| Hotline: 0983.970.780

Hướng đi nào cho học sinh sau trung học cơ sở

Thứ Bảy 25/04/2020 , 08:30 (GMT+7)

Sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), học sinh còn nhiều hướng đi khác bởi học trung học phổ thông (THPT) không phải là con đường duy nhất.

Các em học sinh TP.HCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Thùy Lâm.

Các em học sinh TP.HCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Thùy Lâm.

Dựa vào năng lực học tập, hoàn cảnh, học sinh có thể chọn ngã rẽ phù hợp để tiếp tục học tập, phát triển bản thân. Tuy nhiên, không phải tất cả sự lựa chọn trường của học sinh đều đúng với mong muốn của các em.

Học vì sự kỳ vọng của cha mẹ

Muốn giành được “tấm vé” vào lớp 10 Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đòi hỏi học sinh có học lực khá, giỏi trở lên. Đây là một trong số trường top đầu của TP.HCM nên điểm chuẩn đầu vào hàng năm luôn rất cao và tỉ lệ chọi cũng vô cùng khốc liệt.

Với sức học trung bình, Nguyễn Tuyết H. (học sinh lớp 9 thuộc một trường THCS tại quận Thủ Đức) xác định khó có thể đậu, nhưng em vẫn quyết định đăng ký nguyện vọng 1 kỳ thi tuyển sinh năm học này.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm diễn ra khoảng đầu tháng 6. Năm học này, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian kỳ thi có thể được điều chỉnh, dựa vào khung thời gian kết thúc năm học của Bộ GD&ĐT. Tại TP.HCM, theo Sở GD&ĐT, dự kiến kỳ thi diễn ra vào khoảng giữa tháng 7/2020.

“Đã từ lâu, ba mẹ muốn em được vào học tại Trường THPT Gia Định vì cho rằng đây là môi trường học tập tốt, sẽ có cơ hội đậu đại học cao.

Là con một trong gia đình, không muốn ba mẹ buồn nên em quyết định thi vào đây. Nếu không đậu, em tiếp tục đăng ký nguyện vọng 2, 3 vào trường gần nhà, hoặc vào học giáo dục thường xuyên”, Tuyết H. tâm sự. 

Thực tế, chuyện học hành là của con cái nhưng kỳ vọng con học giỏi, phải vào được trường này, trường kia để cho bằng con nhà người ta, vào được đại học… lại là chuyện của phụ huynh từ xưa đến nay.

Một số phụ huynh không chú ý đến năng lực của con, sở thích của con là gì, cũng nhiều phụ huynh không phân loại được nhóm trường để định hướng con đăng ký môi trường học tập phù hợp.

Như trường hợp em Đặng Trung D. (học sinh lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận 8, TP.HCM) có đam mê nấu ăn, em muốn đăng ký học nghề sau tốt nghiệp THCS để nhanh hoàn thành khóa học về kinh doanh quán ăn.

Thế nhưng, đam mê lại là chuyện của Trung D., còn ba mẹ lại muốn em phải học THPT để thi tiếp vào đại học. Điều này khiến Trung D. băn khoăn đứng giữa lựa chọn nên tiếp tục học THPT hay học nghề.

Không giống Tuyết H. hay Trung D., Nguyễn Hồng D. (học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM) dự định năm học này sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào chuyên tiếng Nhật Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP.HCM).

Xác định để giành được “tấm vé” vào trường chuyên phải có học lực giỏi trở lên, trong khi bản thân Hồng D. chỉ đạt học lực khá. Nhưng vì quá yêu thích ngôi trường nổi tiếng này, lại có nhiều bạn bè cũng đăng ký vào đây nên Hồng D. quyết định lựa chọn.

Hãy là chính mình khi chọn ngã rẽ

Những năm trở lại đây, ngành giáo dục tích cực thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, lộ trình năm 2020 sẽ có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS rẽ hướng học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đề án đưa ra nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP.HCM) cho biết, thực hiện hướng nghiệp phân luồng sau THCS nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm đều có sự chọn lọc. Suất học sẽ có một tỉ lệ nhất định.

“Mỗi học sinh cần biết năng lực, sự cố gắng của bản thân để lựa chọn môi trường học tập sau THCS một cách phù hợp.

Ngay việc muốn đăng ký thi vào lớp chuyên, trường chuyên, yêu cầu học sinh không chỉ đáp ứng học lực giỏi mà phải có tinh thần tự lực rất lớn.

Một số môn còn cần năng lực và niềm đam mê. Cũng đừng bao giờ chọn trường theo bạn bè mà hãy bắt đầu từ bản thân mình”, ông Lê Duy Tân đưa ra lời khuyên.

Tại TP.HCM, năm học 2019-2020 có trên 97.000 học sinh lớp 9, giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019. Mỗi năm, TP.HCM giảm khoảng 30% chỉ tiêu vào lớp 10 để đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh.

Nhiều giáo viên cho rằng, sau tốt nghiệp THCS, học sinh còn nhiều hướng đi khác bởi vào THPT không phải là con đường duy nhất. Các em có thể đăng ký học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trung cấp nghề, du học hoặc tham gia lao động sản xuất.

