| Hotline: 0983.970.780

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

Thứ Ba 16/04/2024 , 15:42 (GMT+7)

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Trong năm 2024, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 9 lớp tập huấn phòng chống bệnh dại. Ảnh: Kim Anh.

Trong năm 2024, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 9 lớp tập huấn phòng chống bệnh dại. Ảnh: Kim Anh.

Theo kế hoạch phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, trong năm 2024, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 9 lớp tập huấn phòng chống bệnh dại tại các quận, huyện trên địa bàn.

Các đối tượng tham gia chương trình tập huấn lần này là các cán bộ trung tâm y tế, trạm chăn nuôi và thú y, trạm y tế, lực lượng thú y, cộng tác viên y tế cấp phường…

Nội dung tập huấn chủ yếu tăng cường kiến thức chuyên môn về phòng chống bệnh dại trên động vật như: thời gian lây truyền bệnh, dấu hiệu lâm sàng trên vật nuôi nghi mắc bệnh dại, công tác giám sát bệnh động vật, giám sát bệnh dại trên người và biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch…

3 tháng đầu năm 2024, tại 10 tỉnh, thành phố do Chi cục Thú y vùng VII quản lý đã ghi nhận 7 ổ dịch bệnh dại, xảy ra tại Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và Cà Mau. Tổng số chó mắc bệnh là 11 con, 14 con bị chết buộc tiêu hủy.

TP. Cần Thơ, hiện có trên 28.200 hộ nuôi chó, mèo. Từ đầu năm 2024 đến nay, tuy không phát hiện bệnh dại trên chó, mèo nhưng ngành chuyên môn xác định nguy cơ xảy ra ổ dịch rất cao nếu không thực hiện tốt các giải pháp phòng chống. Ảnh: Kim Anh.

TP. Cần Thơ, hiện có trên 28.200 hộ nuôi chó, mèo. Từ đầu năm 2024 đến nay, tuy không phát hiện bệnh dại trên chó, mèo nhưng ngành chuyên môn xác định nguy cơ xảy ra ổ dịch rất cao nếu không thực hiện tốt các giải pháp phòng chống. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ nhìn nhận, hiện nay người dân chưa chấp hành nghiêm các giải pháp phòng chống dịch bệnh như chưa đăng ký chó nuôi với chính quyền địa phương, chưa thực hiện tiêm phòng bệnh dại, chó thả rông nơi công cộng dẫn đến cắn người vẫn còn nhiều.

Ông Yên xác định việc tập huấn phòng chống bệnh dại cho lực lượng thú y, y tế và chính quyền địa phương không chỉ nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại. Mà còn giúp các đối tượng có thêm kinh nghiệm cần thiết để vận dụng vào công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh dại.

Vận động các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo cam kết thực hiện “5 không” là không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo, không nuôi chó, mèo chưa tiêm vacxin phòng bệnh dại, không nuôi chó, mèo thả rông, không để chó cắn người và không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Một số kết quả nghiên cứu của PGS. TS Trần Ngọc Bích, Trưởng Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp cho thấy, những năm gần đây tình hình bệnh dại có xu hướng tăng lên. Ngoài chó, mèo, động vật có nguy cơ lây lan virus dại sang người phổ biến là bò, chồn hương, dê, dơi, chồn hôi, chuột chũi, khỉ…

Trung bình số người bị nhiễm virus dại do chó, mèo cắn và tử vong trên cả nước khoảng 100 người/năm. Trong khi đó, 100% số người tử vong được ghi nhận không tiêm vacxin sau khi phơi nhiễm virus dại. Một số lý do chính là chủ quan cho rằng chó nhà cắn, trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình hoặc người bị cắn dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại…

PGS. TS Trần Ngọc Bích cho biết thêm, hiện ĐBSCL là một trong những khu vực có tỷ lệ tiêm vacxin phòng chống bệnh dại thấp nhất cả nước, chỉ mới đạt khoảng 41%. Những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp là Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Người dân tiêm vacxin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Người dân tiêm vacxin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, giải pháp phòng bệnh hữu hiệu và hiệu quả nhất vẫn là tiêm vacxin phòng bệnh và quản lý tốt đàn chó nuôi. Do đó, PGS. TS Trần Ngọc Bích đề nghị, việc tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật cần được quan tâm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng thành công ít nhất 10 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện hoặc liên huyện và ít nhất 10 cơ sở an toàn bệnh dại cấp xã, phường. Đồng thời duy trì các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn bệnh dại trong giai đoạn 2017 – 2021.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ, 3 tháng đầu năm 2024, số lượt người bị chó, mèo cào cắn ghi nhận trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, đến tiêm phòng vacxin và huyết thanh kháng dại gần 5.400 lượt người.

TP. Cần Thơ đã đưa ra nhiều giải pháp thông tin, tuyên truyền, tập huấn. Nhất là ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030, thành phố thuộc vùng nguy cơ thấp về bệnh dại trên người. Đặc biệt duy trì từ nay đến năm 2030 không có người tử vong vì bệnh dại.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất