| Hotline: 0983.970.780

Hòn đất mà biết nói năng: Xin đừng bóc lột, đầu độc đất nữa!

Thứ Tư 28/03/2018 , 10:40 (GMT+7)

Hòn đất mà biết nói năng thì sẽ nói gì? Nó sẽ nói rằng không có đất thì con người sống với ai, sống bằng gì? Xin đừng bóc lột, đầu độc đất nữa...  

16-49-04_dsc_0862
Quá trình tẩy độc cho đất

Hầu hết các loại đất đều đang bị đầu độc mỗi ngày bởi các loại hóa chất, thuốc trừ sâu và phân hóa học. Bởi thế, tìm được đất sạch để canh tác nông nghiệp bền vững hiện nay khó chẳng kém gì bắc thang lên trời.
 

Có một bảo tàng đất ít người biết đến

10h sáng một ngày xuân, bên ngoài trời tràn nắng nhưng chỉ cách một cánh cửa phía trong Bảo tàng đất (Trung tâm Thông tin Tư liệu Đất Việt Nam) thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khí vẫn âm âm, lặng ngắt như một cái nhà mồ. Chỉ có ánh đèn vàng vọt hắt vào 67 mẫu vật đất xám ngắt. Là nơi tập hợp các nhóm đất chính của Việt Nam, ngoài chức năng giúp các nhà khoa học, các giảng viên chuyên ngành tham khảo, đối sánh trong quá trình nghiên cứu, Bảo tàng còn là bộ giáo cụ trực quan cho các sinh viên chuyên ngành thổ nhưỡng đến học tập. Vai trò lớn như vậy nhưng buồn thay mỗi năm đơn vị cũng chỉ đón được khoảng trên dưới 300 sinh viên, chia trung bình mỗi ngày chưa nổi 1 người đến thăm.

Thạc sĩ Lê Anh Tuấn - người phụ trách Bảo tàng nói với tôi rằng có khi cả tháng cũng không một ai đến thăm. Bởi thế, hơn 10 năm quản lý ở đây là gần 4.000 ngày hầu như anh một mình ngồi đối diện với đống hiện vật toàn đất là đất.

16-49-04_dsc_0812
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn - Người phụ trách Bảo tàng đất

Mỗi mẫu vật ở đây cao từ 1,2-1,4 m với những thông số cơ bản được chú thích bên dưới gồm năm thu thập, thành phần cơ giới, chất hữu cơ, độ ẩm… Tuổi đời lâu nhất là mẫu vật thu thập ở Nông trường Rạng Đông (Nam Định) năm 1992 còn tuổi đời trẻ nhất là 2 mẫu vật được lấy từ quần đảo Trường Sa năm 2017, đang chờ khô để hoàn thiện. Mịn màng nhất là mẫu vật thu thập ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), lớp phù sa rất sâu xen kẽ với những thớ cát dày, mỏng khác nhau tương ứng với các năm lụt lớn, lụt nhỏ bị vỡ đê. Ngược lại, thô ráp và xù xì nhất là những mẫu vật thu thập ở miền Trung đầy đá sỏi, trơ bạc màu.

Bảo tàng hiện vẫn đang cập nhật thêm các mẫu đất từ những vùng biển đảo xa xôi trong khắp cả nước nhưng với một tốc độ rất chậm. Phần bởi kinh phí eo hẹp khi mỗi mẫu đất lấy về, xử lý xong cũng ngốn mất trung bình 50 triệu đồng. Phần bởi thời gian để một tảng đất cao 1,2-1,4m khô tự nhiên phải mất 4-5 tháng rồi mới được đem bắn keo, cố định thành hình hài, thành da thịt.
 

Đất: Tôi ốm rồi!

Hòn đất mà biết nói năng thì chúng sẽ nói gì? Tôi giả định điều ấy với ông Nguyễn Quang Hải - Viện phó Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, không chần chừ anh bảo: Điều đầu tiên nó sẽ nói bây giờ tôi ốm rồi, khám cho tôi đi. Ngoài khám đột xuất thì phải khám theo định kỳ. Nếu không khám được đất trên quy mô toàn quốc thì ít nhất cũng phải khám cho đất ở các vùng chuyên canh. Sau khi khám xong, biết bệnh rồi thì phải cho tôi ăn uống đầy đủ các dưỡng chất để phục hồi lại sức khỏe. Chứ để như hiện nay, không khám sẽ không phát hiện ra những gì thừa thiếu trong đất, sẽ càng ngày làm cho đất càng thêm suy thoái.

16-49-04_ly_mu_dt
Lấy mẫu đất

Còn lão nông Nguyễn Văn Ngà ở xóm 4 (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, Nam Định) thì giản dị hơn khi khẳng định rằng: “Đất cũng như con người, phải cho chúng thở, nghỉ ngơi sau mỗi vụ lao động”. 65 tuổi đời thì ông Ngà đã có tới 50 năm tuổi cày. Mới 15 năm tuổi ông đã biết quất trâu đi cày, biết nhìn mặt đất để đo độ tươi tốt bên dưới.

Nông dân Nguyễn Văn Ngà: Phải cho đất thở!

