| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác với nhà hàng 'heo mẹt', nông dân nuôi lợn rừng ăn đủ

Thứ Ba 15/12/2020 , 16:41 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn khó kiểm soát, một số hộ dân Bình Phước vẫn sống khỏe nhờ nuôi lợn rừng lai cung cấp cho nhà hàng 'heo mẹt' tại TP.HCM.

Chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận tốt

Chúng tôi đến thăm nông trại nuôi nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Văn Quyết ở khu phố 5, phường Long Thủy, thị xã Phước Long, một trong những người đầu tiên đưa lợn rừng lai về địa phương để sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa.

Anh Quyết chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn rừng. Ảnh: Trần Trung.
Anh Quyết chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn rừng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Quyết chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn rừng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Quyết cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương vào năm 2016 với nhiều hành trang được tích lũy, trong đó anh tâm đắc nhất là thời gian được đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc đàn lợn rừng lai. Không đành lòng nhìn chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình ngày một xuống cấp do dừng chăn nuôi từ lâu vì thua lỗ, năm 2017, anh Quyết đã sửa sang lại chuồng trại, đồng thời mua 1 con lợn rừng đực trị giá gần 10 triệu đồng từ địa phương khác về nhân giống. Nhờ có kinh nghiệm, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, sinh sản nhanh. Đến nay, anh đã có trong tay 15 lợn nái là rừng lai F1, F2 và duy trì đàn lợn thương phẩm gần 100 con. Với cách nuôi lợn rừng và bán xoay vòng, mỗi tháng gia đình anh có thu nhập hàng chục triệu đồng.

Theo anh Quyết, lợn rừng mỗi năm để 2 lứa, mỗi lứa từ 6 – 7 con, lợn sữa nuôi 45 ngày sẽ tách mẹ, nuôi thêm 1 tháng nữa sẽ bán lợn giống, lợn thương phẩm nuôi 6 tháng là đạt trọng lượng 25kg có thể bán thịt hoặc làm lợn hậu bị. Đối với thức ăn, lợn rừng là loài ăn tạp, để giảm chi phí sản xuất, ngoài đi kiếm các loại củ, quả phế phẩm nông nghiệp tại các chợ trên địa bàn, anh còn dành 1.000 m2 đất để trồng cỏ, đặc biệt là chuối để làm thức ăn cho lợn.

Anh Quyết chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Quyết chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Đối với chuồng trại, do là loài có bản năng sống hoang dã nên lợn rừng luôn cảnh giác và hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động lạ, nhất là khi người lạ đến gần, do đó, chuồng trại cần phải được kiên cố nhất là đối với lợn đực giống và lợn cái già đang mang thai. “Chỉ cần tạo môi trường nuôi lợn rừng gần giống môi trường tự nhiên, có nhiều cây cối, yên tĩnh, cách xa khu dân cư và đường giao thông là chăn nuôi thành công”, anh Quyết tiết lộ.

Liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra

Từ hiệu quả mô hình lợn rừng lai của anh Quyết, ngày càng nhiều bà con địa phương tìm đến để thăm quan, học hỏi, đồng thời chọn lợn rừng lai để phát triển kinh tế. Để tạo điều kiện cho mô hình kinh tế này phát triển hiệu quả, mới đây, dưới dự hướng dẫn của Hội Nông dân phường Long Thủy, HTX lợn rừng lai Long Thủy  ra đời với 10 thành viên do anh Nguyễn Văn Quyết làm Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX.

Anh Quyết cho biết, trước đây mạnh nhà nào nhà ấy nuôi. Tuy nhiên, từ khi HTX thành lập, các thành viên trong  HTX có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, HTX cũng ban hành các quy định về con giống, thức ăn, chăm sóc thú y… qua đó nâng cao chất lượng lợn giống, lợn thịt và hướng tới xây dựng thương hiệu lợn rừng lai Long Thủy. “Trước khi thành lập HTX, tôi đã thỏa thuận, hợp đồng cung cấp heo sữa và heo thịt với một số nhà hàng “heo mẹt” tại thành phố Hồ Chí Minh. Thị trường tiêu thụ rất hút hàng nên thành viên đều phấn khởi”, anh Quyết chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Phú, một trong những thành viên đầu tiên của HTX cho biết, gia đình ông làm nghề nấu rượu và nuôi lợn siêu nạc từ năm 2004. Khi tình hình dịch bệnh liên tục xảy ra khiến việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhận thấy mô hình nuôi lợn rừng lai trên địa bàn ngày càng phổ biến nên gia đình ông cũng lựa giống nhân đàn. Trong quá trình nuôi, các hộ cũng gặp khó khăn về đầu ra dù nhu cầu thị trường rất lớn. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào HTX, đã có sự chuyển biến tích cực hơn.

Ông Nguyễn Hữu Phú, thành viên HTX chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Hữu Phú, thành viên HTX chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Cụ thể, thông qua các kênh tuyên truyền của hội nông dân các cấp, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh biết và đặt hàng lâu dài. Kỹ thuật nuôi heo cũng được cải thiện rất nhiều thông qua quá trình sinh hoạt và các thành viên trao đổi kinh nghiệm với nhau... “Với giá bán hiện nay từ 100-130 ngàn đồng/kg thịt lợn rừng lai (lợn hơi) cùng với đầu ra ổn định, hứa hẹn sẽ cho các thành viên tổ hội nghề nghiệp nuôi heo rừng lai thu nhập ổn định và có điều kiện mở rộng quy mô để phát triển kinh tế” ông Phú phấn khởi nói.

Ông Phạm Đức Cảm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Thủy cho biết thêm, trước đây, nhiều hộ dân tại phường Long Thủy đầu tư nuôi lợn truyền thống. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, đầu ra khá bấp bênh dẫn đến thua lỗ kéo dài nhiều năm. Sau đó, nhằm tận dụng chuồng trại sẵn có, những hộ này đã thử nghiệm nuôi lợn rừng lai. Trong quá trình nuôi, thấy lợn rừng ít bệnh, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, lại được thị trường ưa chuộng nên các hộ nuôi đã từng bước mở rộng chuồng trại, tăng gia sản xuất, chủ động liên kết thành lập Hợp tác xã nuôi lợn rừng lai. Đến nay, toàn địa phương có tổng đàn gần 1.000 con lợn rừng thương phẩm, trong đó, chỉ tính riêng HTX đã có trên 300 con, lợi nhuận thu về từ 50-300 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí.

“Thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng đề án đề nghị ngành chức năng hỗ trợ cho người dân địa phương, HTX vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hình thành chuỗi sản xuất nhằm cân bằng cung - cầu góp phần giúp nghề chăn nuôi heo rừng lai Long Thủy ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân”, ông Cảm nhấn mạnh.

Xem thêm
Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Tập đoàn Mavin nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Hưng Yên

Tập đoàn Mavin vinh dự là 1 trong 7 doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc nhất nhận Cờ thi đua từ UBND tỉnh Hưng Yên.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.