Hội nghị có sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, kiêm Đồng Chủ trì Khối Tư - Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV), ông Reginald Lee, Giám đốc Chương trình của Grow Asia, cùng đại diện các Nhóm công tác PPP và các ban ngành, tổ chức, tập đoàn trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hội nghị Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) với chủ đề “Đầu tư đổi mới sáng tạo - Hướng tới một nền nông nghiệp xanh” là cơ hội tốt để chúng ta cùng đánh giá lại hiệu quả hợp tác công - tư, đầu tư trong nông nghiệp bền vững trong thời gian qua, đồng thời trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư, vì một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường; góp phần đưa Việt Nam thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm hàng đầu tại khu vực".
Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) được thành lập năm 2010 theo “Sáng kiến tầm nhìn mới cho Nông nghiệp” hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, và giảm 20% phát thải trong sản xuất nông nghiệp (mục tiêu 20-20-20).
Bộ NN-PTNT đã cùng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế thành lập Mô hình đối tác công tư (PPP) để phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững nhằm kết nối các tác nhân trong ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Mô hình PPP đã được thể chế hóa thành Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hiện đang triển khai 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, hồ tiêu, chăn nuôi và hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ cả Trung ương và địa phương, các công ty trong nước và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.
Chương trình Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) thời gian qua đã hoạt động theo đúng mục tiêu, định hướng và đạt được nhiều thành công.
Sau hơn 10 năm hoạt động, các Nhóm công tác PPP thông qua các dự án hợp tác công - tư đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững thân thiện với môi trường và tăng thu nhập cho nông dân (như mô hình sản xuất cà phê của Nestlé, sản xuất chè của Unilever), tạo dựng được một số chuỗi giá trị liên kết bền vững đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của 4C, UTZ, Rainforest Alliance (như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi chè của Unilever, IDH và Hiệp hội chè, chuỗi hồ tiêu), tiến hành đào tạo cho gần 2 triệu lượt nông dân về phương thức canh tác bền vững.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho biết các dự án FDI đã đóng góp được 6.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước mỗi năm, chiếm 3,2% tổng đóng góp ngân sách của FDI; xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản.
PSAV cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đặc biệt là trong ngành chế biến và cung cấp vật tư đầu vào thế hệ mới; tạo ra 500.000 lao động trực tiếp đồng thời hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho người lao động và nông dân; giới thiệu các công nghệ mới và nâng cao năng lực quản lý chuỗi.
Tuy nhiên, do được thành lập trên cơ sở sáng kiến, chưa có tiền lệ trong và ngoài nước nên hoạt động PSAV thời gian qua còn gặp phải một số khó khăn trong hoạt động của các Nhóm công tác và Ban Thư ký PSAV.
Cụ thể là chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp trong nước tham gia; đặc biệt các doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt chuỗi giá trị của các ngành hàng chủ lực quốc gia; chưa kết nối chặt chẽ giữa các Nhóm công tác PPP với chính quyền địa phương, giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức nông dân tại địa phương; mặc dù dự án của các doanh nghiệp hiện nay thực hiện theo mô hình “công - tư” nhưng Nhà nước chưa có thông tin cụ thể về nguồn ngân sách hoặc gói hỗ trợ chính sách dành riêng cho các doanh nghiệp tham gia các nhóm công tác PPP. Chưa có cơ chế rõ ràng để các Đồng chủ trì đại diện khu vực “công” (là các đơn vị trong Bộ) tích cực thúc đẩy hoạt động của các Nhóm.
Nguồn lực về tài chính và nhân lực để duy trì hoạt động của Ban Thư ký PSAV còn hạn chế.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại biểu tham gia Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có một sự quan tâm sâu sắc hơn dành cho các dự án hợp tác quốc tế, cần củng cố thêm về nhận thức và kiến thức dành cho vấn đề trên.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT tái khẳng định sức mạnh của sự hợp tác công - tư: hiểu được sức mạnh của sự hợp tác công - tư, tôn trọng lẫn nhau là tiền để để gia tăng hiệu quả hợp tác, cùng nhau giảm thiểu các vướng mắc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng các chương trình hợp tác sẽ ngày càng đổi mới, mang năng lượng mới, tư duy mới, tích hợp đa giá trị vào nông nghiệp, gặt hái được nhiều thành công.
Cường quốc lương thực
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã chia sẻ với Hội nghị về Sáng kiến Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (Food Innovation Hub).
Sáng kiến Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Lương thực, Thực phẩm tại Việt Nam liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh; mở rộng quy mô và đẩy nhanh việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm hiện tại của Việt Nam thành một cường quốc lương thực thực phẩm “xanh”, bền vững, phát thải thấp.
Bộ NN-PTNT hiện đang phối hợp chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Grow Asia, nghiên cứu cách thức triển khai Sáng kiến Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Lương thực, Thực phẩm tại Việt Nam, liên kết với mạng các mạng lưới, các sáng kiến, và các đối tác tiềm năng.
Theo như đề xuất hoạt động, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Lương thực, Thực phẩm tại Việt Nam sẽ được xây dựng và hoạt động với tư cách là một tổ chức đa bên, liên ngành, tiền cạnh tranh và trung lập để tăng cường hệ sinh thái đổi mới, xây dựng trên mạng lưới hiện có và kinh nghiệm của hệ thống thực phẩm của Việt Nam là Đối tác vì Nông nghiệp bền vững trong Việt Nam (PSAV)
Phát biểu tại Hội nghị với tư cách khách mời đặc biệt, bà Maria - đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đánh giá Việt Nam là một “cường quốc nông nghiệp”, gửi lời chúc mừng Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện triển khai sáng kiến trên.
“Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Lương thực, Thực phẩm được ví như một chặng đường dài và vô cùng lớn lao, cần có sự nỗ lực, tập trung và tâm huyết”, đại diện WEF chia sẻ.