Ông Nguyễn Văn Ngà bảo, trước đây cứ gặt đến đâu thì cày úp đến đấy, phơi cho “đất thở” 1-2 tháng để từng tảng, từng tảng rã ra, tơi xốp và mịn mềm như bánh khảo mỗi khi đi bừa.
“Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân” là thế. Đất đai còn được bồi bổ đủ thứ phân bắc, phân xanh rồi mới cắm cây mạ xuống. Giờ đây, gặt xong là cày bừa rồi cấy luôn. Hơn thế bà con chỉ vãi toàn phân hóa học chứ chẳng nhà nào còn gồng gánh phân xanh, phân bắc ra đồng bón cho lúa nữa.

Đất đai cày lật lên cứ một màu gan gà, dai nhanh nhách như cao su, vón cục lại như những cái ấm, cái ché. Đồng làng giờ đây cũng đã tiệt nọc cả đỉa - loại động vật chỉ thị môi trường khá điển hình cho nền canh tác lúa nước. Trước cả đỉa là sự biến mất của con cà cuống, quãng những năm 1990 - 2000…

Hầu hết các loại đất đều đang bị đầu độc mỗi ngày bởi các loại hóa chất, thuốc trừ sâu và phân hóa học. Bởi thế, tìm được đất sạch để canh tác nông nghiệp bền vững hiện nay khó chẳng kém gì bắc thang lên trời.

Câu chuyện HTX Rau hữu cơ Trác Văn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) là một ví dụ điển hình. Bà Đỗ Thị Tươi - Giám đốc HTX kể rằng khi tỉnh, huyện quyết định chọn xã mình để thực hiện mô hình rau hữu cơ đã nhắm đến vùng bãi trồng ngô thay vì đất trồng lúa.

Tuy bãi ngô có số lần sử dụng thuốc BVTV ít hơn hẳn so với ruộng lúa nhưng vẫn còn nhiều tàn dư độc hại cho nên bà con được chỉ đạo trồng đậu tương hữu cơ để cải tạo đất, để đất có thời gian nghỉ mà thải độc.

Sau đó, bà con phải trồng rau chuyển đổi qua vài vụ nữa cũng theo hướng không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu để đất, nước ngầm bên dưới được thanh lọc thì mới được cấp chứng nhận PGS, mới được bán ra thị trường với nhãn mác rau hữu cơ.

Hiện tại, HTX đang bố trí mỗi ruộng rau xen lẫn với vài cụm hoa để dẫn dụ bướm đến đẻ trứng, tránh cắn phá, xung quanh khu đất rộng 4 ha là lớp hàng rào cây xanh che chắn, cách ly.

Các xã viên áp dụng nghiêm ngặt cách phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp tự chế bằng thuốc thảo dược, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng bằng các nguyên liệu thủ công tự chế như ngâm đậu tương, cá ủ trong thời gian 3 tháng, dùng các loại phân động vật, cây xanh ủ phân theo quy trình hữu cơ…

Tuy nhiên, cẩn thận như vậy nhưng cũng chính chị Tươi thừa nhận để sản phẩm của HTX mình thực sự là hữu cơ, đạt chuẩn quốc tế thì vẫn chưa.

16-49-04_phu_dien_dt
Lấy mẫu phẫu diện đất

Ở kề bên là trang trại Happy Farm do ông Nguyễn Văn Phóng làm chủ cũng đang thực hiện thải độc 3 ha đất theo quy trình tương tự là trồng cây họ đậu và sản xuất rau chuyển đổi và tuyệt đối không được phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất kích thích hay bón phân hóa học. Từ những “cánh đồng chết” thủa trước, chỉ trong thời gian hơn 1 năm đã thấy những sinh vật vốn trước kia gần biến mất như cóc, nhái, giun, dế… nay trở lại, sinh sôi đầy trên đất.

TS Ngô Kiều Oanh: Không tìm được đất sạch

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn độc lập về nông nghiệp hữu cơ kể một câu chuyện vẫn còn mang tính thời sự rằng một doanh nghiệp Nhật Bản mới đây đã đầu tư nhà máy sản xuất trà chức năng ở miền Bắc.

Nguyên liệu để sản xuất trà gồm nhiều loại thảo dược vốn rất phổ biến ở Việt Nam như sả, dâu tằm, bụt dấm… nhưng khi họ tổ chức trồng thử những loại cây này ở đồng bằng sông Hồng thì mẫu nào khi thu hoạch cũng chứa dư lượng nitrit, thuốc trừ sâu vượt chuẩn. Bởi vậy mà hàng tháng doanh nghiệp này vẫn phải nhập khoảng 10 tấn nguyên liệu khô (tương đương với gần 100 tấn nguyên liệu tươi) từ châu Phi về để chế biến.

Đã có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã phải ngậm ngùi ra đi khi không thể tìm được đất sạch. Điều đó khiến cho tiến sĩ Ngô Kiều Oanh phải ngán ngẩm, than rằng: Ở Việt Nam, giờ chắc chỉ có vùng núi cao hay hải đảo xa xôi may ra đất đai mới đủ sạch để làm nông nghiệp hữu cơ mà thôi.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.