Sáng 9/2, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang (Trung tâm), thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh tổ chức lễ khai mạc phiên giao dịch việc làm đầu xuân với sự tham dự của 10 địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và khoảng gần 80 doanh nghiệp theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại phiên giao dịch, 158 doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển khoảng 55,7 nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề: Điện tử, may mặc, cơ khí. Trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đăng thông tin vị trí việc làm cần tuyển, mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để lao động lựa chọn.
Tại điểm cầu ở Bắc Giang có 8 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp (trong đó có 4 doanh nghiệp xuất khẩu lao động), đăng ký tuyển hơn 44 nghìn vị trí. Trực tiếp tham gia phiên giao dịch có gần 500 lao động, sinh viên một số trường nghề trong tỉnh đến tìm hiểu thông tin, phỏng vấn, ứng tuyển vào các vị trí phù hợp.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp và nhu cầu lao động lên đến hàng chục vạn. Để đáp ứng nhu cầu đó, các cơ sở đào tạo nghề liên tục được mở rộng và nâng cao chất lượng.
“Kết quả là các học viên của những cơ sở đạo tạo nghề của tỉnh sau khi tốt nghiệp có tỷ lệ tìm được việc làm ngày càng cao, thu nhập ngày càng tăng”, ông Nguyễn Tiến Cơi nói.
Thông qua phiên giao dịch được khai mạc sáng 9/2, sẽ có hàng chục nghìn người lao động được kết nối với chủ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với nhiều cấp độ từ phổ thông đến chất lượng cao.
Do đó, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang yêu cầu Trung tâm tạo điều kiện, cung cấp thông tin, hướng dẫn tận tình cho người lao động để họ có thể tìm được công việc phù hợp với trình độ của mình.
Chi tiết hơn về phiên giao dịch hôm nay, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm cho biết, các vị trí được tuyển dụng rất đa dạng, từ phổ thông đến kỹ thuật, công nghệ cao và dự kiến tại đầu cầu Bắc Giang các nhà tuyển dụng sẽ tìm được 60 - 70 % nhân công cần thiết.
Trong bối cảnh nhiều công nhân bị mất việc do doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm quy mô thời gian qua, ông Huế cho biết các phiên giao dịch việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động, không chỉ trong tỉnh Bắc Giang mà còn với các địa phương khác trong cả nước.
“Qua những phiên giao dịch như thế này, người lao động đã mất việc làm có thể tìm được vị trí mới, phù hợp hơn, thu nhập tốt hơn so với công việc cũ”, ông Huế phân tích thêm.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, đại diện Công ty Hồng Hải Foxconn cho biết, dấu mốc đầu tiên mà công ty có được với Trung tâm là ngày 27/10/2019 khi phiên giao dịch việc làm đầu tiên Hồng Hải Foxconn tham gia và đã tìm được rất nhiều nhân lực phù hợp.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra cao điểm của năm 2021, Trung tâm đã giúp đỡ công ty rất nhiều trong việc sàng lọc, giới thiệu các lao động đến từ vùng xanh để có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các nhà xưởng khi đó, khi mà “công ty đang gặp vô vàn khó khăn và bế tắc”.
Đang trong quá trình tìm kiếm công việc tại phiên giao dịch, chị Bùi Thị Thà (SN 1991) ở xã Đan Hội (huyện Lục Nam, Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi làm công nhân trong doanh nghiệp điện tử ở Bắc Ninh được hơn 5 năm thì quyết định xin nghỉ vì nhà xa, con nhỏ. Từ cuối năm 2022, tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang để làm hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp thì được cán bộ đơn vị tư vấn tìm việc mới.
Có phiên giao dịch hôm nay, tôi đến phỏng vấn và vừa được bộ phận nhân sự một công ty điện tử ở KCN Quang Châu tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng. Có mức lương, phụ cấp thỏa đáng, lại có xe đưa đón tận nơi nên tôi yên tâm với việc làm mới”.
Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 90 phiên giao dịch việc làm, đạt 118% kế hoạch. Trong đó, có 51 phiên định kỳ, 8 phiên chuyên đề, 16 phiên lưu động, còn lại là các phiên online. Các phiên giao dịch đã tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động cho hơn 22,2 nghìn người. Dự báo trong quý 1/2023, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 28 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông của ngành điện tử, sản xuất nhựa, may mặc.