| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Việt Nam - Ailen: Cơ hội rộng mở cho ứng dụng công nghệ chăn nuôi

Thứ Năm 08/09/2022 , 19:30 (GMT+7)

Chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm ngành kinh tế nông nghiệp có độ mở cao, cơ hội để phát triển công nghệ tiên tiến trong ngành vô cùng rộng mở.

Ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ai len phối hợp hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) và các Bộ, ngành liên quan tổ chức “Hội nghị kết nối Ailen – Việt Nam, Nông nghiệp trong thời đại 4.0”.

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa khai phá tiềm năng nông nghiệp

Hội nghị là cơ hội để hai bên chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp trong đó tập trung vào lĩnh vực áp dụng công nghệ 4.0 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có năng suất chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác tiếp theo nhằm phát triển ngành nông nghiệp đang ngày càng trở nên cần thiết. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác tiếp theo nhằm phát triển ngành nông nghiệp đang ngày càng trở nên cần thiết. Ảnh: Linh Linh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam và Ailen có lịch sử hợp tác lâu dài và bền vững. Nông nghiệp và chế biến thực phẩm là những lĩnh vực nằm trong khuôn khổ hợp tác thuộc Chương trình Chia sẻ kinh nghiệm phát triển Ailen giai đoạn 2017 - 2020 giữa các cơ quan Việt Nam với các đối tác Ailen.

“Việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác tiếp theo nhằm phát triển ngành nông nghiệp cũng như đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp giữa hai nước ngày càng trở nên cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mỗi quốc gia đều coi phát triển gắn với công nghệ cao và bền vững là vấn đề ưu tiên hàng đầu”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.

Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tiến trình hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững như hạn chế về cơ giới hóa trong sản xuất; khó khăn về giống, vật nuôi; thị trường tiêu thụ thiếu tính bền vững; trình độ nhân lực thấp…

Trong khi đó, lĩnh vực nông sản và thực phẩm của Ailen có thế mạnh hàng đầu thế giới. Vì vậy, thông qua hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng Ailen có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin về tình hình phát triển nông nghiệp trong đó tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi; tạo cơ hội để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tiếp cận các công trình nghiên cứu, công nghệ 4.0 hiện đại Ailen đang áp dụng, chia sẻ bài học về phát triển bền vững, từ đó thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam tới thị trường khu vực và trên thế giới.

Ông Martin Heydon, Quốc vụ Khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ailen cho biết, hai quốc gia có thể khai phá tiềm năng hợp tác, phát triển ngành nông nghiệp, thực phẩm và hàng chế biến sẵn, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) đi vào hiệu lực.

Trong chiến lược 10 năm phát triển ngành nông nghiệp và thực phẩm, Ailen đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu cung cấp thực phẩm trên giới với chất lượng sản phẩm hàng đầu, bảo đảm quá trình sản xuất dựa trên tính kết nối giữa yếu tố thực phẩm, y tế, dinh dưỡng và môi trường.

Hội nghị kết nối Ailen – Việt Nam, Nông nghiệp trong thời đại 4.0.

Hội nghị kết nối Ailen – Việt Nam, Nông nghiệp trong thời đại 4.0.

“Để làm được điều này, đầu tư phát triển hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Ailen nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức và khai phá tiềm năng mới”, ông Heydon cho biết.

Ông cũng khẳng định phía Ailen sẵn sàng thúc đẩy đầu tư và hợp tác với Việt Nam trong ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nhờ công nghệ hiện đại

Ngành chăn nuôi Việt Nam rất đa dạng các loài vật nuôi, loại hình chăn nuôi và phát triển với quy mô và mật độ các đàn cao như đàn lợn có mặt thường xuyên 23.327.648 con, đàn gia cầm 523.636 con, đàn bò thịt 5.991.306 con…

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng cả về sản lượng và quy mô đàn.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Xuân Dương,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong đó vấn đề công nghệ chăn nuôi còn thiếu tính đồng bộ. Trong khi ở lĩnh vực chăn nuôi bò và chế biến sữa, công nghệ được áp dụng khá hiện đại, chiếm trên 60% tổng đàn bò sữa thì ở chỉ khoảng 30% tổng đàn lợn và gà được chăn nuôi theo hướng công nghiệp với công nghệ hiện đại, tự động có nguồn gốc xuất xứ từ EU, Mỹ, Đài Loan. Công nghệ giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế, chỉ khoảng 20 % thị phần là được đầu tư hiện đại và đồng bộ; còn lại là thủ công.

Công nghệ trong chăn nuôi còn thiếu tính đồng bộ. Ảnh: TL. 

Công nghệ trong chăn nuôi còn thiếu tính đồng bộ. Ảnh: TL. 

Để khắc phục những hạn chế về công nghệ, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp cấp bách, trong đó có giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ cao, tự động, công nghệ sinh học trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Công nghệ là một trong những hạn chế song cũng là lĩnh vực để Việt Nam nhìn ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế. TS Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm ngành kinh tế nông nghiệp có độ mở cao. Như vậy, cơ hội để phát triển công nghệ tiên tiến trong ngành vô cùng rộng mở. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng là khu vực đã tiếp cận khá đầy đủ các tiêu chí của nền kinh tế thị trường. Hầu hết vốn đầu tư cho sản xuất ngành chăn nuôi đều do tư nhân và FDI đầu tư, nên có tính linh hoạt và thích ứng nhanh với những biến đổi của thị trường.

Ở lĩnh vực chăn nuôi bò, chia sẻ quan điểm với đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam, TS Phạm Văn Giới, Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, dù công nghệ chuồng trại, công nghệ ứng dụng trong vắt sữa, xử lý môi trường… được áp dụng khá hiệu quả song việc áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi bò tại Việt Nam vẫn còn một số khó khăn như mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến trong khi xu hướng phát triển trang trại tập trung ngày càng cao; công nghệ cao, hiện đại vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, đồng bộ…

Như vậy để tăng cường áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò, TS Phạm Văn Giới đề xuất ngành chăn nuôi cần tăng cường giám sát thực thi pháp luật chăn nuôi, hỗ trợ chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, hoàn thiện hệ thống quản lý chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết, giám sát và hỗ trợ mắt xích của chuỗi, bổ sung kịp thời các kiến thức công nghệ mới …

Qua buổi Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp 2 nước có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiều hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp 2 nước trong tương lai.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.