong đó khoảng 2.000 lượt khách nước ngoài, chủ yếu ở các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan… Khi đến đây, khách du lịch sẽ được phục vụ các món ăn đậm vị đặc trưng ẩm thực của bà con người Thái như cá suối nướng, măng rừng, rau rừng, thịt lợn, thịt trâu sấy gác bếp.
Ngoài ra, homstay cũng có xe đạp để khách tự lái trải nghiệm bản làng, tìm hiểu nếp sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Những buổi tối tại homestay, du khách được nhâm nhi bên li trà, ống cơm lam và thưởng thức các tiết mục văn nghệ múa xòe độc đáo, hấp dẫn bên nhà sàn.
Theo chị Loan, thời gian đầu đón khách nước ngoài, chị lo lắng họ không vừa lòng. Nhưng thực tế, họ chỉ cần người dân ở đây sống theo đúng nếp văn hóa của dân tộc mình. Ăn uống cũng vậy, mình có món gì thì làm món đó. Những ngày lưu trú tại homestay, họ được trải nghiệm từ ăn uống và thưởng thức văn hóa văn nghệ, đa phần khách du lịch hài lòng, vì thế lượng khách ngày càng đông. Những hôm đông khách, chị Loan phải giới thiệu đến các cơ sở lưu trú khác trong bản.
Hấp dẫn du khách bởi các lễ hội và món ăn dân tộc Thái
Nghĩa Lộ là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái. Ở đây, đồng bào người Thái chiếm gần 50% dân số, các bản làng vẫn mang vẻ nguyên sơ với những nếp nhà sàn, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian, những điệu dân ca, dân vũ độc đáo, nổi bật là những điệu xòe mê đắm lòng người.
Đến với Nghĩa Lộ, du khách sẽ được tham dự những loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo như: lễ hội Xên bản xên mường (cúng bản cúng mường) nhằm tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò; hội Hạn khuống (một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái đối đáp giao duyên); hội Lồng tồng (xuống đồng), một sinh hoạt độc đáo của cư dân lúa nước.
Ông Chu Văn Luật, chủ cơ sở homestay ở bản Đêu (xã Nghĩa An) cho biết, những năm gần đây, các mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương phát triển mạnh. Chung xu thế đó, gia đình ông Luật đã đầu tư làm mới nhà cửa, khuôn viên, trang trí không gian nghỉ dưỡng. Hiện nay, với 12 phòng, khu nghỉ dưỡng homestay của gia đình ông có thể đón tiếp hơn 20 khách nước ngoài, từ 40 - 50 khách trong nước.
Ngoài ra, gia đình ông Luật còn tổ chức nhiều hoạt động tham quan, giới thiệu về vùng đất Mường Lò; giới thiệu phong tục tập quán của đồng bào Thái đen. Tổ chức các tour dẫn khách tắm suối khoáng nóng, thưởng thức các món ăn dân tộc đa dạng, phong phú với những món ăn như: xôi ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, thịt lợn chua rang, gỏi thịt lợn, cơm lam…
Mỗi món ăn có vị ngon riêng, phản ánh sự đa dạng, đậm đà hương sắc núi rừng Tây Bắc. Trong điệu hát mời rượu, khách du lịch còn được hòa mình với những điệu xòe cổ của các cô gái người Thái thướt tha bên chiếc khăn piêu thể hiện tình cảm mến khách của người vùng cao.
Du lịch xanh, bền vững
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo, hiện nay Nghĩa Lộ đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng hướng về người dân, để vừa giảm tải cho khu vực đô thị chật hẹp, vừa phát triển kinh tế, tạo thế phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái.
Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ, hiện thị xã có hơn 20 mô hình du lịch cộng đồng, tập trung ở bản Đêu (xã Nghĩa An), bản Chao Hạ, bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi). Việc phát triển mô hình homestay không chỉ giúp các bản Thái có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn giúp cho bà con gìn giữ, tôn tạo lại những ngôi nhà sàn là bản sắc của dân tộc. Du lịch cộng đồng dần trở thành nghề của đồng bào. Họ cũng đã nâng cao tay nghề nhờ được tập huấn về cách thức làm du lịch, về cách giao tiếp, ứng xử, nấu nướng.
Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Việc phát triển du lịch đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch.
Du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước giảm nghèo cho người dân, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, thị xã tiếp tục phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ mở các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, tổ chức cho người dân địa phương đi tham quan, học tập các mô hình homestay đẹp, độc đáo, hiệu quả và phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Khuyến khích người dân chú trọng bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, phát triển du lịch xanh, bền vững.
Năm 2023 thị xã Nghĩa Lộ đón tiếp, phục vụ hơn 300.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế hơn 26.000 lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 275 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2024, Nghĩa Lộ sẽ đón tiếp trên 320.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt khoảng 300 tỷ đồng.