Những năm qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn ở thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, đặc biệt là các giá trị văn hóa để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường.
Doanh thu gần 4 tỷ đồng từ cơ sở thịt sấy
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Mường Lò, chị Trương Thị Hải Yến luôn ấp ủ câu chuyện khởi nghiệp từ thịt sấy gác bếp. Năm 2016, chị Yến đã quyết định đầu tư cơ sở chế biến thịt sấy Yến Phương tại phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ) với mong muốn phát triển văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái trở thành hàng hóa đặc sản để cung cấp ra thị trường, nâng cao thu nhập. Ban đầu cơ sở chỉ sản xuất 2 sản phẩm chính là thịt trâu sấy và lợn sấy, với quy trình sơ chế, chế biến sản phẩm chủ yếu sản xuất thủ công.
Năm 2020, chị Yến tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất lên 250 m2, thiết kế phòng đóng gói và trưng bày sản phẩm riêng. Bên cạnh đó, còn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để trang bị máy móc, thiết bị chế biến như: hệ thống kho lạnh, tủ bảo quản, lò sấy, nồi hấp điện, nồi nướng, máy nghiền gia vị, máy đập thịt và máy đóng gói sản phẩm. Cơ sở sản xuất thịt sấy Yên Phương cung cấp ra thị trường 4 mặt hàng chính gồm thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, thịt ba chỉ hun khói, lạp sườn Mường Lò. Năm 2020, cả 4 sản phẩm của cơ sở đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái.
Chị Yến chia sẻ, để xây dựng thương hiệu chị đặc biệt quan tâm các vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ký hợp đồng với các điểm giết mổ gia súc, lựa chọn nguyên liệu thịt trâu, thịt lợn tươi, sạch và các loại nguyên liệu khác được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh. Tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản và phụ gia không an toàn trong chế biến. Chính vì vậy, sản phẩm của cơ sở tạo được uy tín trên thị trường, sản lượng bán ra ngày càng tăng, doanh thu tăng cao, dự kiến năm 2023 này trừ các chi phí sản xuất sẽ thu lãi gần 4 tỷ đồng.
Để nâng cấp sản phẩm OCOP, cơ sở của chị Yến thường xuyên thực hiện kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm thành phẩm, thay đổi bao bì đóng gói sản phẩm phù hợp với yêu cầu của đại lý bán hàng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên trang websize, mạng xã hội, hệ thống quảng cáo nông nghiệp sạch, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản sạch do tỉnh và các bộ ngành tổ chức. Hiện nay các sản phẩm OCOP của chị Yến đã có mặt tại 39 điểm bán hàng trong tỉnh Yên Bái và hơn 30 đại lý bán hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Gạo Séng cù OCOP có thị trường tiêu thụ phong phú
Nhờ lợi thế về điều kiện tự nhiên như đất, nguồn nước, khí hậu, người dân vùng Mường Lò đã gieo trồng giống lúa đặc sản Séng Cù nổi tiếng với độ mềm dẻo, thơm đậm, giàu giá trị dinh dưỡng. Hiện nay, lúa Séng Cù là hàng hóa chủ lực chiếm gần 40% diện tích của cánh đồng Mường Lò, sản lượng hàng năm đạt hơn 10.000 tấn.
Loại lương thực đặc sản này đã trở thành hàng hóa nổi tiếng ở đây, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng 4 sản phẩm gạo Séng cù đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: Gạo Séng cù của Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thuỷ sản TNĐ; gạo Séng cù Mường Lò của Hội sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò; gạo Séng cù Phúc Sơn của HTX nông sản hữu cơ Phúc Sơn và gạo Séng cù An Sơn của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn.
Chị Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thủy sản TNĐ cho biết: năm 2019 sản phẩm gạo Séng cù được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, Công ty đã sản xuất được 100 tấn thóc, đưa ra thị trường 70 tấn gạo, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Năm 2020, Công ty đã đưa sản phẩm đến các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long; siêu thị Hapromart C13, Thành Công… để giới thiệu và tham gia hội thảo, hội chợ, triển lãm ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tìm kiếm thêm thị trường.
Bên cạnh đó, để nâng hạng sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò lên 4 sao, Công ty đã triển khai hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình VietGAP cho gần 90 hộ dân. Giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tạo vùng nguyên liệu có sản lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2021, gạo Séng cù Mường Lò được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, thương hiệu ngày càng uy tín, thị trường tiêu thụ ngày càng phong phú.
Đưa đặc sản địa phương tới các siêu thị lớn
Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình OCOP. Tích cực hỗ trợ các tổ chức kinh tế cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM.
Bà Đỗ Thị Thanh Nga – Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp hướng dẫn, lựa chọn các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công thương và UBND thị xã tổ chức vào các dịp lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh, thị xã. Bên cạnh đó, khuyến khích một số doanh nghiệp chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Lào Cai, Hà Nội.
Trên địa bàn thị xã đã xây dựng 1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm, văn hóa, du lịch Mường Lò do Hội sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò quản lý. Trung tâm được trang bị đầy đủ kệ giá, quầy trưng bày, có người quản lý, giới thiệu sản phẩm. Tại đây trưng bày trên 60 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của thị xã và một số địa phương trong tỉnh như gạo Séng cù, cỏ ngọt, thịt sấy, chè Suối Giàng, hàng thổ cẩm…
Ngoài ra, kết nối với Viettel Post đưa các sản phẩm OCOP địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp quảng bá, bán hàng trên websize, mạng xã hội zalo, facebook, tik tok… Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của thị xã đã có mặt trong hệ thống siêu thị, các cửa hàng lớn, góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Trong giai đoạn tới, thị xã sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Chương trình OCOP trong phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn. Thiết kế bao bì đẹp, hiện đại, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho các đại lí, siêu thị.
Đến nay, toàn thị xã có 18 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 15 sản phẩm 3 sao, tập trung vào các loại hình chính như thực phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.