| Hotline: 0983.970.780

Lúa Séng Cù Mường Lò 'tắm sương đêm, uống nước suối'

Thứ Ba 07/11/2023 , 07:15 (GMT+7)

YÊN BÁI Được trồng giữa núi rừng, canh tác theo phương thức cổ truyền của người Thái, gạo Séng Cù ở Mường Lò có hương vị đặc trưng, thơm ngon nức tiếng ở vùng cao Tây Bắc.

Cánh đồng Mường Lò nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, được kiến tạo từ hàng ngàn năm do suối Ngòi Thia, Nặm Đông, Nặm Tộc và nhiều dòng suối nhỏ mang phù sa từ các sườn núi bồi đắp nên. Đây là cánh đồng rộng thứ 2 ở Tây Bắc, được thể hiện qua câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Với tổng diện tích hơn 3.000ha, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao, cánh đồng Mường Lò là vựa lương thực lớn với các giống lúa đặc sản như Hương Chiêm, Séng Cù..., sản lượng hàng năm từ 30.000 - 32.000 tấn. 

Mường Lò là cánh đồng lớn thứ 2 ở Tây Bắc, hiện khoảng 40% diện tích được gieo cấy giống lúa Séng Cù đặc sản. Ảnh: Thanh Tiến.

Mường Lò là cánh đồng lớn thứ 2 ở Tây Bắc, hiện khoảng 40% diện tích được gieo cấy giống lúa Séng Cù đặc sản. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò chia sẻ: Bà con vùng Mường Lò gieo cấy nhiều giống lúa thơm ngon, trong đó có giống lúa đặc sản Séng Cù nổi tiếng với độ mềm dẻo, thơm đậm, giàu giá trị dinh dưỡng. Séng Cù thuộc nhóm lúa thuần của Trung Quốc được du nhập về Mường Lò từ những năm cuối thể kỷ 20 qua con đường tự trao đổi của người dân.

Một phần làm nên hương vị thơm ngon của gạo Séng Cù là kinh nghiệm canh tác trên ruộng nước của đồng bào dân tộc Thái ở vùng Mường Lò. Đó là hệ thống mương, phai, cọn nước dẫn thủy nhập điền đạt đến trình độ cao của nghề canh tác lúa. Các phương pháp này vừa hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, cây lúa tắm sương đêm, uống nước suối từ khe núi chảy ra cho hạt gạo dẻo, vị ngọt bùi, thơm hương núi rừng.

Năng suất lúa Séng Cù không cao như các giống lúa lai nhưng giá trị có thể gấp 3 lần. Ảnh: Thanh Tiến.

Năng suất lúa Séng Cù không cao như các giống lúa lai nhưng giá trị có thể gấp 3 lần. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, lúa Séng Cù là hàng hóa chủ lực, chiếm gần 40% diện tích của cánh đồng Mường Lò, sản lượng hàng năm đạt hơn 10.000 tấn. Thời gian sinh trưởng của lúa Séng Cù ngắn (100 - 115 ngày), mỗi năm có thể gieo cấy 2 vụ. Vụ lúa chiêm cấy từ tháng 1 - 2 (dương lịch), thu hoạch vào tháng 5 - 6; vụ mùa cấy từ tháng 6 - 7, cuối tháng 9 - 10 bắt đầu thu hoạch, năng suất trung bình đạt 40 - 50 tạ/ha.

Từ năm 2018, giống lúa Séng Cù đã được nhiều cơ quan khoa học và địa phương phục tráng như: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Di truyền Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT)... Sau khi phục tráng, đã bàn giao quy trình, hạt giống gốc cho địa phương sản xuất.

Lúa Séng Cù đặc sản ở Nghĩa Lộ ngày càng được bà con nông dân mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.

Lúa Séng Cù đặc sản ở Nghĩa Lộ ngày càng được bà con nông dân mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.

Séng Cù là một trong những loại gạo mang lại giá trị kinh tế cao, giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Sản phẩm gạo Séng Cù Mường Lò đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2018. Từ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng ra nhiều tỉnh/thành, giá trị ngày càng tăng cao.

Chị Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thủy sản TNĐ (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết: Năm 2019, sản phẩm gạo Séng Cù đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, nhờ đó Công ty đã sản xuất được 100 tấn thóc, đưa ra thị trường 70 tấn gạo, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Năm 2020, Công ty đã đưa sản phẩm đến các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long; siêu thị Hapromart C13, Thành Công… để giới thiệu; tham gia hội thảo, hội chợ, triển lãm ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để phát triển thêm thị trường.

Gạo Séng Cù đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Gạo Séng Cù đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Để nâng hạng sản phẩm gạo Séng Cù Mường Lò lên 4 sao, Công ty đã triển khai hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình VietGAP cho gần 90 hộ dân, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, tạo vùng nguyên liệu có sản lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2021, gạo Séng Cù Mường Lò được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, uy tín thương hiệu, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng.

Những năm gần đây, các vùng gieo trồng lúa Séng Cù ở Nghĩa Lộ được mở rộng, địa phương cũng đã áp dụng nhiều chính sách phát triển giống lúa đặc sản này. Người dân đã thực hiện canh tác tập trung, cánh đồng một giống, sử dụng phân bón vi sinh, áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ...

Bà Quản Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Để phát triển thương hiệu gạo Séng Cù Mường Lò, Thị xã đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, truyền thông, giới thiệu sản phẩm...

Các sản phẩm gạo Séng Cù được quan tâm quảng bá, giới thiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị. Ảnh: Thanh Tiến.

Các sản phẩm gạo Séng Cù được quan tâm quảng bá, giới thiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước đây, các sản phẩm lúa gạo ở vùng cao chủ yếu sản xuất tự cung tự cấp. Việc sản phẩm gạo Séng Cù trở thành hàng hóa có chất lượng cao, được đóng gói theo quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Đây là bước tiến đáng kể trong sản xuất góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân, xây dựng hình ảnh quê hương, thúc đẩy phát triển du lịch.

Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đã có 4 sản phẩm gạo Séng Cù được công nhận đạt sản phẩm OCOP gồm: Gạo Séng Cù của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thuỷ sản TNĐ; gạo Séng Cù Mường Lò của Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò; gạo Séng Cù Phúc Sơn của HTX Nông sản hữu cơ Phúc Sơn và gạo Séng Cù An Sơn của HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp An Sơn.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.