Mặc dù dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành nhưng trang trại nuôi lợn rừng của họ vẫn an toàn, trụ vững trước đại dịch.
Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là ông Nguyễn Văn Sáng, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, Nam Định. Tính đến nay, ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi loài động vật hoang dã này. Nhờ vậy, mà giới chăn nuôi lợn rừng trong và ngoài tỉnh đều biết đến ông.
Ông Sáng tâm sự, trước năm 1995, ông chủ yếu chăn nuôi dê thịt trong Đồng Nai. Song, hiệu quả kinh tế không cao nên ông chuyển sang tìm hiểu và chăn nuôi một lúc 3 loài động vật (lợn rừng, nhím, cầy hương). Tuy nhiên, chỉ có lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Nhận thấy thị trường lợn rừng ngoài miền Bắc thời điểm đó vẫn còn eo hẹp, chưa phát triển rầm rộ nên năm 1997, ông chuyển về nơi “chôn rau cắt rốn” tại thôn Đức Thuận, xã Hải Xuân để chăn nuôi lợn rừng với mong muốn nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng càng sớm càng tốt.
Và, điều mong muốn đó đã sớm trở thành hiện thực. Từ vài con lợn rừng lèo tèo, sau hàng chục năm phát triển đến nay ông Sáng đã có hẳn 1 trang trại chăn nuôi lợn rừng với quy mô lớn, lên đến hơn 100 con gồm cả lợn bố mẹ, choai và giống. Có thời kì cao điểm, trang trại chăn nuôi trên 250 con.
Hiện, đầu ra sản phẩm của trang trại “phủ sóng” trong và ngoài tỉnh. Chỉ cần cuộc điện thoại, có địa chỉ cụ thể là ông có thể gửi lợn giống, thương phẩm theo đường xe khách cho những ai có nhu cầu. Mọi giao dịch gói gọn trong ngày, chậm nhất là sang ngày hôm sau.
Theo ông Sáng, chăn nuôi lợn rừng vừa nhàn, vừa dễ nuôi; không vất vả, tốn nhiều công chăm sóc. Giá bán cao, thị trường ổn định. Nguồn thức ăn lại dễ tìm, chủ yếu cho ăn thân cây chuối, bã đậu và một số loại rau.
Ông Sáng cho biết thêm, trang trại được thiết kế 2 dãy nuôi tách biệt. Một dãy nuôi lợn bố mẹ, một dãy nuôi lợn sinh sản, con giống. Nhờ chăn nuôi có quy trình, phun thuốc khử trùng định kì, 2 lần/tuần, chuồng trại sạch sẽ và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nên đàn lợn rừng của gia đình ông luôn khỏe mạnh.
Năm 2019, khi mà nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bị DTLCP “tấn công” thì trang trại lợn rừng của gia đình ông vẫn an toàn, không chết một con nào.
“Thời điểm DTLCP bùng phát, trong trang trại đang có hơn 250 con lợn rừng, gồm 39 lợn bố mẹ, 80 lợn choai và gần 150 lợn con theo mẹ. Song, nhờ áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, thực hiện phương châm “cửa đóng, then cài” nên trang trại của gia đình tôi vẫn an toàn”, ông Sáng nhớ lại.
Chỉ tay vào đàn lợn mới sinh, ông Sáng bảo, giống lợn rừng mà gia đình ông đang nuôi thuộc dòng lợn rừng Thái lai Việt. Dòng lợn này cho chất lượng thịt thơm ngon; lợn mẹ sinh sản tốt hơn lợn rừng bản địa.
Theo tính toán của ông Sáng, trung bình mỗi tháng, trang trại bán ra ngoài thị trường 2 - 4 tấn thịt lợn hơi với giá bán 140.000 - 160.000đ/kg lợn thương phẩm (trên 20kg/con), 200.000đ/kg lợn giống (10 - 15kg/con). Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình ông “bỏ ống” hơn 200 triệu đồng/năm.
Với gần 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng, bà Nguyễn Thị Soi (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu) cho hay, lợn rừng có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Năm 2019, đàn lợn rừng của gia đình bà sống khỏe giữa “bão” dịch.
Thời điểm này, gia đình bà đang chăn nuôi trên 50 con lợn rừng. Gồm lợn bố mẹ, lợn choai và lợn giống. Ngoài cung cấp lợn thương phẩm, gia đình bà còn cung cấp lợn giống cho những ai có nhu cầu nuôi.
Hiện nay, gia đình bà đang liên kết với nhiều hộ chăn nuôi lợn rừng khác để chăn nuôi có hiệu quả và bền vững hơn. Mọi người hỗ trợ nhau về mặt kĩ thuật, đầu ra sản phẩm. “Thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm và lợn giống của gia đình chủ yếu là trong và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam…”, bà Soi nói.
Cũng giống như gia đình ông Sáng, bà Soi, anh Trần Trọng Thắng (thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản) cũng thành công và thoát nghèo từ con lợn rừng.
Anh Thắng chia sẻ, lợn rừng rất dễ nuôi (nuôi theo kiểu bán hoang dã, có sân chơi, có chuồng tránh mưa, nắng). So với lợn trắng truyền thống, nuôi lợn rừng hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần.
“Do nguồn cung ổn định, nên đầu ra không bao giờ bế tắc. Vào những dịp lễ hay Tết Nguyên đán, người dân mua rất nhiều, thậm chí có lúc không có lợn rừng thương phẩm để bán”, anh Thắng bộc bạch.