Bởi thực tế từng xảy ra, một số học sinh chọn trường không đúng năng lực dẫn đến tiếc nuối, học không tốt khi đậu vào trường. Nguyên nhân do phụ huynh, học sinh chưa có sự nghiên cứu, nhìn nhận đúng về chỉ tiêu, điểm chuẩn và khả năng học của học sinh với những trường quá tầm tay…

Bà Nguyễn Đặng An Long, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, tùy theo năng lực học tập, mục tiêu phấn đấu, điều kiện, hoàn cảnh mà học sinh nên chọn ngã rẽ phù hợp để tiếp tục học tập, phát triển bản thân, nghề nghiệp sau này.

Đơn cử, muốn vào đại học, học sinh có thể học giáo dục thường xuyên. Chương trình giảng dạy, đánh giá tốt nghiệp đều thực hiện cùng chương trình giáo dục phổ thông.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, hàng năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia khối giáo dục thường xuyên đạt từ 85-90%, một số nơi gần 100% và có nhiều học sinh trúng tuyển vào cao đẳng, đại học.

Liên quan đến vấn đề chọn trường theo mong muốn của phụ huynh, Tiến sĩ Tô Nhi A, chuyên gia tư vấn tâm lý nhìn nhận đây là nỗi niềm của không ít học sinh. Xuất phát từ tình thương mà một số phụ huynh mà vô tình áp đặt việc chọn trường cho con.

Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, nếu gặp tình huống này, các em nên thẳng thắn nói rõ với cha mẹ về sức học, về nhóm trường, sở thích, mong muốn của bản thân để đăng ký trường thi phù hợp. Đồng thời, nhờ giáo viên chủ nhiệm chia sẻ thêm giúp cha mẹ hiểu và tôn trọng quyết định của bản thân.

Học sinh nâng cao tinh thần tự học

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trước diễn biến còn phức tạp của dịch Covid-19, thời gian trở lại trường học của học sinh chưa thể xác định.

Tuy nhiên, nhiệm vụ học ở nhà và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay vẫn còn phía trước, đặt lên sự cố gắng của mỗi học sinh, giáo viên và gia đình.

Để giúp học sinh học tập tốt tại nhà, Sở GD&ĐT TP.HCM đã triển khai các chương trình dạy học trên truyền hình (phát trên đài truyền hình HTV); đồng thời hướng dẫn giáo viên từng trường tổ chức các chuyên đề, hình thức giảng dạy trực tuyến, hoặc thông qua các kênh liên hệ cung cấp cho học sinh công cụ để học sinh tự học ở nhà một cách tốt nhất.

Bằng sự cố gắng, Bộ GD&ĐT cũng cho phép công nhận thời gian học sinh học tập ở nhà nếu nhà trường, giáo viên tổ chức tốt, học sinh tham gia tốt. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng nhưng lại phụ thuộc vào việc tổ chức nghiêm túc, đầy đủ của nhà trường. Nhà trường phải có hướng dẫn để học sinh học ở nhà được thực hành, được làm bài tập và ghi nhớ kiến thức.

Tuy nhiên, mọi việc cũng trở nên vô nghĩa nếu như học sinh không biết cách tự học ở nhà. Cụ thể, học sinh cần xây dựng lịch học nghiêm túc, nâng cao tinh thần tự học, có sự giao tiếp và tương tác với giáo viên, bạn bè.

Bên cạnh học đầy đủ thời gian phát sóng trên truyền hình, ghi nhớ kiến thức, học sinh nên sử dụng các kênh tương tác để trao đổi với giáo viên và bạn bè, sau đó thực hành làm bài nghiêm túc.

Việc đầu tiên là đi từ những bài tập đơn giản đến khó để thử thách khả năng của bản thân, xem còn vướng mắc chỗ nào. Qua đó, còn giúp giáo viên đánh giá hiệu quả những bài giảng đã triển khai. Và khi học sinh đi học trở lại thì có thể rút ngắn thời gian để hoàn thành chương trình.

So với các năm học trước, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vẫn diễn ra, nhưng năm học này học sinh có nhiều thiệt thòi hơn. Học trên truyền hình, học sinh chỉ nghe, nhìn thì tiếp thu, ghi nhận kiến thức đạt khoảng 10%. Có thể sau vài ngày kiến thức còn rơi rụng nhiều.

Tuy nhiên, mọi người đều có hoàn cảnh giống nhau, đều được nhận thông tin từ giáo viên, nhà trường như nhau nên bản thân mỗi học sinh phải nỗ lực, chủ động học tập thì sẽ tiếp thu được tốt kiến thức và tự tin bước vào kỳ thi.

“Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm đều có sự chọn lọc, suất học sẽ có một tỉ lệ nhất định, sẽ dành ưu tiên cho những người làm việc có hiệu quả. Kỳ thi không phụ thuộc vào hình thức học mà phụ thuộc vào nhận thức mỗi học sinh. Chính học sinh là người thầy kiểm soát việc học tập của bản thân”, ông Lê Duy Tân nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất