| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến ngư trường bền vững (Bài 3):Nhân rộng 'Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản'

Thứ Ba 09/03/2021 , 15:07 (GMT+7)

346 Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang thực sự là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển...

Tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đã hình thành nhiều Tổ hợp tác, Tổ ngư dân trên biển theo hình thức tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi. Ngoài việc hỗ trợ giúp đỡ nhau trong đánh bắt, Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ còn giúp các tàu cá hỗ trợ nhau vươn khơi được dài ngày, xa hơn. Đặc biệt, Tổ hợp tác còn hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia, khu đặc quyền kinh tế.

Các Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ giúp nhau vươn khơi được dài ngày, xa hơn và hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, khu đặc quyền kinh tế. Ảnh: Trần Huy.

Các Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ giúp nhau vươn khơi được dài ngày, xa hơn và hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, khu đặc quyền kinh tế. Ảnh: Trần Huy.

Để các tàu hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển, UBND TP.Vũng Tàu cũng đã tiến hành thành lập các Tổ hợp tác ghe tàu an toàn. Sau 5 năm xây dựng mô hình đã phát triển được gần 100 Tổ ghe tàu an toàn. Có những Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ đang hoạt động cùng ngư dân vươn khơi bám biển rất hiệu quả. Tại phường 5 hiện có 350 ghe tàu khai thác đánh bắt hải sản xa bờ.

Gia đình ông Trần Văn Trung (phường 5) làm chủ 3 tàu đánh bắt khơi xa, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng và thường xuyên “sát cánh” cùng với tàu trong Tổ ghe tàu an toàn. Ông Trung chia sẻ: “Trong Tổ hợp tác có những lợi ích chung, anh em ngư dân có sự đoàn kết và hỗ trợ nhau rất tốt trong việc đánh bắt trên biển. Nhất là phát hiện luồng cá, các tàu thông báo vị trí cho nhau, khi xảy ra sự cố các tàu trong cùng Tổ đánh bắt gần nhau cũng hỗ trợ xử lý kịp thời, hiệu quả hơn”.

Chi cục Thuỷ sản tỉnh BR-VT phối hợp cùng Bộ đội Hải quân, Biên phòng tỉnh tổ chức trao tặng cờ Tổ quốc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Huy.

Chi cục Thuỷ sản tỉnh BR-VT phối hợp cùng Bộ đội Hải quân, Biên phòng tỉnh tổ chức trao tặng cờ Tổ quốc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Huy.

Ông Nguyễn Đức Nợ, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở phường 5 đã gia nhập Tổ hợp tác, cho biết: “Tổ đoàn kết rất chặt chẽ, giúp cho công việc đánh bắt trên biển khá hơn trước kia. Đặc biệt, Tổ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm đi biển hiệu quả, giúp ngư dân chúng tôi vươn khơi tự tin rất nhiều”.

Tương tự, tại phường Thắng Nhì, bà con ngư dân cũng đã thành lập được 21 Tổ ghe tàu an toàn, với 30 phương tiện và 79 thành viên. Các Tổ ghe tàu an toàn không những là điểm tựa cho nhau khi đánh bắt trên biển mà còn cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin kịp thời trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Biên phòng tỉnh BR-VT và ngành chức năng lồng ghép công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Huy.

Biên phòng tỉnh BR-VT và ngành chức năng lồng ghép công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Huy.

Trung tá Nguyễn Văn Khánh, Đội trưởng Đồn Biên phòng Bến Đá, TP.Vũng Tàu cho biết: “Trong quá trình hoạt động, các thành viên Tổ ghe tàu an toàn đã tích cực cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin có giá trị về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và cứu hộ cứu nạn trên biển, giúp ngành chức năng xử lý sự cố trên biển rất kịp thời hiệu quả”.

Theo Trung tá Khánh, Biên Phòng Bến Đá đã tập trung tuyên truyền về công ước Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam, chủ quyền quốc gia, các chủ trương đường lối của Đảng về bảo vệ biển và phát triển biển đảo…Đồng thời, thường xuyên giữ liên lạc giữa Tổ ghe tàu an toàn trên biển với lực lượng Biên Phòng trong bờ.   

Việc duy trì các Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ và Tổ ghe tàu an toàn không chỉ giúp ngư dân vươn khơi bám biển hiệu quả, mà còn phát huy sức mạnh tổng hợp của ngư dân trong công tác quản lý, bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Điểm tựa tinh thần trên biển 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, để bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ đạt hiệu quả cao, tỉnh BR-VT đã cho thành lập thêm nhiều mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản. Qua đó, ngành chức năng lồng ghép công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Để bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ đạt hiệu quả cao, tỉnh BR-VT đã cho thành lập thêm nhiều mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: Trần Huy.

Để bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ đạt hiệu quả cao, tỉnh BR-VT đã cho thành lập thêm nhiều mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: Trần Huy.

Ông Nguyễn Bi, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Thủy sản tỉnh BR-VT cho biết: “Hình thức hợp tác khai thác trên biển được hình thành chủ yếu dựa trên các tiêu chí cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa phương cư trú, cùng dòng họ và người thân trong gia đình để phát huy tinh thầnh đoàn kết, liên kết khai thác, hợp tác vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ lẫn nhau trong phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển khi có sự cố”.

Theo ông Bi, được hình thành hơn 15 năm nay, Tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển tại BR-VT đã và đang thực sự là chỗ dựa vững chắc của bà con ngư dân. Không chỉ giúp giảm chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, có điều kiện bám biển dài ngày để tìm kiếm ngư trường mới,…mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Việc thành lập các Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác đánh bắt hải sản trên biển đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ nhau sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Trần Huy.

Việc thành lập các Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác đánh bắt hải sản trên biển đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ nhau sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Trần Huy.

Tính đến nay, toàn tỉnh BR-VT đã thành lập được 346 Tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với 2.453 phương tiện tàu cá và hơn 2.200 thành viên; trong đó, có 3 HTX và 1 nghiệp đoàn khai thác cá cơm. Những năm gần đây, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của tỉnh BR-VT ngày càng phát triển nên việc thành lập các Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác đánh bắt hải sản trên biển đã phát huy hiệu quả trong sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đặc biệt, từ khi mô hình này được hình thành và phát triển, giúp ngư dân mạnh dạn hơn trong việc vươn ra những ngư trường lớn. Các ngư dân không còn hoạt động riêng lẻ mà thành lập từng Tổ từ 5 đến 10 tàu trở lên, sau 15 đến 20 ngày đánh bắt thì thay nhau luân chuyển hải sản vào bờ. Do vậy, vừa giảm được thời gian di chuyển, giảm lượng dầu tiêu hao từ 500 đến 900 lít/tàu/chuyến, lại tăng cường bám biển cho đội tàu; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác, tăng lợi nhuận từ 7 - 10%.

Mỗi Tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản như một trạm tiền tiêu trên biển. Các tổ viên luôn đoàn kết trong việc phát triển khai thác hải sản, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về ngư trường. Ảnh: Trần Huy.

Mỗi Tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản như một trạm tiền tiêu trên biển. Các tổ viên luôn đoàn kết trong việc phát triển khai thác hải sản, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về ngư trường. Ảnh: Trần Huy.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản BR-VT cho biết: “Từ khi mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản hoạt động hiệu quả, nhiều chủ tàu trong tỉnh đã tự nguyện đăng ký tham gia mô hình, khiến các thuyền viên cũng an tâm hơn khi vươn khơi dài ngày, đánh bắt tại các ngư trường lớn. Đồng thời, lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển cũng luôn đồng hành với ngư dân trong các chuyến bám biển”.

Theo ông Hoàng, tham gia trong Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, các thành viên còn được hỗ trợ ngư cụ, hệ thống máy tầm ngư và thiết bị định vị. Do đó, khi có sự cố xảy ra, thông tin được kịp thời chuyển đến các đơn vị chức năng cũng như các tàu cá xung quanh.

Mỗi Tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản như một trạm tiền tiêu trên biển, các tổ viên luôn đoàn kết trong việc phát triển khai thác hải sản, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về ngư trường, thời tiết và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự, tài nguyên quốc gia trên các vùng biển Việt Nam…

“Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nghề cá, ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT đang tăng cường hướng dẫn ngư dân có đội tàu khai thác hải sản thành lập Tổ hợp tác, Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập được 184 Tổ tự quản an ninh trận tự với gần 1.500 thành viên. Trong những năm qua, Tổ này đã cung cấp cho lực lượng Biên Phòng hàng trăm thông tin liên quan đến tội phạm xâm phạm an ninh khu vực biên giới”, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu nói.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.